✴️ Vị thuốc từ Đinh Lăng

Nội dung

Tổng quan về cây Đinh lăng

Đinh lăng là một loại cây nhỏ, thân nhẵn, không có gai, thường cao khoảng 0,8–1,5m. Lá to, mọc so le, kép lông chim, lá chét có răng cưa nhọn. Lá có mùi thơm khi vò nát, cuống dài, phát triển thành bẹ to ở phần cuối.

Cụm hoa mọc ở ngọn thành hình chùy ngắn, hoa nhỏ màu lục nhạt hoặc trắng xám. Quả dẹt, hình trứng rộng, màu trắng bạc. Mùa hoa quả vào tháng 4–7.

Ở Việt Nam, loài cây này được trồng khá phổ biến trong vườn gia đình, đình chùa, trạm xá, bệnh viện để làm cảnh, làm thuốc và làm rau gia vị. Cây ưa ẩm và có thể hơi chịu bóng, trồng được trên nhiều loại đất và có khả năng tái sinh vô tính khỏe.

vị thuốc đinh lăng

Bộ phận dùng

Người ta thường đào rễ Đinh lăng, rửa sạch đất cát, phơi hay sấy khô để sử dụng. Rễ nhỏ để nguyên, rễ to chỉ dùng vỏ rễ.

Ngoài ra, thân và lá cũng có thể dùng trong các bài thuốc dân gian.

Thành phần hóa học

Các nhà khoa học đã tìm thấy trong Đinh lăng có các loại alkaloid, glucosid, saponin, flavonoid, tanin, vitamin B1, vitamin B2, vitamin B6, các axit amin (bao gồm lycin, cystein và methionin) và nhiều nguyên tố vi lượng khác. Trong lá còn có saponin triterpen, một genin đã xác định được là axit oleanolic.

Theo “Từ điển cây thuốc Việt Nam” của Võ Văn Chi thì rễ của cây đinh lăng tính bình, vị ngọt, có tác dụng bổ ngũ tạng, giải độc, bổ huyết, tăng sữa, tiêu thực, tiêu sưng. Ngoài ra đinh lăng cũng là loại thuốc tăng lực. Đinh lăng ít độc hơn nhân sâm, không gây tăng huyết áp.

Một số bài thuốc của Đinh lăng

1. Chữa mỏi mệt, biếng vận động:

Lấy 5g rễ phơi khô thái mỏng rồi thêm vào đó 100ml nước. Đun sôi trong 15 phút, chia làm 2–3 lần uống trong ngày.

2. Chữa sốt lâu ngày, nhức đầu, háo khát, ho, đau, tức ngực, nước tiểu vàng:

Đinh lăng tươi (rễ, cành) 30g, lá hoăc vỏ chanh 10g, vỏ quýt 10g, sài hồ (rễ, lá, cành) 20g, lá tre tươi 20g, cam thảo 30g, rau má tươi 30g, chua me đất 20g. Các vị cắt nhỏ, đổ ngập nước, sắc đặc lấy 250ml, chia uống 3 lần trong ngày.

3. Chữa đau tử cung:

Cành và lá Đinh lăng rửa sạch, sao vàng rồi sắc lấy nước uống thay chè.

4. Chữa viêm gan mạn tính:

Rễ Đinh lăng 12g, nhân trần 20g, ý dĩ 16g; chi tử, hoài sơn, biển đậu, rễ cỏ tranh, xa tiền tử, ngũ gia bì mỗi vị 12g; uất kim, nghệ, ngưu tất mỗi vị 8g. Sắc lấy nước uống, mỗi ngày một thang.

5. Chữa sốt rét:

Rễ Đinh lăng, sài hồ mỗi vị 20g; rau má 16g; lá tre, cam thảo nam mỗi vị 12g; bán hạ sao vàng 8g; gừng 6g. Sắc lấy nước uống.

Tác dụng phụ

Bạn có thể gặp phải tác dụng phụ nào khi sử dụng Đinh lăng?

Đinh lăng là một dược liệu ít độc. Nếu sử dụng quá liều lâu dài, độc tính trường diễn thường thấy là xung huyết ở gan, tim, phổi, dạ dày, ruột, biến loạn dinh dưỡng.

Trong rễ cây có chứa nhiều saponin nên có thể làm vỡ hồng cầu. Vì vậy, bạn chỉ nên dùng khi cần thiết và dùng đúng liều, đúng cách. Càng không được dùng với liều cao vì sẽ gây say thuốc, xuất hiện cảm giác mệt mỏi, buồn nôn, tiêu chảy. Bạn cần tham khảo ý kiến từ các y sĩ y học cổ truyền trước khi sử dụng các loại dược liệu để đảm bảo an toàn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top