Polyp đại tràng ở trẻ em là căn bệnh xảy ra khá phổ biến, với tỷ lệ mắc bệnh là 1 – 5%. Căn bệnh này ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe, sinh hoạt của trẻ là vấn đề khiến nhiều bậc cha mẹ quan tâm. Cùng với đó là nhu cầu tìm hiểu cách điều trị loại bỏ polyp đại tràng.
Ở những trẻ có polyp đại tràng, bệnh thường thể hiện qua các triệu chứng như:
-Đi ngoài phân lẫn máu tươi xuất hiện ở cuối bãi. Tình trạng này thường kéo dài. Máu có thể bao ngoài khuôn phân tạo thành dạng sọc. Cha mẹ của trẻ thường đưa con đi khám khi phát hiện dấu hiệu này. Những trường hợp đi ngoài phân nhày lẫn máu thường gặp ở những bệnh nhân có polyp trực tràng sát hậu môn nên có thể gây kích thích, rất dễ nhầm với hội chứng lỵ.
-Tình trạng mất máu cấp có thể xảy ra khi polyp tự đứt trong một vài trường hợp. Vấn đề này có thể đe dọa tính mạng của bệnh nhân nếu không điều trị kịp thời.
-Cảm giác đau rát có thể gặp phải nếu khối polyp sa lồi ra ngoài khi nằm ở vị trí thấp.
Đặc biệt, các triệu chứng trên thường diễn ra khá liên tục và kéo dài vài tháng đến hàng năm.
-Ngoài các triệu chứng như trên, việc phát hiện bệnh chính xác cần dựa trên khám lâm sàng và thăm trực tràng. Cách này hiệu quả với đa số các trường hợp có polyp đại tràng ở trẻ em. Nội soi đại tràng bằng ống soi mềm là kỹ thuật có giá trị nhất đề chẩn đoán và điều trị polyp đại trực tràng.
Nguyên nhân gây bệnh polyp đại tràng ở trẻ em
Nguyên nhân gây bệnh bao gồm:
-Chế độ ăn
-Yếu tố di truyền
-Tình trạng vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm.
-Yếu tố cơ địa
Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ do chảy máu kéo dài hoặc thiếu máu cấp tính.
Cùng với diễn biến thời gian, càng về sau, những khối polyp cỡ lớn hoặc tình trạng đa polyp ở trẻ (bệnh đa polyp – polyposis) có thể phát triển thành ác tính.
Việc chẩn đoán không chính xác xảy ra trong một số trường hợp, nhất là ở bệnh viện tuyến dưới. Điều này một phần do các biểu hiện của polyp đại tràng ở trẻ em dễ nhầm với bệnh khác, khiến polyp tồn tại lâu, không được chữa sớm. Do vậy nhiều trường hợp trẻ phải dùng nhiều loại thuốc kháng sinh một cách không cần thiết.
Tình trạng đa polyp là bệnh polyp có tính di truyền trong gia đình với nhiều người trong gia đình đều mắc bệnh. Khi đó, polyp xuất hiện rất nhiều cả ở đại tràng và ruột non. Trường hợp này thường có tiên lượng nặng và có nguy cơ cao phát triển thành ác tính.
Với tình trạng polyp đại tràng trong Hội chứng Peutz- Jeghers, ngoài các polyp ở ruột có thể xuất hiện các mảng sắc tố đen ở miệng, tay…
Nội soi đại tràng và cắt polyp trong quá trình nội soi là phương pháp phổ biến hiện nay để chẩn đoán và điều trị polyp đại tràng.
Để có hiệu quả tốt nhất khi nội soi đại tràng, cần đến chuyên môn cao và kinh nghiệm thực tế của bác sĩ. Tuy không phải kỹ thuật đơn giản song nội soi đại tràng khá an toàn.
Trong quy trình nội soi, bệnh nhân được kiểm tra toàn bộ đại tràng qua màn hình phóng đại kết nối với camera gắn ở ống nội soi. Trường hợp phát hiện polyp, khối polyp sẽ được cắt và cầm máu. Mỗi lần soi có thể cắt 50-60 polyp (với các bệnh nhân đa polyp).
Sau khi kết thúc quá trình nội soi cắt polyp, hầu hết bệnh nhi đều có tình hình sức khỏe ổn định và có thể xuất viện sau vài giờ nghỉ ngơi, theo dõi. Những trường hợp trẻ có nguy cơ chảy máu tiếp diễn cần được theo dõi lâu hơn. Đa số trẻ chấm dứt tình trạng đi ngoài lẫn máu nhờ kết quả cắt polyp qua nội soi. Tỷ lệ tái phát rất thấp, tuy nhiên vẫn có một vài trường hợp có thể tái phát polyp, cần được điều trị tiếp.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh