Một số lưu ý về Vaccin MMR - Sởi, Quai bị, Rubella

Trong những năm gần đây, thế giới đang dành sự quan tâm đặc biệt hơn đối với loại vaccin MMR phòng 3 bệnh sởi - quai bị - rubella. Gần đây hơn, dịch sởi bùng phát ở Canada và Mỹ và ngay tại Việt Nam đã châm ngòi cho một loạt các cuộc thảo luận. Trong bài này, chúng tôi sẽ cung cấp cho người đọc một số thông tin cơ bản về loại vaccin này.

Mọi người dân trước đây thường không được tiêm phòng sởi

Trước khi vaccin MMR ra đời, hầu như mỗi người đều đã mắc phải bệnh sởi tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời mình. Trong khi một số trẻ em đã khỏi bệnh và tiếp tục quay trở lại với cuộc sống bình thường thì một số khác đã phải chịu những hậu quả hết sức nghiêm trọng sau khi mắc bệnh sởi.

Theo Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), từ 6 đến 20% người mắc bệnh bị những biến chứng như nhiễm trùng tai, tiêu chảy hay thậm chí viêm phổi. 1 trên 1.000 người mắc sởi bị viêm não và tỷ lệ 1/1.000 người bệnh viêm não do sởi sẽ tử vong.

Mặc dù tỷ lệ trên không phải là quá cao nhưng điều quan trọng mà chúng ta cần lưu ý ở đây là: virus gây bệnh sởi có khả năng lây nhiễm cực kỳ cao. Thực tế, khoảng 90% những người không có miễn dịch trước đó khi tiếp xúc với virus sởi đều sẽ bị mắc bệnh. Có nghĩa là trước khi vaccin sởi nói chung và vaccin MMR trở nên phổ biến, trên thế giới có hàng ngàn trẻ em đã tử vong mỗi năm vì bị nhiễm virus sởi.

 

Vaccin MMR có khả năng gây bệnh tự kỷ hay không?

Câu trả lời là KHÔNG.

Vào năm 1998, bác sỹ Andrew Wakefield đã công bố một nghiên cứu trên tạp chí Lancet - một tạp chí y khoa rất uy tín, cho rằng một vài trẻ sau khi tiêm vaccin MMR sẽ bị mắc hội chứng tự kỷ và các bệnh viêm nhiễm trên tiêu hóa. Trong những năm sau đó, người ta phát hiện ra rằng bác sỹ Wakefield đã gian lận trong kết quả nghiên cứu. Sau một buổi điều trần, Hiệp hội Y khoa Anh Quốc đã ra lệnh cấm vị bác sỹ này hành nghề tại Anh và bài báo của ông trên tạp chí Lancet đã bị gỡ xuống.

Ủy ban tư vấn toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới về sử dụng vaccin an toàn cũng kết luận rằng, không có mối liên quan nào giữa vaccin MMR và bệnh tự kỷ.

 

Con tôi rất khỏe mạnh. Liệu cháu có cần phải tiêm vaccin này không?

Con bạn có thể có một hệ miễn dịch khỏe mạnh, tuy nhiên rất nhiều trẻ em khác thì không – ví dụ như trẻ sơ sinh hay trẻ nhỏ đã bị tổn thương nào đó trên miễn dịch (ung thư). Những trẻ em này không những không thể tiêm vaccine MMR mà bản thân chúng cũng ít có khả năng chống lại virus gây bệnh khi bị nhiễm.

Vì những lý do này, những trẻ em có hệ miễn dịch suy yếu phải dựa vào “miễn dịch cộng đồng” (herd immunity) để bảo vệ bản thân. Các bà mẹ thường nghĩ rằng tiêm vaccine sởi chỉ để bảo vệ cho con cháu mình nhưng thực tế là sẽ có ích cho cả cộng đồng. Ý nghĩa của miễn dịch cộng đồng là khi một tỷ lệ lớn người dân được miễn dịch với bệnh tật thì những đối tượng dễ cảm nhiễm với những bệnh này sẽ ít có khả năng mắc bệnh hơn.

Như đã đề cập ở trên, bệnh sởi có tính lây lan rất cao. Nếu không có miễn dịch cộng đồng, những cá nhân có hệ miễn dịch suy yếu sẽ có nguy cơ cao không chỉ mắc phải virus sởi mà còn có thể tử vong rất nhanh.

 

Hiệu quả của vaccin MMR

Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, vaccin MMR có khả năng ngăn ngừa bệnh sởi - quai bị - rubella tới 85%-90% sau khi tiêm mũi đầu tiên và hiệu quả là gần 100% sau mũi thứ hai. 

Hãy cho con bạn đến các Trung tâm tiêm phòng để khám, tư vấn và tiêm các mũi tiêm phòng sởi, qua bị, rubella vì đây là cách tốt nhất để bảo vệ trẻ khỏi 3 căn bệnh nguy hiểm này.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top