Những hiểu lầm về bệnh cúm

Nội dung

Mặc dù là một bệnh phổ biến, nhưng vẫn có rất nhiều hiểu lầm về bệnh cúm. Có thể, bạn sẽ không dự đoán trước được mùa cúm nay nay tốt hơn hay tệ hơn năm trước, nhưng việc biết rõ những sự thật về loại virus này và những gì bạn cần làm để giảm nguy cơ mắc cúm là vô cùng quan trọng.

Bạn có thể bị cúm từ việc tiêm vaccine cúm?

Không, điều này là không thể. Đây là một hiểu lầm từ lâu của rất nhiều người, mặc dù đã có rất nhiều chuyên gia giải thích kỹ lưỡng về điều này.

Vaccine cúm là vaccine chết, và vì virus cúm trong vaccine đã chết nên không thể gây bệnh cho bạn được. Vaccine cúm dạng xịt (còn được gọi là FluMist) đã được FDA chấp nhận sử dụng cho trẻ nhỏ và người lớn khỏe mạnh không mang thai, từ 2-49 tuổi, là vaccine dưới dạng virus cúm đã bị làm tê liệt. Tuy vậy, kể cả loại vaccine này cũng không thể khiến bạn bị nhiễm cúm được.

Hiểu lầm này có thể có nguyên nhân là do để hình thành được miễn dịch sau khi tiêm vaccine cúm phải mất 2 tuần. Do vậy, nếu bạn bị cảm lạnh và cúm ngay trước hoặc khi vừa tiêm vaccine, thì lúc này vaccine sẽ chưa có hiệu quả bảo vệ. Và tất nhiên, việc bạn nhiễm cúm không phải tại bạn tiêm vaccine.

 

Những người trẻ và khỏe mạnh thì không cần lo lắng về bệnh cúm?

Đúng là bệnh cúm thường nguy hiểm hơn ở trẻ nhỏ, người cao tuổi hoặc những người có những bệnh tiềm ẩn khác, nhưng bệnh cúm vẫn có thể gây ra những triệu chứng nguy hiểm ở những người khỏe mạnh. Đó là lý do vì sao CDC khuyến cáo mọi người nên tiêm vaccine phòng cúm, tốt nhất là tiêm trước khi mùa cúm đến.

Kể cả nếu bạn không thuộc nhóm người có nguy cơ cao, thì việc tiêm vaccine vẫn có thể ngăn chặn việc bạn làm lây virus sang cho những người khác. Càng nhiều người được tiêm vaccine, lượng virus cúm bay trong không khí càng ít, và do vậy, trẻ nhỏ và người già trong nhà hoặc trong cộng đồng càng được bảo vệ nhiều hơn. Kể cả nếu bạn không thường xuyên tiếp xúc với trẻ nhỏ và người già, bạn vẫn nên tiêm vaccine cúm để bảo vệ bản thân và những người khác sống xung quanh.

 

Cúm gây ra những triệu chứng về đường tiêu hóa?

Rất ít khi các triệu chứng về đường tiêu hóa là do virus cúm gây nên. Bệnh “cúm dạ dày” (stomach flu) thực chất là một thuật ngữ dùng để chỉ một nhóm các loại virus gây nôn mửa và tiêu chảy. Và những loại virus này không phải virus cúm.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là virus cúm sẽ không gây ra các triệu chứng về đường tiêu hóa. Một số người khi bị cúm sẽ xuất hiện các triệu chứng như buồn nôn hay thậm chí là nôn mửa. Nhưng nếu bạn xuất hiện những triệu chứng này mà không có các triệu chứng điển hình của bệnh cúm, thì rất có thể, bạn đang nhiễm một loại virus khác, không phải virus cúm.

 

Phụ nữ mang thai không thể tiêm vaccine phòng cúm?

Ngược lại, tất cả phụ nữ mang thai đều nên tiêm vaccine phòng cúm càng sớm càng tốt. Vaccine phòng cúm rất an toàn cho phụ nữ mang thai, tiêm vaccine sẽ giúp bảo vệ được em bé trong những tháng đầu đời, khi bé còn chưa đủ trưởng thành để tiêm vaccine cúm nhưng lại rất dễ nhiễm bệnh (trẻ nhỏ đủ 6 tháng tuổi mới có thể tiêm vaccine phòng cúm). Kháng thể hình thành sau khi tiêm vaccine sẽ không chỉ bảo vệ bạn khỏi bệnh cúm mà còn bảo vệ được cho cả em bé sau khi sinh, và có thể được truyền qua sữa mẹ, theo khuyến cáo của CDC.

Việc mang thai có thể dẫn đến những thay đổi về hệ miễn dịch, tim, phổi và do đó, có thể làm tăng nguy cơ mắc cúm. Sốt cao và nhiễm trùng nghiêm trọng do cúm có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm trong thai kì, thậm chí là sinh non.

Tất cả chúng ta đều rửa tay với xà phòng và nước. Nhưng chỉ riêng điều này chưa đủ để ngăn chặn bệnh cúm.

Bệnh cúm lây truyền trong không khí thông qua các giọt bắn của nước bọt người bị bệnh. Những giọt bắn này có thể bắn vào người bạn và xâm nhập vào mũi, miệng, mắt của bạn. Bạn cũng có thể bị nhiễm cúm do chạm vào các bề mặt có chứa virus, sau đó dùng tay chạm lên mặt (virus cúm có thể sống khoảng 8 tiếng trên các bề mặt, theo Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ - CDC). Vì vậy, bạn nên rửa tay đúng cách với xà phòng và nước sạch, dưới vòi nước chảy, trong ít nhất 30 giây. Đồng thời, hạn chế tối đa việc chạm tay vào mắt, mũi hoặc miệng. Việc làm này có thể sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc cúm.

Bạn cũng nên đứng cách xa người bị cúm ít nhất là 1,8m vì ở khoảng cách này, các giọt bắn sẽ không thể bắn tới bạn được. Bạn cũng nên khử trùng các khu vực chung ở trong nhà hoặc nơi làm việc – những nơi mà người bị cúm thường xuyên lui tới.

Và việc làm tốt nhất bạn có thể làm và nên làm: tiêm vaccine phòng cúm.

 

Nếu đã bị cúm rồi, thì việc tiêm vaccine sẽ không có tác dụng gì?

Vaccine cúm không giống như vaccine sởi hoặc bại liệt sẽ bảo vệ bạn 100% khỏi nguy cơ mắc cúm. Vaccine cúm chỉ có thể bảo vệ bạn khoảng 60-90%. Nguyên nhân là bởi vì có rất nhiều chủng cúm, và các chủng cúm này lại thường xuyên biến đổi theo từng năm, và rất khó để có thể bảo vệ bạn khỏi tất cả các chủng cúm được. Nếu bạn bị cúm sau khi tiêm vaccine, điều đó có nghĩa là bạn đã bị mắc phải một chủng cúm mà vaccine không thể bảo vệ được.

Và nếu điều này xảy ra, thì vaccine cúm vẫn có tác dụng, nghĩa là sẽ giúp các triệu chứng cúm của bạn nhẹ hơn. Bạn cũng nên ghi nhớ khuyến cáo của CDC: vaccine phòng cúm có thể bảo vệ bạn khỏi việc nhập viện và tử vong vì cúm, nhưng không có nghĩa là bạn sẽ đi qua mùa cúm mà không bị bất cứ triệu chứng cúm nào, nhưng may mắn là các triệu chứng sẽ nhẹ nhàng hơn và đi qua nhanh hơn rất nhiều so với những người không tiêm vaccine.

 

Kháng sinh có thể chống lại bệnh cúm?

Kháng sinh thực ra không có tác dụng với virus, mà chỉ có các loại thuốc kháng virus do bác sỹ kê đơn mới có tác dụng. Tamiflu là loại thuốc phổ biến nhất. Loại thuốc này được chứng minh có thể làm giảm thời gian mắc cúm xuống 1-2 ngày, nếu bạn uống trong vòng 48 giờ sau khi xuất hiện triệu chứng cúm đầu tiên. Đây là loại thuốc được khuyến nghị sử dụng cho những người có nguy cơ cao bị biến chứng hoặc nếu bạn mắc các chủng cúm có khả năng gây bệnh cảnh nặng như cúm A, cúm A H1N1, cúm A H5N1, cúm A H7N9.

Một số loại thuốc khác cũng có thể giúp bạn làm giảm các triệu chứng, ví dụ như các loại thuốc hạ sốt không cần kê đơn (ibuprofen và paracetamol), các thuốc chống dị ứng...

Cách tốt nhất bạn có thể làm khi đã bị cúm: nghỉ ngơi ở nhà, uống nhiều nước và chờ đợi bệnh cúm qua đi. Đừng quên theo dõi các dấu hiệu của mình để nếu bất cứ khi nào bệnh có vẻ nặng lên (xuất hiện ho, khó thở, đau ngực...), hãy đi khám bác sỹ.

Và hãy nhớ: cách dự phòng tốt nhất vẫn là tiêm vaccine cúm.

 

Liệt dây thần kinh mặt (Bell's palsy) là một phản ứng phụ của vaccine cúm?

Liệt dây thần kinh mặt là tình trạng gây yếu hoặc liệu ở một bên mặt. Đây chỉ là tình trạng tạm thời và sẽ biến mất sau vài tuần, thường được cho là do nhiễm virus, ví dụ như nhiễm virus herpes simplex hay virus Epstein – Barr. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lầm tưởng rằng virus cúm gây ra tình trạng liệt mặt này. Trên thực tế, nhiều năm trước, một vài trường hợp bị liệt mặt sau khi tiêm vaccine cúm được báo cáo lại, nhưng vẫn chưa có một bằng chứng nào cho thấy cúm và liệt mặt có mối quan hệ với nhau cả.

 

Vaccine cúm có thể gây bệnh Alzheimer?

Vaccine cúm không gây ra bất kỳ căn bệnh nào, bao gồm cả Alzheimer. Alzheimer là một loại bệnh mất trí và có thể gây ra một số thay đổi về nhận thức. Nguyên nhân tại sao một người lại bị bệnh Alzheimer hiện vẫn chưa được biết rõ, do vậy có rất nhiều giả thuyết được đưa ra, trong đó có giả thuyết về việc tiêm vaccine cúm có thể gây bệnh Alzheimer.

Trên thực tế, chỉ là do người cao tuổi thường được khuyên là nên tiêm vaccine cúm hàng năm, do vậy, người cao tuổi thường sẽ tiêm vaccine cúm, và người cao tuổi cũng thường sẽ bị bệnh Alzheimer do lão hóa. Hai tình trạng này không liên quan gì tới nhau, mà chỉ là hai tình trạng thường gặp ở người cao tuổi mà thôi.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top