Những loại bệnh nên hạn chế sử dụng vitamin

Bệnh tim mạch

Đối với bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, nếu uống vitamin E quá liều thì tỷ lệ phát bệnh phải nhập viện tăng gần 20%. Ngoài ra, người bệnh tim không được dùng thuốc có chứa kali ở liều cao (trên 3.500mg mỗi ngày), vì lượng kali dư thừa cũng sẽ làm tim đập nhanh và loạn nhịp tim.

 

Bệnh đái tháo đường

Vitamin B3 giúp giảm lượng cholesterol, giúp ích cho quá trình tuần hoàn máu và hình thành hệ thần kinh. Nhu cầu vitamin B3 hàng ngày của người trưởng thành là từ 15 - 18mg. Nhưng với người bệnh đái tháo đường, nếu dùng vitamin B3 hàng ngày gây tăng cường phân giải glycogen nên làm tăng đường huyết. Do đó, người mắc bệnh đái tháo đường cần lưu ý điều chỉnh liều dùng thuốc kiểm soát đường huyết khi phối hợp với vitamin B3.

 

Bệnh tăng huyết áp

Trong khi dùng thuốc chữa tăng huyết áp, nhiều người thường phối hợp dùng vitamin C làm tăng cường khả năng miễn dịch. Loại vitamin C dạng sủi được ưa chuộng. Trong viên sủi chứa nhiều natribicarbonat (NaHCO3) làm tăng lượng Na như người dùng nhiều muối trong bữa ăn hàng ngày.

Na kéo ion canxi (Ca 2) vào nhiều trong nội bào. Chính Ca 2 khi vào nội bào nhiều sẽ gắn kết với phức tropomin C làm thay đổi cấu trúc không gian của phức này, bộc lộ actin, tạo điều kiện cho actin kết hợp với myosin gây co cơ. Sự co cơ thành tiểu động mạch tăng sẽ cản trở lưu thông máu dẫn tới tăng huyết áp. Như vậy, tá dược NaHCO3 trong viên sủi C làm giảm hiệu lực của thuốc chữa tăng huyết áp.

 

Bệnh ung thư

Người ta đã nói tới nhiều loại vitamin có khả năng phòng chống ung thư, nhưng ngược lại cũng có nhiều loại vitamin không những không góp phần ngăn chặn sự phát triển của ung thư mà lại “tiếp tay” cho các tế bào ác tính có điều kiện thuận lợi để nhanh chóng lớn lên và di căn đến nhiều nơi khác.

Vitamin B1: Đây là loại vitamin không thuộc diện chống chỉ định cho những bệnh nhân ung thư nhưng phải hết sức thận trọng khi dùng cho các bệnh nhân này. Một số bệnh nhân ung thư như bệnh ung thư máu (bệnh bạch cầu), bệnh ung thư đường tiêu hóa và một số khối u ác tính tiến triển nhanh đều gây ra hậu quả thiếu hụt vitamin B1.

Hơn nữa, khi dùng các thuốc điều trị khối u cũng phát sinh ra sự thiếu hụt này dẫn đến những hậu quả như tê bì, suy giảm trí nhớ và tăng lượng acid lactic trong máu (gây tình trạng toan hóa máu). Vì vậy, người bệnh ung thư thường được bác sĩ chỉ định cho dùng bổ sung vitamin B1 trong quá trình điều trị. Nhưng nếu dùng quá nhiều vitamin B1 cho bệnh nhân thì lại gây ra sự tăng trưởng của các khối u làm cho ung thư tiến triển mau hơn.

Vitamin B12: Vitamin B12 được biết đến đầu tiên với tác dụng chống lại bệnh thiếu máu có hồng cầu to (bệnh Biermer) và tăng cường chuyển hóa đối với các nơron thần kinh nên thường được dùng phối hợp với vitamin B1 và vitamin B6 để điều trị nhiều căn bệnh đau nhức, tê bại... Về tác dụng được lý, vitamin B12 có khả năng làm cho các tế bào tăng trưởng mạnh, vì thế bệnh nhân mắc bệnh thiếu máu hồng cầu to sau khi được điều trị bằng vitamin B12 đã nhanh chóng hồi phục.

Về mặt cơ chế bệnh sinh, ung thư cũng là một căn bệnh mà sự phát triển các tế bào ác tính là vô tổ chức và không thể kiểm soát nổi. Các thuốc điều trị ung thư đều nhằm tiêu diệt tế bào hoặc là kìm hãm sự phát triển của chúng. Nhưng vitamin B12 lại tác dụng ngược lại kích thích các tế bào phát triển nhanh hơn. Vì vậy, việc dùng vitamin B12 cho bệnh nhân ung thư chỉ là làm cho bệnh càng tiến triển nhanh hơn mà thôi.

 

Lời khuyên của thầy thuốc

Vitamin là loại thuốc dễ bị lạm dụng nhất vì mọi người thường nghĩ đó là thuốc bổ thì ai cũng có thể dùng được. Đây là thói quen không có lợi cho sức khỏe. Hơn nữa, một số vitamin không phải lúc nào cũng tốt mà thậm chí còn gây hại cho sức khỏe nếu dùng không đúng. Vì vậy, khi cần dùng vitamin, mọi người nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc. Cách tốt nhất để bổ sung vitamin cho cơ thể là thông qua thực phẩm ăn uống hàng ngày.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top