Cây râu mèo là cây gì?
Cây râu mèo hay còn gọi là cây bông bạc, tên khoa học là Orthosiphon stamineus Benth, họ bạc hà. Sở dĩ được gọi là cây râu mèo vì hình dạng của nó rất giống với bộ râu của con mèo.
Trên thế giới cây râu mèo là cây nhiệt đới tương đối điển hình, mọc tự nhiên ở Ấn Độ, Indonesia… Ở Việt Nam, chúng ta có thể thấy cây râu mèo ở vùng đồng bằng và miền núi như Cao Bằng, Thanh Hóa, Ba Vì (Hà Nội)…
Một số tác dụng của cây râu mèo: Lợi tiểu, hỗ trợ điều trị các bệnh như bệnh thận, sỏi thận, hạ huyết áp, hạ đường huyết, bảo vệ gan, tăng sức đề kháng…
Cây râu mèo hỗ trợ điều trị sỏi thận
Theo Đông y, cây râu mèo có vị ngọt, nhạt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, dùng làm thuốc lợi tiểu mạnh, thông mật, dùng trong bệnh sỏi thận, sỏi túi mật, viêm túi mật, dùng trị viêm thận cấp tính và mạn tính, viêm bàng quang, sỏi tiết niệu…
Theo các nhà nghiên cứu thì:
– Đối với những bệnh nhân sỏi thận: Cây râu mèo có tác dụng làm kiềm hóa máu, sự có mặt của hoạt chất orthosiphonin và muối kali trong dược liệu có tác dụng giữ cho acid uric và muối urat ở dạng hòa tan. Do đó phòng ngừa được sự lắng đọng của chúng để tạo thành sỏi thận.
– Đối với những người khỏe mạnh: Dịch râu mèo có tác dụng làm tăng sự bài tiết citrat và oxalat, giảm nguy cơ hình thành sỏi thận…
Để điều trị sỏi thận hiệu quả thì việc thăm khám để có biện pháp xử lý sỏi thận kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm từ sỏi thận khi không được điều trị sớm. Ngoài ra, cần điều trị sỏi thận kết hợp với chế độ ăn uống khoa học, luyện tập thể dục điều độ theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Sử dụng cây râu mèo như thế nào khi bị cao huyết áp và sỏi thận
Với bệnh nhân thận – tiết niệu thì dùng cây râu mèo giúp lợi tiểu, có tác dụng hỗ trợ đào thải những sỏi thận nhỏ và cũng có tác dụng hạ huyết áp. Cho nên khi bạn sử dụng cây râu mèo có thể sẽ kéo huyết áp xuống so với hiện tại. Tuy nhiên nếu bạn dùng liều cao thì cần hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa tim mạch để có ý kiến xác thực hơn.
Với liều lượng thông thường, cây râu mèo không thấy có tác dụng gây độc cấp tính. Tuy nhiên, do tác động trên sự cân bằng ion K+, Na+… và phân hóa tố, do đó, không nên dùng thường xuyên và lâu dài râu mèo.
Đặc biệt, bạn cần đến chuyên khoa tiết niệu để kiểm tra xem sỏi nhỏ hay lớn. Nếu sỏi nhỏ mà điều sử dụng cây râu mèo một thời gian sỏi không tự thải ra ngoài hoặc sỏi lớn thì việc điều trị nội khoa như vậy sẽ không hiệu quả, hơn nữa cây râu mèo chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị sỏi thận. Sau khi thăm khám, tùy vào từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh