Nguồn: Antithrombotic Therapy in Patients With COVID-19. COVID-19 treatment guidelines. National Institutes of Health.
https://www.covid19treatmentguidelines.nih.gov/therapies/antithrombotic-therapy/.
Cập nhật lần cuối: ngày 11 tháng 2 năm 2021
Dịch: SVD. Tăng Vân Hải-Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch
Hiệu đính: TS.DS. Võ Thị Hà – Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, BV Nguyễn Tri Phương
TÓM TẮT KHUYẾN CÁO
Ở những bệnh nhân COVID-19 không nhập viện, hiện không có dữ liệu ủng hộ việc thực hiện các xét nghiệm chức năng đông máu (ví dụ: D-dimer, thời gian prothrombin, số lượng tiểu cầu, fibrinogen) (AIII).
Ở những bệnh nhân COVID-19 nhập viện, các xét nghiệm huyết học và đông máu thường được làm, mặc dù hiện tại không có đủ bằng chứng để khuyến cáo hoặc chống lại sử dụng dữ liệu này để hướng dẫn các quyết định quản lý.
Liệu pháp chống đông máu và chống kết tập tiểu cầu mãn tính
Những bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc chống đông máu hoặc chống kết tập tiểu cầu cho các tình trạng bệnh lý nền nên tiếp tục sử dụng các loại thuốc này nếu họ được chẩn đoán mắc COVID-19 (AIII).
Dự phòng và sàng lọc huyết khối tĩnh mạch
Đối với những bệnh nhân COVID-19 không nhập viện, không nên bắt đầu dùng thuốc chống đông máu và thuốc chống kết tập tiểu cầu để phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch (Venous Thromboembolism-VTE) hoặc huyết khối động mạch trừ khi bệnh nhân có chỉ định điều trị khác hoặc đang tham gia thử nghiệm lâm sàng (AIII).
Người lớn không mang thai mắc COVID-19 phải nhập viện
Nên được dùng thuốc kháng đông liều dự phòng (AIII) (Xem khuyến cáo cho phụ nữ mang thai bên dưới). Không nên sử dụng thuốc chống đông máu hoặc chống kết tập tiểu cầu để ngăn ngừa huyết khối động mạch nằm ngoài tiêu chuẩn chăm sóc thông thường cho bệnh nhân không mắc COVID-19 (AIII).
Hiện không có đủ bằng chứng để khuyến cáo sử dụng hoặc chống lại việc sử dụng thuốc tiêu sợi huyết hoặc sử dụng liều cao hơn liều dự phòng của thuốc chống đông máu trong điều trị dự phòng huyết khối tĩnh mạch ở bệnh nhân COVID-19 nhập viện ngoài thử nghiệm lâm sàng.
Bệnh nhân nhập viện vì mắc COVID-19 không nên xuất viện thường quy khi đang điều trị dự phòng huyết khối tĩnh mạch (AIII). Tiếp tục dùng thuốc chống đông với phác đồ được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm phê duyệt để dự phòng huyết khối tĩnh mạch kéo dài sau khi xuất viện có thể được xem xét cho những bệnh nhân có nguy cơ chảy máu thấp và nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch cao, như theo phác đồ dành cho bệnh nhân không mắc COVID-19 (xem chi tiết về cách xác định bệnh nhân có nguy cơ dưới đây) (BI).
Hiện không có đủ bằng chứng để khuyến cáo hoặc chống lại việc tầm soát huyết khối tĩnh mạch sâu định kỳ ở bệnh nhân COVID-19 không có dấu hiệu hoặc triệu chứng của huyết khối tĩnh mạch, bất kể tình trạng của các xét nghiệm chức năng đông máu của họ.
Đối với những bệnh nhân nhập viện với COVID-19 bị suy giảm nhanh chóng chức năng phổi, tim hoặc thần kinh, hoặc giảm tưới máu ngoại biên đột ngột, cục bộ, nên đánh giá khả năng mắc bệnh huyết khối tắc mạch (AIII).
Bệnh nhi COVID-19 phải nhập viện
Đối với trẻ nhập viện với COVID-19, chỉ định điều trị dự phòng huyết khối tĩnh mạch phải giống như đối với trẻ không mắc COVID-19 (BIII).
Điều trị
Khi không thể áp dụng phương tiện chẩn đoán hình ảnh, bệnh nhân COVID-19 gặp phải biến cố huyết khối tắc mạch hoặc những người bị nghi ngờ mắc bệnh huyết khối tắc mạch nên được quản lý bằng liều điều trị của thuốc chống đông máu (AIII).
Bệnh nhân COVID-19 cần sử dụng liệu pháp oxy hóa màng ngoài cơ thể (ECMO) hoặc điều trị thay thế thận liên tục hoặc những người có huyết khối trong lòng catheter hoặc thiết bị lọc ngoài cơ thể nên được điều trị bằng thuốc chống huyết khối theo phác đồ tiêu chuẩn cho những người không mắc COVID-19 (AIII).
Những lưu ý đặc biệt dành cho phụ nữ mang thai và cho con bú
Nếu liệu pháp chống huyết khối được chỉ định trong thời kỳ mang thai trước khi được chẩn đoán mắc COVID-19, liệu pháp này nên được tiếp tục (AIII).
Đối với bệnh nhân mang thai nhập viện vì mắc COVID-19 nặng, khuyến cáo dùng thuốc kháng đông liều dự phòng trừ khi có chống chỉ định (xem bên dưới) (BIII).
Giống như đối với bệnh nhân không mang thai, dự phòng huyết khối tĩnh mạch sau khi xuất viện không được khuyến cáo cho bệnh nhân mang thai (AIII). Quyết định tiếp tục điều trị dự phòng huyết khối tĩnh mạch ở bệnh nhân mang thai hoặc hậu sản sau khi xuất viện nên được cá nhân hóa, xem xét các yếu tố nguy cơ huyết khối tĩnh mạch đồng thời.
Việc sử dụng liệu pháp chống đông máu trong quá trình chuyển dạ và sinh nở cần được lên kế hoạch và chăm sóc chuyên biệt. Liệu pháp này nên được quản lý ở những bệnh nhân mang thai mắc COVID-19 theo cách tương tự như ở những bệnh nhân mang thai với các tình trạng khác cần dùng thuốc kháng đông trong thai kỳ (AIII).
Heparin không phân đoạn, heparin trọng lượng phân tử thấp và warfarin không tích lũy trong sữa mẹ và không gây ra tác dụng chống đông máu ở trẻ sơ sinh; do đó, chúng có thể được sử dụng cho những người đang cho con bú mắc hoặc không mắc COVID-19, những người cần điều trị hoặc dự phòng huyết khối tĩnh mạch (AIII). Ngược lại, sử dụng thuốc chống đông đường uống tác dụng trực tiếp trong thời kỳ mang thai không được khuyến cáo thường quy do thiếu dữ liệu an toàn (AIII).
Xếp hạng các Khuyến cáo:
Xếp hạng Bằng chứng:
I = Một hoặc nhiều thử nghiệm ngẫu nhiên không có hạn chế lớn;
IIa = Các thử nghiệm ngẫu nhiên khác hoặc phân tích phân nhóm của các thử nghiệm ngẫu nhiên;
IIb = Các thử nghiệm không được chuẩn hóa hoặc các nghiên cứu thuần tập quan sát;
III = Ý kiến chuyên gia
Xem tiếp: Thực hành sử dụng thuốc chống huyết khối trong điều trị Covid-19
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh