✴️ Kiểm soát véc - tơ truyền bệnh (P2)

Đặc điểm của một số bệnh chính do véc - tơ truyền bệnh ở Việt Nam

Sốt Dengue/sốt xuất huyết Dengue

Tác nhân gây bệnh: là virus Dengue, có các typ huyết thanh D 1, 2, 3 và 4 thuộc họ Flavi virus (Flaviviruses).

Sự lưu hành: các typ virus Dengue hiện nay đang là nguyên nhân gây bệnh lưu hành địa phương ở hầu hết các nước vùng nhiệt đới. Tại Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết Dengue thường lưu hành ở những vùng đồng bằng Bắc Bộ, các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng… và hầu hết các tỉnh ven biển miền Trung vào mùa hè -thu. ở các tỉnh phía Nam, dịch lưu hành quanh năm.

ổ chứa: virus được duy trì trong chu trình người - muỗi Aedes aegypti tại các trung tâm thành phố vùng nhiệt đới (hình 8.4) chu trình khỉ - muỗi là ổ chứa của virus ở Đông Nam á và Tây Phi.

Véc-tơ truyền bệnh: là muỗi thuộc chi Aedes. ở Việt Nam chủ yếu bệnh được lây truyền qua 2 loài muỗi là Aedes aegypti (ở các thành phố) và A. albopictus (ở vùng Duyên Hải, nông thôn). Thời gian hoạt động của muỗi chủ yếu vào ban ngày, nhất là từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều.

Hình 8.4. Một số hình ảnh về véc-tơ truyền bệnh sốt xuất huyết - muỗi Aedes aegypti

Cách lây truyền: qua vết đốt của muỗi mang virus.

Thời kỳ ủ bệnh: 3 - 14 ngày, thông thường từ 5 -  7 ngày.

Mức độ nguy hiểm: gây thành dịch lớn, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Bệnh sốt rét

Tác nhân gây bệnh: Plasmodium falciparum, P. vivax, P. malariae, P. ovale phát triển hữu tính trong cơ thể muỗi và truyền cho người. ở người, Plasmodium phát triển vô tính và được muỗi hút máu vào trong cơ thể muỗi, phát triển hữu tính và tập trung ở tuyến nước bọt của muỗi.

Sự lưu hành: lưu hành rộng rãi, ảnh hưởng đến sức khoẻ ở nhiều vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Các vùng lây truyền cao: Nam Mỹ (Brazil) và Đông Nam á. Tại Việt Nam, bệnh thường lưu hành ở vùng rừng núi, ven biển, đồng bằng Sông Cửu Long (hình 8.5).

Véc-tơ truyền bệnh: muỗi Anopheles cái. Thời gian hoạt động của muỗi chủ yếu vào lúc chập choạng tối.

Thời kỳ ủ bệnh:  

7 - 14 ngày đối với  P. falciparum.

8 - 14 ngày đối với  P. vivax và P. ovale.

7 - 30 ngày đối với  P. malariae.

Mức độ nguy hiểm: gây sốt rét lưu hành, sốt rét ác tính và biến chứng, có thể tử vong, đặc biệt là ở phụ nữ và trẻ em (xem thêm bảng 8.1).

Hình 8.5. Bản đồ phân bố bệnh sốt rét trên toàn thế giới

Hình 8.6. Bản đồ phân bố bệnh sốt rét ở khu vực Đông Nam á

Bảng 8.1. Triệu chứng của vết muỗi đốt và các bệnh do muỗi truyền

Viêm não Nhật Bản B

Viêm não Nhật Bản B là bệnh nhiễm trùng toàn thân nhưng nặng nề nhất là ở não, gây dịch về mùa hè.

Tác nhân gây bệnh: Arbovirus nhóm B, chủng Flavivirus, họ Togaviridae.

Sự lưu hành: hiện nay viêm não Nhật Bản B đang có chiều hướng giảm dần ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; nhưng lại đang có chiều hướng gia tăng ở một số nước Đông Nam á và Nam á: Băngladesh, Burma, ấn Độ, Nepal, Thái Lan và  Việt Nam. 

Véc-tơ truyền bệnh: ở Việt Nam, muỗi Culex tritecniorhyncus đóng vai trò quan trọng. Muỗi này sinh sản và phát triển nhiều ở đồng ruộng, chúng đốt chim, gia súc và người. Muỗi Culex hoạt động trong và quanh nhà, hút máu về đêm, ngừng hoạt động lúc 8 giờ sáng. Tỷ lệ lây lan bệnh phụ thuộc nhiều vào thời tiết chi phối sự sinh sản của véc tơ truyền bệnh và khối cảm thụ. Người lớn và trẻ lớn thường có miễn dịch nên tỷ lệ mắc bệnh cao nhất thường gặp ở trẻ em từ 3 đến 7 tuổi. 

Thời kỳ ủ bệnh: trung bình 1 tuần, tối thiểu là 5 ngày, tối đa là 15 ngày.

Mức độ nguy hiểm: khởi phát bệnh từ 1 đến 4 ngày, ngắn nhất là 12 giờ. Bao gồm các triệu chứng không đặc hiệu như: sốt, ho, mất ngủ, quấy khóc. Thời kỳ toàn phát: 7 đến 10 ngày, bao gồm các hội chứng thần kinh, tinh thần phong phú và hội chứng nhiễm trùng. Có thể gây co giật, hôn mê, liệt v.v... và thậm chí tử vong. 

Điều trị: hiện nay vẫn chỉ điều trị triệu chứng, không có thuốc điều trị đặc hiệu. 

Đường lây truyền của bệnh (sơ đồ 8.6).

Sơ đồ 8.6. Đường lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản B

Dịch hạch

Tác nhân gây bệnh: trực khuẩn dịch hạch Yersinia pestis (hình 8.7).

Hình 8.7. Trực khuẩn gây bệnh dịch hạch Yersinia pestis trong máu người

Sự lưu hành: bệnh thường lưu hành ở một số vùng thuộc miền Tây nước Mỹ, những vùng rộng lớn của Nam Mỹ, Bắc – Trung - Tây và Nam Phi, Trung và Đông Nam á. ở Việt Nam, bệnh thường lưu hành ở Tây Nguyên.

ổ chứa: các loài gặm nhấm hoang dại, đặc biệt là chuột và sóc đất là ổ chứa tự nhiên của dịch hạch. Những động vật nuôi trong nhà (chủ yếu là mèo) cũng có thể là nguồn truyền nhiễm lây sang người.

Véc-tơ truyền bệnh: bọ chét, đặc biệt là loài Xenopsylla cheopis bọ chét chuột (hình 8.8). Đôi khi lây lan từ người sang người qua bọ chét Pulex irritans.

Hình 8.8. Bọ chét Xenopsylla cheopis (véc-tơ truyền bệnh dịch hạch)

Cách lây truyền: qua vết đốt của bọ chét mang bệnh.

Thời kỳ ủ bệnh: từ 1-7 ngày, có thể kéo dài thêm vài ngày ở những người đã được tiêm phòng. Đối với dịch hạch thể phổi tiên phát từ 2 - 4 ngày, thường là rất ngắn, thậm chí chỉ 24 h.

Mức độ nguy hiểm: ở mức độ cá thể, nếu không được phát hiện và điều trị sớm  có thể gây tử vong ở  mức độ quần thể có thể gây nên một vụ dịch lớn trên một diện rộng.

 

CÁC BIỆN PHÁP KIẾM SOÁT VÉC - TƠ TRUYỀN BỆNH

Vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân và vệ sinh khu vực xung quanh nhà ở / kiểm soát môi trường 

Vệ sinh cá nhân:

Thường xuyên giữ cho cơ thể sạch sẽ.

Giữ vệ sinh ăn uống, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi ngoài.

Vệ sinh môi trường và vệ sinh khu vực xung quanh nhà ở:

Sử dụng hố xí hợp vệ sinh.

Ngăn chặn nơi thâm nhập của véc - tơ gây bệnh: chăng lưới chống muỗi, ruồi quanh nhà, nằm màn, chặn các lỗ mà chuột có thể ra vào v.v... Đối với khu vực được coi là có nguy cơ cao về muỗi (rừng, nơi ẩm thấp) cần mặc quần áo dài khi đi làm. 

Loại bỏ thức ăn thừa.

Loại bỏ nơi trú ẩn và nơi sinh sản của các loại véc-tơ truyền bệnh: 

Tránh đọng nước: không để các mảnh vỡ, vỏ lọ có chứa nước, các vũng nước tù đọng quanh nhà.

Che đậy các dụng cụ chứa nước.

Dọn dẹp các nơi ẩm thấp có thể là nơi trú ẩn của muỗi, ruồi, gián, chuột.

Hệ thống thoát nước bẩn phải được làm tốt.

Thu gom và xử lý chất thải hợp vệ sinh.

Thay đổi tập quán vệ sinh, sinh hoạt và canh tác lạc hậu để hạn chế sự phát triển của véc-tơ

Phá vỡ chu trình sống của ký sinh trùng: uống thuốc diệt ký sinh trùng sốt rét.

Tăng cường các biện pháp truyền thông, giáo dục sức khoẻ cho cộng đồng về các biện pháp phòng chống véc-tơ truyền bệnh và các bệnh do véc-tơ truyền. 

Biện pháp hoá học, cơ học và sinh học

Biện pháp hoá học

Ở mức cộng đồng: phun hoá chất diệt côn trùng: diệt ruồi, muỗi, gián v.v...

Tại từng gia đình, có thể dùng hương xua muỗi, ống xịt côn trùng, dùng bả chuột… nằm màn tẩm hoá chất v.v...

Tại các cánh đồng: dùng hơi độc hoặc mồi độc để diệt chuột.

Biện pháp cơ học, lý học

Vỉ đập ruồi.

Hộp nhử muỗi.

Bẫy chuột, keo dính chuột, xông khói bắt chuột v.v..

ánh sáng.

Biện pháp sinh học

Sử dụng một số động vật được coi là thiên địch của các loại véc-tơ truyền bệnh để loại trừ các loại véc-tơ truyền bệnh này.

Tăng cường nuôi mèo, rắn, cú để diệt chuột. Cấm săn bắt trái phép mèo, rắn và cú. Có thể dùng bả chuột vi sinh để làm bẫy nhử chuột. Mục đích của biện pháp này là gây dịch cho chuột bằng các dòng vi khuẩn, chuột có thể bị chết mà không ảnh hưởng tới các vật nuôi khác.

Thả mesocyclops và cá vào các bể chứa nước và các ao hồ để tiêu diệt ấu  trùng muỗi.

Nấm diệt bọ gậy.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top