Năm 2003, FDA đã chấp nhận cho phép sử dụng hormone tăng trưởng người dạng tổng hợp để điều trị cho những trẻ khỏe mạnh, có hàm lượng hormone GH trong cơ thể không thấp, nhưng có chiều cao thấp còi. Theo đó, khoảng 500,000 trẻ tại Mỹ có đủ điều kiện để sử dụng hormone tăng trưởng. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ và bác sỹ cần phải cân nhắc lợi ích và nguy cơ của việc sử dụng hormone tăng trưởng nhằm mục tiêu tăng trưởng chiều cao cho trẻ.
Cao hơn là tốt hơn?
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có một chiều cao lý tưởng sẽ đi kèm với nhiều lợi ích khác về mặt xã hội. Rất nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, chiều cao là một trong số những yếu tố tiên quyết khi nam/nữ lựa chọn bạn đời.
Với những nghiên cứu này, bạn có thể sẽ nghĩ rằng, trẻ em thấp bé sẽ có cảm giác kém cỏi và ít hòa đồng hơn? Trên thực tế, các nghiên cứu đã chứng minh rằng không phải như vậy. Nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ em thấp bé cũng sẽ có mức độ hòa đồng tương tự như những trẻ có chiều cao bình thường.
Tuy vậy, thấp bé hơn cũng sẽ là một bất lợi trong một vài trường hợp cụ thể. Ví dụ như khi lái xe. Rất nhiều tính năng an toàn trong xe ô tô, ví dụ như túi khí và dây an toàn được thiết kế cho những người có một chiều cao nhất định. Lái xe có chiều cao dưới 1.52m sẽ dễ có nguy cơ bị tổn thương thậm chí là tử vong bởi túi khí trên xe ô tô nhiều hơn so với những lái xe cao trên 1.52m.
Hormon tăng trưởng người
Từ năm 1959, hormone tăng trưởng người đã được sử dụng để kích thích phát triển chiều cao ở trẻ em không thể tự sản xuất ra loại hormone này trong cơ thể một cách tự nhiên hoặc sử dụng cho những trẻ mắc phải các tình trạng bệnh lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tầm vóc. Vì hormone tăng trưởng được chiết xuất từ xác người, nên rất hạn chế về số lượng.
Năm 1985, khi mà hormone tăng trưởng người có thể được sản xuất bằng cách tổng hợp, thì nguồn cung cấp hormone có thể được coi là không giới hạn. Các nhà sản xuất thuốc bắt đầu khuyến khích việc sử dụng hormone cho trẻ em thấp còi nhưng cơ thể vẫn có khả năng sản xuất đủ hormone tự nhiên. Năm 2003, FDA đã chấp nhận việc sử dụng hormone tăng trưởng để điều trị cho các trẻ em thấp hơn 97% so với bạn bè đồng trang lứa. Những trẻ em đủ tiêu chuẩn điều trị là những trẻ có chiều cao dự kiến khi trưởng thành là dưới 1.6m (nam) và dưới 1.5m (nữ).
Sử dụng hormone tăng trưởng, trẻ có thể cao thêm bao nhiêu?
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những trẻ được điều trị bằng hormone tăng trưởng trong vòng 5.5 năm sẽ cao lên trung bình khoảng 5cm. Đây chỉ là con số trung bình, tức là có trẻ sẽ cao thêm trên 5cm sau khi điều trị, nhưng có trẻ sẽ chỉ cao được 3-4 cm mà thôi.
Sử dụng hormone tăng trưởng liều cao hơn có thể sẽ đem lại hiệu quả hơn. Một nghiên cứu trên 128 trẻ điều trị bằng hormone tăng trưởng liều cao hơn một chút cho thấy trẻ sẽ cao thêm trung bình từ 7.5-11.5cm.
Khó khăn của các bác sỹ là làm thế nào để biết được những trẻ nào sẽ được lợi nhiều nhất từ việc sử dụng hormone tăng trưởng. Theo chúng tôi thì những trẻ có cha mẹ thấp nhưng phát triển với tốc độ bình thường sẽ không cần phải sử dụng hormone tăng trưởng, đặc biệt là nếu kết quả xét nghiệm máu cho thấy trẻ không bị thiếu hormone tăng trưởng. Nhưng với những trẻ phát triển chậm hơn so với chuẩn và bị thiếu hormon tăng trưởng thì việc sử dụng hormone tăng trưởng có thể sẽ giúp trẻ đuổi kịp tốc độ phát triển thông thường.
Nguy cơ của việc sử dụng hormone tăng trưởng?
Hormone tăng trưởng được coi là khá an toàn, ít nhất là trong một vài năm đầu sử dụng. Nhưng, nếu sử dụng lâu dài, thì các nguy cơ mà hormone tăng trưởng gây ra rất khó để đánh giá.
Một nghiên cứu gần đây trên tạp chí Neurology chỉ ra có một mối liên quan chữa điều trị bằng hormone tăng trưởng ở trẻ em và nguy cơ bị đột quỵ khi trưởng thành. Nghiên cứu này đã ghi nhận hơn 7000 trẻ em thấp bé nhưng khỏe mạnh và được điều trị bằng hormone tăng trưởng. Những trẻ này sẽ được theo dõi cho đến năm 28 tuổi. Trong suốt thời gian này, ghi nhận 11 trường hợp đột quỵ, nhiều gấp đôi so với tỷ lệ thông thường. Trong số đó, 4 trường hợp đột quỵ đã dẫn đến tử vong. Đột quỵ do xuất huyết não là nguy cơ lớn nhất. Nhóm sử dụng hormone tăng trưởng sẽ có nguy cơ bị loại đột quỵ này cao gấp 7 lần so với nhóm không sử dụng hormone tăng trưởng.
Vào năm 2012, một nghiên cứu khác được tiến hành cho thấy những trẻ thấp bé được điều trị bằng hormone tăng trưởng (cho dù trẻ có bị thiếu hormone tăng trưởng hay không) sẽ có nguy cơ bị tử vong sớm cao hơn khi trưởng thành. Nguyên nhân thường là do những trẻ này có nguy cơ bị ung thư xương và xuất huyết não cao hơn.
Hormone tăng trưởng cũng có thể làm tăng nguy cơ bị tiểu đường typ 2. Một nghiên cứu xuất bản trên the Lancet năm 2000 ghi nhận bệnh án của hơn 23,000 trẻ được điều trị bằng hormone tăng trưởng trong vòng 3 năm cho thấy, có 18 trẻ phát triển bệnh tiểu đường typ 2, cao hơn 6 lần so với tỷ lệ thông thường.
Sử dụng hormone tăng trưởng không phải là lựa chọn duy nhất cho những trẻ thấp còi. Áp dụng một chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập luyện thể thao và giấc ngủ tốt cũng giúp cải thiện chiều cao hiệu quả và an toàn. Ý kiến của chúng tôi là chỉ nên cân nhắc sử dụng biện pháp hormone khi đồng thời có các tiêu chí sau đây: trẻ bị thấp còi, tốc độ tăng trưởng chậm và nguy cơ không đạt chiều cao 1.6m với nam giới và 1.5m với nữ giới khi trưởng thành, đồng thời có xét nghiệm có lượng hormone GH thấp.
Các bậc phụ huynh và cả các bác sỹ cần hết sức thận trọng khi sử dụng hormone tăng trưởng, nên cân nhắc kỹ lưỡng về lợi ích và nguy cơ mà việc sử dụng hormone mang lại.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh