Cần biết rằng, thuốc tránh thai khẩn cấp và thuốc phá thai nội khoa là khác nhau, nếu cùng một loại dược chất thì liều thuốc phá thai nội khoa cao hơn rất nhiều so với liều thuốc tránh thai khẩn cấp. Có trường hợp người phụ nữ uống 10 - 20 viên thuốc tránh thai khẩn cấp với suy nghĩ “cộng dồn là đủ liều để phá thai” nhưng thuốc được sản xuất để ngừa thai khẩn cấp chỉ để tránh thai khẩn cấp nên không được nghiên cứu uống cộng dồn liều vô chừng để có tác dụng như thuốc phá thai. Nếu dùng quá vô chừng liều tránh thai khẩn cấp, nguy cơ gặp phải tác dụng phụ của thuốc ngừa thai khẩn cấp như tiêu chảy, buồn nôn, sốt, ớn lạnh, rét run… sẽ tăng lên rất nhiều lần” và tác dụng phá thai nếu có được thì chắc chắn sẽ gây tai biến do không có sự theo dõi y khoa.
Phá thai nội khoa
Phương pháp dùng thuốc để phá thai được gọi là phá thai nội khoa. Cần biết rằng, phá thai nội khoa dù bằng thuốc cũng rất nguy hiểm, cần được thực hiện tại bệnh viện.
Trong phá thai nội khoa sẽ dùng hai thuốc phối hợp, một là mifepriston (còn gọi RU486, biệt dược Mifestad®200 hoàn toàn khác với Mifestad®10 dùng tránh thai khẩn cấp) và hai là misoprostol. Mifepriston có tác dụng làm cho niêm mạc tử cung không phát triển thuận lợi cho việc làm tổ của trứng thụ tinh. Còn misoprostol có tác dụng gây co thắt tử cung để tống trứng thụ tinh đã trở thành bào thai ra ngoài. Xin có đôi điều nói về thuốc phá thai nội khoa mifepriston.
Một trong hai nội tiết tố (hoóc-môn) sinh dục nữ là progesteron đóng vai trò quan trọng trong việc thụ thai ở người phụ nữ. Progesteron có tác dụng làm dầy và làm chắc niêm mạc tử cung chuẩn bị cho trứng thụ tinh làm tổ, đồng thời ức chế sự co bóp cơ tử cung giúp cho sự duy trì thai. Nếu trứng đã thụ tinh mà sự tiết progesteron không đầy đủ sẽ sinh ra sinh non hay sẩy thai. Vào những năm 1970, người ta khám phá ra bên trong các tế bào niêm mạc tử cung có các receptor (thụ thể) mà progesteron gắn vào mới phát huy tác dụng. Lập tức, các nhà nghiên cứu nghĩ đến việc tìm ra hợp chất dùng làm thuốc tương tranh với progesteron không cho nó gắn vào các thụ thể đó, Progesteron không còn chỗ gắn vào nữa sẽ không thuận lợi cho việc làm tổ để trứng thụ tinh có thể gắn vào hình thành thai nhi.
Vào năm 1980, hợp chất có tên mifepriston được tổng hợp và cho thấy có tác dụng kháng progesteron bằng cách tương tranh gắn vào thụ thể của progesteron. Năm 1982 thuốc này được thử trên người để xem có tác dụng chống thụ thai sớm tức làm cho thai ngừng phát triển. Năm 1990, Silvestre và các cộng sự đã phối hợp mifepriston và một dẫn chất prostaglandin là misoprostol trên 2.115 phụ nữ ở Pháp để chấm dứt sớm sự thụ thai (misoprostol có tác dụng gây co thắt để tống thai không phát triển ra ngoài).
Phá thai nội khoa có thể áp dụng trong trường hợp nào?
Phụ nữ có thai 7 tuần tuổi trở xuống (tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng), vì một lý do nào đó mà bắt buộc phải chấm dứt thai kỳ thì có thể dùng phương pháp này. Đặc biệt lưu ý, tuyệt đối không được tự mua thuốc về uống mà phải đến cơ sở y tế để làm các xét nghiệm lâm sàng trước khi thực hiện phá thai nội khoa. Và phương pháp này chỉ an toàn khi người cung cấp dịch vụ là các cán bộ y tế đã được đào tạo và có đủ kỹ năng thực hiện phương pháp phá thai này. Nếu phá thai bằng thuốc tại những nơi không phải là cơ sở y tế được cho phép thì rất nguy hiểm vì sẽ bị những tai biến do người không rành chuyên môn dùng những biện pháp không an toàn.
Phá thai nội khoa ở đâu là an toàn?
Chị em có nhu cầu chấm dứt thai kỳ có thể một đến cơ sở y tế được cho phép (như ở TP.HCM là Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện phụ sản Quốc tế…) để được bác sĩ khám và nếu thấy thích hợp, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc để phá thai nội khoa (nếu phát hiện có thai sớm hơn có thể dùng phương pháp hút điều hòa kinh nguyệt thay vì dùng thuốc).
Tại cơ sở y tế được cho phép, người phụ nữ có nhu cầu chấm dứt thai sẽ được khám. Nhân viên y tế sẽ hỏi một số câu hỏi về sức khỏe, giải thích về quá trình phá thai và tư vấn về các biện pháp tránh thai và yêu cầu ký vào một bản cam kết phá thai. Sau đó, nhân viên y tế sẽ đưa cho người phụ nữ một viên thuốc tên mifepriston để uống tại cơ sở. Người phụ nữ sẽ cảm thấy vẫn bình thường sau khi uống viên thuốc nhưng cũng có thể thấy ra máu âm đạo, và sẽ về nhà sau khi uống viên thuốc này. Sau khi uống mifepriston 2 ngày, người phụ nữ uống loại thuốc tiếp theo là 2 viên misoprostol. Thông thường trong vòng 30 phút đến 4 giờ sau khi uống misoprostol, người phụ nữ sẽ đau bụng, ra máu nhiều và ra máu cục khi thai được tống ra ngoài. Sau đó, phần lớn phụ nữ ra máu như hành kinh trong vòng 10 ngày kể từ khi uống thuốc, tuy nhiên một số ít phụ nữ có thể ra máu nhẹ kéo dài hơn 1 tháng.
Nếu phá thai bằng thuốc thất bại, cần tiến hành hút thai ở cơ sở y tế.
Lưu ý tai biến do phá thai nội khoa
Phá thai ba tháng đầu bằng thuốc là thủ thuật an toàn hơn nhiều so với phương pháp nạo bằng thìa, tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ nhỏ các tai biến có thể xảy ra. Rất hiếm gặp tai biến sau:
- Ra máu quá nhiều cần phải hút thai bằng phương pháp hút chân không.
- Nhiễm trùng cần dùng thuốc kháng sinh.
- Ra máu quá nhiều gây mệt mỏi hoặc chóng mặt, cần tiếp máu.
Người phụ nữ sau khi phá thai nội khoa cần quay lại cơ sở y tế ngay khi thấy:
- Đau bụng liên tục sau giai đoạn ra máu ban đầu.
- Ra máu âm đạo quá nhiều (mỗi giờ thấm hết 2 băng vệ sinh dày trong 2 giờ liền).
- Sốt 380C trở lên và kéo dài trên một ngày sau khi uống misoprostol.
- Không ra máu trong vòng 24 giờ sau khi uống thuốc misoprostol (Chú ý: có thể ra máu kéo dài trong vài tuần nhưng phải giảm dần về lượng).
Cũng cần quay lại khám kiểm tra trong vòng 2 tuần để khẳng định đã sẩy thai hoàn toàn. Lần tái khám này là vô cùng quan trọng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh