Mất ngủ mạn tính là triệu chứng thường gặp ở người cao tuổi. Trên thị trường hiện nay quảng cáo rất nhiều loại thuốc chữa mất ngủ mạn tính, nhiều người không ngần ngại mua về sử dụng, thậm chí là lạm dụng thuốc trong một thời gian dài gây ra nhiều tác hại nguy hiểm. Cùng tìm hiểu bài viết sau để biết việc lạm dụng thuốc điều trị mất ngủ mạn tính có thể gây ra những tác hại nào.
1. Hiểu về mất ngủ mạn tính
1.1 Mất ngủ mạn tính là gì?
Mất ngủ mạn tính hay còn gọi là mất ngủ kinh niên. Đây là tình trạng khó đi vào giấc ngủ hoặc khó duy trì giấc ngủ vào bạn đêm, thức giấc sớm và không ngủ lại được trong thời gian kéo dài ít nhất là 1 tháng.
Mất ngủ dưới 1 tháng được gọi là mất ngủ cấp tính (ngắn hạn).
1.2 Nguyên nhân gây mất ngủ mạn tính
Mất ngủ mạn tính thường gặp ở người cao tuổi. Theo nghiên cứu, nhu cầu ngủ của con người giảm dần theo độ tuổi. Từ tuổi 65-70 bình quân mỗi người chỉ ngủ khoảng 4 – 5 giờ trong đêm, nhiều người rơi vào tình trạng mất ngủ mạn tính.
Nguyên nhân gây mất ngủ mạn tính, gồm rất nhiều nguyên nhân khác nhau từ yếu tố bệnh lý, yếu tố tâm lý cho đến môi trường sống như phòng ngủ bí, thói quen sinh hoạt không lành mạnh,…
1.2.1 Nguyên nhân do bệnh lý
Người cao tuổi thường mắc hay mắc phải các bệnh mạn tính như tiểu đường (đái tháo đường), tăng huyết áp (huyết áp cao), u tiền liệt tuyến, viêm loét dạ dày – hành tá tràng, bệnh phổi phế quản tắc nghẽn mạn tính, suy tim, trầm cảm,…. Đặc biệt là bệnh trầm cảm, đây là bệnh phổ biến nhất gây tình trạng mất ngủ mạn tính ở người cao tuổi.
Từ độ tuổi 45 khoảng 25% dân số mắc bệnh trầm cảm. Trầm cảm và một số bệnh lý với mất ngủ mạn tính có mối quan hệ hai chiều. Người bị trầm cảm lâu ngày dễ mệt mỏi, chán nản, lo lắng quá mức, bi quan và hay nghĩ về cái chết (có hành vi tự sát) nên khó đi vào giấc ngủ. Nhiều người chỉ có thể ngủ được 2-3 tiếng/đêm, thậm chí có người thức trắng đêm. Mất ngủ kéo dài và các bệnh lý mạn tính khác nêu trên có thể làm bệnh cảnh lâm sàng của trầm cảm trở nên phức tạp hơn nhiều.
Ngoài ra, những người mắc các bệnh lý mạn tính khi sử dụng thuốc điều trị chúng có thể làm cho tình trạng trầm cảm của bệnh nhân nặng và khó điều trị hơn. Từ đó mà mất ngủ kinh niên cũng hay gặp ở những đối tượng này. Phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh do thay đổi nồng độ hormone đây cũng có thể được xem là một nguyên nhân gây mất ngủ mạn tính.
1.2.2 Nguyên nhân do tâm lý
Hồi hộp, lo âu, căng thẳng, stress kéo dài, … các yếu tố tâm lý này khiến người bệnh khó đi vào giấc ngủ, khởi đầu là tình trạng mất ngủ cấp tính, sau dần nếu không cải thiện dẫn đến mất ngủ mạn tính.
1.2.3 Môi trường và thói quen sinh hoạt
Phòng ngủ bí, không thông thoáng, quá nóng hoặc quá lạnh, không được vệ sinh sạch sẽ, ánh sáng phòng ngủ không phù hợp, phòng ngủ ồn ào không yên tĩnh,… có thể gây mất ngủ cấp, nếu kéo dài gây mất ngủ mạn tính. Bên cạnh đó những thói quen sinh hoạt không lành mạnh cũng có thể gây mất ngủ. Phổ biến là xem điện thoại, tivi, chơi game quá nhiều đặc biệt là vào buổi tối trước khi đi ngủ, sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, café, thuốc lá,… trước khi đi ngủ, làm cơ thể mất nhiệt hoặc bị kich thích quá mức dẫn tới không ngủ được.
2. Thuốc điều trị mất ngủ mạn tính gồm những loại nào?
Cần tìm đúng nguyên nhân gây tình trạng mất ngủ kéo dài (mất ngủ mạn tính) là do yếu tố bệnh lý, do tâm lý hay môi trường sống, thói quen sinh hoạt mới có thể đưa ra phương án điều trị thích hợp.
Với những người mất ngủ mạn tính do nguyên nhân bệnh lý thì tùy thuộc vào từng loại bệnh lý mắc phải mà các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị sử dụng thuốc đặc trị cho từng loại bệnh và phù hợp với từng bệnh nhân.
Bên cạnh đó, các bác sĩ có thể phối hợp thuốc điều trị bệnh lý đó với các thuốc an thần để có tác dụng gây ngủ như olanzapin, thioridazxin liều thấp để tăng hiệu quả chữa mất ngủ mạn tính. Trong trường hợp người bệnh mắc bệnh trầm thì sử dụng thêm thuốc chống trầm cảm liều thấp. Một số loại thuốc kháng histamin có thể sử dụng với những người mắc các bệnh ngoài da như hắc lào, tổ đỉa, eczema, người cơ địa dị ứng,…
3. Lạm dụng thuốc chữa mất ngủ mạn tính gây ra những tác hại gì?
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều thuốc được quảng cáo là có tác dụng chữa mất ngủ mạn tính, nên nhiều người mua về sử dụng và không lường trước được những tác dụng phụ của thuốc.
3.1 Cơ thể kháng lại thuốc
Cơ thể bạn có thể chống lại thuốc điều trị mất ngủ, thường gặp ở những người có cơ địa dị ứng hay nhạy cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc. Điều này rất nguy hiểm vì có thể dẫn đến sốc và nguy hiểm đến tính mạng.
3.2 Thuốc chữa mất ngủ mạn tính có thể gây mộng du, mất trí nhớ
Lạm dụng thuốc an thần có thể gây hiện tượng mộng du, suy giảm trí nhớ hoặc mất trí nhớ. Gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh.
3.3 Gây nghiện
Lạm dụng thuốc an thần dễ khiến cơ thể bạn phụ thuộc vào thuốc, nếu không có thuốc bạn sẽ khó có thể ngủ được. Khi này việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều và nguy cơ phải sử dụng thuốc suốt đời là hoàn toàn có thể xảy ra.
3.4 Tổn hại dạ dày
Khi lạm dụng thuốc dạ dày của bạn phải làm việc liên tục, đặc biệt những người có tiền sử bị viêm loét dạ dày – hành tá tràng việc lạm dụng thuốc có thể khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
3.5 Nguy cơ giảm tuổi thọ do lạm dụng thuốc chữa mất ngủ mạn tính
Việc lạm dụng thuốc an thần có thể gây giảm tuổi thọ của bạn. Theo nghiên cứu Đại học California cho biết việc sử dụng thuốc ngủ kéo dài có thể gây ra nhiều tác dụng phụ và có thể rút ngắn tuổi thọ của bạn.
4. Nguyên tắc sử dụng thuốc cho người cao tuổi
– Việc sử dụng thuốc điều trị mất ngủ cần tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ, kể cả một số loại được cho là “thuốc bổ” như thảo dược hay thực phẩm chức năng nếu không sử dụng đúng cách cũng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn.
– Người cao tuổi nếu phải sử dụng thuốc thì dùng càng ít loại càng tốt, chọn các loại thuốc ít độc với gan, thận.
– Liều dùng phải theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tăng hay cắt giảm liều tùy ý.
– Phải theo dõi, kiểm tra, đánh giá thường xuyên về hiệu quả cũng như các tác dụng phụ của thuốc, nhất là tác dụng phụ trên gan, thận.
– Với những loại thuốc phải sử dụng kéo dài, nên có thời gian nghỉ thuốc xen kẽ để tránh tình trạng tích lũy thuốc.
Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn có thêm kiến thức về các loại thuốc chữa mất ngủ mạn tính. Hãy nhớ để sử dụng đúng loại thuốc phù hợp, tránh những tác dụng phụ không mong muốn từ việc sử dụng sai cách hoặc lạm dụng thuốc, bệnh nhân cần được thăm khám và có chỉ định, đơn thuốc từ bác sĩ. Nếu có nhu cầu thăm khám hoặc tư vấn loại thuốc phù hợp chữa mất ngủ, vui lòng liên hệ để được hỗ trợ.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh