Hapacol

Thuốc Hapacol là gì?

Hapacol điều trị các triệu chứng đau trong các trường hợp: Đau đầu, đau nửa đầu, đau răng, đau nhức do cảm cúm, đau họng, đau nhức cơ xương, đau do viêm khớp, đau sau khi tiêm ngừa hay nhổ răng. Hạ sốt ở bệnh nhân bị cảm hay những bệnh có liên quan đến sốt.

Thành phần 

  • Dược chất chính: Paracetamol 500mg

  • Loại thuốc: Thuốc giảm đau, hạ sốt

  • Dạng thuốc, hàm lượng:  Viên nén sủi bọt, 500mg

Công dụng 

  • Hapacol điều trị các triệu chứng đau trong các trường hợp: đau đầu, đau nửa đầu, đau răng, đau nhức do cảm cúm, đau họng, đau nhức cơ xương, đau do viêm khớp, đau sau khi tiêm ngừa hay nhổ răng.

  • Hạ sốt ở bệnh nhân bị cảm hay những bệnh có liên quan đến sốt.

Liều dùng 

Cách dùng

Hòa tan viên thuốc trong lượng nước tuỳ thích đến khi hết sủi bọt.

Liều dùng

  • Người lớn và trẻ em > 12 tuổi: uống 1 viên/ lần. Đau nhiều: người lớn có thể uống 2 viên/ lần.

  • Khoảng cách giữa 2 lần uống phải hơn 4 giờ và không uống quá 8 viên/ ngày.

  • Hoặc theo chỉ dẫn của Thầy thuốc.

Lưu ý:

  • Liều tối đa/ 24 giờ: không quá 4 g, khoảng cách giữa 2 lần uống thuốc phải hơn 4 giờ.

  • Không nên kéo dài việc tự sử dụng thuốc mà cần có ý kiến bác sĩ khi:

  • Có triệu chứng mới xuất hiện.

  • Sốt cao (39,5oC) và kéo dài hơn 3 ngày hoặc tái phát.

  • Đau nhiều và kéo dài hơn 5 ngày.

Tác dụng phụ 

  • Ít gặp: ban da; buồn nôn, nôn; bệnh thận, độc tính thận khi lạm dụng dài ngày; giảm bạch cầu trung tính, giảm toàn thể huyết cầu, thiếu máu.

Lưu ý

Chống chỉ định

Quá mẫn với một trong các thành phần của thuốc. Người bệnh thiếu hụt glucose - 6 - phosphat dehydrogenase.

Thận trọng khi sử dụng

  • Đối với người bị phenylceton - niệu và người phải hạn chế lượng phenylalanin đưa vào cơ thể nên tránh dùng Paracetamol với thuốc hoặc thực phẩm có chứa Aspartam.

  • Đối với một số người quá mẫn (bệnh hen) nên tránh dùng Paracetamol với thuốc hoặc thực phẩm có chứa sulfit.

  • Phải dùng thận trọng ở người bệnh có thiếu máu từ trước, suy giảm chức năng gan và thận.

  • Uống nhiều rượu có thể gây tăng độc tính với gan của Paracetamol, nên tránh hoặc hạn chế uống rượu.

  • Bác sĩ cần cảnh báo bệnh nhân về các dấu hiệu của phản ứng trên da nghiêm trọng như hội chứng Steven-Johnson (SJS), hội chứng hoại tử da nhiễm độc (TEN) hay hội chứng Lyell, hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính (AGEP).

Tương tác thuốc

  • Uống dài ngày liều cao Paracetamol làm tăng nhẹ tác dụng chống đông của Coumarin và dẫn chất Indandion.

  • Cần chú ý đến khả năng gây hạ sốt nghiêm trọng ở người bệnh dùng đồng thời Phenothiazin và liệu pháp hạ nhiệt.

  • Các thuốc chống co giật (Phenytoin, Barbiturat, Carbamazepin), Isoniazid và các thuốc chống lao có thể làm tăng độc tính đối với gan của Paracetamol.

  • Uống rượu quá nhiều và dài ngày có thể làm tăng nguy cơ Paracetamol gây độc cho gan.

return to top