✴️ Khắc phục tình trạng đau lưng sau khi sinh

Nội dung

8 nguyên nhân gây đau lưng sau khi sinh

Tăng cân

Khi mang thai khỏe mạnh, phụ nữ Việt Nam thường tăng tối thiểu 10kg, có những người tăng tới 20 kg. Chính vì vậy cột sống của người mẹ, ngoài việc chịu áp lực trọng tải của chính mình còn phải hỗ trợ trọng lượng khối tử cung – em bé khi mang thai. 

Vùng thắt lưng là nơi tải trọng trọng lực chính, khi đó khối cơ thành bụng bị giãn nên cột sống bị mất sự hỗ trợ từ khối cơ bụng dẫn đến căng cơ nhiều hơn ở phía lưng phần thấp. Khối lượng công việc của người mẹ bị tăng dần lên khi nâng em bé lặp đi lặp lại ở tư thế uốn cong và xoắn nghiêng trong lúc di chuyển. 

Ngoài ra, trọng lượng của em bé và tử cung đang phát triển cũng gây áp lực lên các mạch máu và dây thần kinh ở khung xương chậu, lưng và vùng xương cùng cụt. Điều này làm tiền đề cho hiện tượng đau lưng về sau.

Tư thế thay đổi

Mang thai làm thay đổi trọng tâm cơ thể. Do đó, có thể dần dần – ngay cả khi không nhận thấy – cơ thể bắt đầu điều chỉnh tư thế và cách di chuyển. Điều này có thể dẫn đến đau vùng cột sống thắt lưng hoặc căng khối cơ lưng gây đau.

Thay đổi hormone

Trong quá trình mang thai, cơ thể phụ nữ tạo ra một loại hormone được gọi là relaxin. Relaxin cho phép dây chằng ở vùng xương chậu được thư giãn và các khớp trở nên lỏng lẻo hơn để chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Hormone này có thể giúp các dây chằng hỗ trợ cột sống nới lỏng, dẫn đến mất ổn định trục cột sống. Hiện tượng này gây tăng nguy cơ viêm khớp và dây chằng. Tuy nhiên, loại hormon này vẫn ở mức cao sau khi sinh em bé khoảng 3 – 4 tháng, sau khi về mức bình thường thì hiện tượng đau lưng của bà mẹ mới giảm đi.

Căng thẳng

Cảm xúc tiêu cực khi chăm con, hay suy nghĩ, lo âu có thể gây căng cơ, đặc biệt cơ ở lưng. Việc gắng sức của cột sống được tăng dần lên theo thời gian đối với hầu hết phụ nữ, những tác động này lên cột sống hiếm khi gây nên một cơn đau cấp tính, có chăng chỉ là cảm giác mỏi, nặng, dãn vùng lưng tăng dần theo thời gian.

đau lưng sau khi sinh

Trạng thái căng thẳng trong quá trình chăm con cũng là nguyên nhân của cơn đau mỏi lưng

Loãng xương

Hiện tượng loãng xương vi thể, tức là sự mất canxi trong các bè xương, không thể nhìn thấy trên phim X-quang thông thường gây xẹp vi thể các đốt sống trong quá trình mang thai và cho con bú gây nên đau.

Đặc biệt, một số thai phụ lớn tuổi thì quá trình thoái hoá đĩa đệm cột sống đã bắt đầu xuất hiện cùng với các biến đổi hệ dây chằng giúp vững cột sống bị ảnh hưởng nên mang thai làm nguy cơ đau lưng xuất hiện sớm hơn, đặc biệt giai đoạn cuối thai kỳ, ngay sau sinh và trong thời kỳ chăm sóc bé.

Các động tác làm tăng gánh nặng một cách đột ngột lên cột sống như mang vật nặng, thay đổi tư thế đột ngột có thể gây tổn thương các khớp xung quanh cột sống, các dây chằng gây nên cơn đau cấp tính, đôi khi cần nhập viện cấp cứu.

Quá trình viêm

Viêm có thể xảy ra do hiện tượng lỏng lẻo các khớp, các dây chằng liên quan đến cột sống thắt lưng và vùng khung chậu. Viêm là một phản ứng bảo vệ của cơ thể, đồng thời tín hiệu đau do viêm gây nên là một hình thức báo hiệu rằng vấn đề đau cần được quan tâm.

Cơ thể phản ứng lại bằng cách hạn chế thêm những tác động lên vùng đau bằng sự thay đổi tư thế, co cứng khối cơ, dây chằng. Phản ứng bảo vệ này có thể tạo nên vòng luẩn quẩn gây đau đớn nhiều hơn ở thai phụ, đặc biệt giai đoạn cuối thai kỳ và giai đoạn hồi phục sau sinh.

Biểu hiện của đau lưng do viêm thường biểu hiện trực tiếp hay gián tiếp ở một số khớp vùng xung quanh cột sống thấp như: Khớp mặt bên, khớp cùng chậu, khớp cùng cụt… hay ở các dây chằng thắt lưng chậu, dây chằng liên gai…

Cho con bú sai cách

Ngoài ra, nhiều bà mẹ đã vô tình làm cơn đau lưng trầm trọng hơn do không ý thức về tư thế cho con bú. Ví dụ, khi người mẹ đang học cách cho con bú. Quá tập trung vào việc để bé ngậm vú đúng cách mà quên mất ngồi sao cho đúng. Thói quen ngồi gập người khiến cho cổ và cơ bắp bị căng mỏi khi nhìn xuống dẫn tới đau lưng cho người mẹ.

Nhiễm lạnh

Phụ nữ sau sinh thường bị tổn thương khí huyết, nếu không chú ý để giữ ấm cơ thể, dễ bị gió lạnh tấn công, xâm lấn sức khỏe, gây ra hiện tượng cơ thể thừa độ ẩm, đau đớn vùng lưng, xương khớp trên toàn cơ thể. Ngoài ra, một số sản phụ nằm đệm quá cứng, hay thường xuyên đi giày cao gót, stress… cũng dễ bị đau lưng sau sinh.

Ngoài những nguyên nhân nêu trên, đối với trường hợp sản phụ sinh mổ cũng có thể đối diện với cơn đau lưng sau sinh vì nguyên nhân sau:

Giãn dây chằng

Những thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ làm nới lỏng các khớp và dây chằng nối xương chậu và cột sống khiến cấu trúc kém ổn định, gây đau khi đi, đứng, ngồi trong thời gian dài, cúi ngửa hoặc nâng đồ. Những thay đổi này không biến mất qua một đêm.

Sau khi sinh, các dây chằng xương chậu còn lỏng lẻo, do đó, đau lưng là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, lưng tiếp tục đau đến khi cơ bắp khôi phục sức mạnh, khớp và dây chằng thêm dẻo dai hơn.

Quá trình sinh con vất vả, căng thẳng trong thời gian dài đòi hỏi các cơ bắp hoạt động hết công suất, một số cơ bắp thì không được sử dụng dẫn tới đau lưng trong một thời gian.

Thiếu canxi

Trong thời kỳ mang thai, người mẹ cần bổ sung đầy đủ canxi, phốt pho và các chất dinh dưỡng khác như: axit folic, vitamin A, D, B1…. Nếu chế độ ăn uống của sản phụ lúc này không thể đáp ứng nhu cầu canxi, cơ thể phải lấy từ mẹ để bù đắp cho thai nhi và gây ra loãng xương.

Sau khi sinh, sức khỏe của sản phụ vẫn ở trạng thái tương đối yếu, chưa kịp phục hồi. Mặt khác, mẹ phải cho con bú thường xuyên, lượng canxi bị thất thoát một lần nữa, tạo cơ hội những cơn đau lưng khởi phát.

đau lưng sau khi sinh

Việc mẹ phải cho con bú thường xuyên khiến lượng canxi bị thất thoát một lần nữa, tạo cơ hội những cơn đau lưng khởi phát

Do gây tê tủy sống

Sau khi sinh mổ, nhiều phụ nữ bị đau lưng, thậm chí đau hơn so với sinh thường. Nguyên nhân là do gây tê tủy sống, một thao tác giúp thai phụ sinh mổ không bị đau đớn. 

Với sinh mổ, việc gây tê ngoài màng cứng, chỗ tiêm có thể đau nhức vài ngày sau sinh nhưng việc này không gây đau lưng. Ban đầu, triệu chứng đau lưng không rõ nhưng sau đó sẽ xuất hiện dữ dội kèm tác dụng phụ của thuốc. 

Có những sản phụ sau sinh 2-3 tháng sẽ cảm thấy đau lưng vô cùng từ việc thay đổi trạng thái nằm ngồi, hay chỉ là đau lưng bởi những cơn ho hay tiếng hắt hơi. Có đến hơn 90% phụ nữ sinh có áp dụng gây tê tủy sống bị đau lưng.

Tình trạng đau lưng sau khi sinh kéo dài trong bao lâu?

Khoảng 50% phụ nữ bị đau lưng trong tháng đầu sau sinh, trong đó 20% các bà mẹ sau sinh có tình trạng đau lưng dai dẳng sau 1 năm, thậm chí là 3 năm.

Cách khắc phục tình trạng đau lưng sau sinh

Sau khi sinh, sản phụ rất mẫn cảm với những thành phần của thuốc, và cũng được bác sĩ yêu cầu không dùng thuốc tự ý mà không theo chỉ định bác sĩ. Chính vì thế mà việc dùng thuốc lúc này là không nên và cần hạn chế tối đa.

Có rất nhiều biện pháp được áp dụng nhằm giảm đau lưng sau sinh mổ. Các mẹ nên cân nhắc tuỳ thuộc vào tình trạng thể lực sức khoẻ của bản thân mới nên áp dụng. Nếu có thắc mắc hay bất thường gì xảy ra nên tham khảo tư vấn bác sĩ để có đảm bảo an toàn sức khỏe bản thân cũng như việc chăm trẻ sơ sinh

Nghỉ ngơi đầy đủ

Trước tiên, các mẹ nên đảm bảo đầy đủ thời gian ngủ nghỉ cho bản thân để không gây ảnh hưởng đến vết mổ sau sinh. Tuy nhiên, nếu bạn nghỉ ngơi sai tư thế thì tình trạng đau lưng vẫn sẽ diễn ra, thậm chí kéo dài và có diễn biến nặng hơn nữa.

Tốt nhất, bạn nên lựa chọn cho mình tư thế nghỉ ngơi thoải mái nhất và tránh làm những công việc nặng.

Cho con bú đúng tư thế

Tư thế cho con bú sai sẽ gây ảnh hưởng đến phần xương sống vùng cổ và lưng gây nhức mỏi vai gáy, đau lưng. Nhiều mẹ thường có tâm lý để con bú thoải mái, vô tình các tư thế khi cho con bú sai khiến bạn bị đau nhức vùng lưng. Chú ý khi cho con bú, bạn nên chọn một tư thế thoải mái, tránh gập người, cúi người quá lâu. Thường xuyên thay đổi tư thế cho con bú, kết hợp vận động cơ thể như: xoay, lắc cổ, vặn nhẹ phần thắt lưng… giúp bạn giảm đau nhức, mệt mỏi.

Những tư thế cho con bú thoải mái, mẹ nên áp dụng:

  • Tư thế ngồi ngả lưng về phía sau nghiêng góc 45 độ, có thể dựa lên gối. Lúc này, bé nằm trên bụng và tì vào ngực mẹ để ti.

  • Tư thế nằm nghiêng và đặt bé song song với mình, tay mẹ đỡ đầu, hướng dẫn bé quay mặt vào bầu vú.

  • Tư thế ngồi tựa vào ghế, lưng thẳng, một chân để gác lên một chiếc ghế khác với chiều cao vừa đủ, để một chiếc gối mỏng phía sau lưng. Bé sẽ bú thoải mái mà mẹ sẽ không bị quá nhiều áp lực lên lưng cột sống.

Giữ tâm lý thoải mái

Tâm lý căng thẳng, mệt mỏi sau khi sinh là chuyện bình thường mà rất nhiều chị em mắc phải. Tuy nhiên, điều này không hề tốt cho sức khỏe cũng như tinh thần của bạn. Các mẹ nên giữ tâm lý ổn định, thoải mái để chăm sóc sức khỏe cho con và bản thân một cách tốt nhất.

Cải thiện chế độ ăn uống hàng ngày

Phụ nữ sau sinh nên có một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để kịp thời bù đắp lại các khoáng chất mất đi trong quá trình sinh, đặc biệt là canxi.

Bổ sung thực phẩm giàu kẽm như: nấm, thịt bò, ngũ cốc dinh dưỡng… giúp quá trình hấp thụ canxi diễn ra tốt hơn.Tăng cường ăn những thực phẩm giàu chất sắt như: lòng đỏ trứng gà, tim cật heo, thịt bồ câu, các loại đậu…Ăn nhiều loại trái cây để bổ sung vitamin C, khoáng chất như: nho, cam, táo, chuối, lê, bơ…Nên ăn thịt nạc (lợn, gà, bò), tránh ăn thịt mỡ.

Nên uống 2 đến 2,5 lít nước mỗi ngày, bao gồm sữa, nước trái cây, nước đun sôi để nguội.

Massage, bấm huyệt

Sau khi sinh, mẹ nên nhờ tới sự hỗ trợ của phương pháp massage, bấm huyệt  để kích thích tuần hoàn máu, đánh tan các cơn đau nhức hiệu quả. Không những thế, liệu pháp này còn có tác dụng đẩy lùi stress, giúp tinh thần thoải mái hơn. 

Mẹ có thể nhờ người thân hỗ trợ thêm hoặc tìm đến những trung tâm chăm sóc mẹ sau sinh tại nhà để thực hiện vật lý trị liệu đối với những trường hợp đau hơn bình thường. Xét trên phương diện cơ học, phương pháp massage, bấm huyệt giúp các cấu trúc cơ, xương, khớp vùng lưng, hông và các vùng khác được thư giãn, thoải mái là một cách điều trị đau lưng ở bà bầu rất tuyệt vời.

Một vài động tác vật lý trị liệu massage vùng thắt lưng, đấm bóp vùng vai gáy là cách đơn giản mà hiệu quả giúp bạn thư giãn tinh thần, đánh tan các cơn đau nhức mỏi, giúp cơ thể khỏe và thoải mái hơn. 

Với việc áp dụng điều trị bằng vật lý trị liệu như sử dụng châm cứu, xoa bóp hay bấm huyệt thì cần được áp dụng đều đặn và tác động một cách hợp lý. Bên cạnh đó cần kết hợp với những bài tập hỗ trợ điều trị như tập thể dục hay yoga để thúc đẩy hiệu quả và hạn chế tái phát những biểu hiện đau sau khi điều trị.

đau lưng sau khi sinh

Phương pháp massage, bấm huyệt kích thích tuần hoàn máu, đánh tan các cơn đau nhức hiệu quả

Sử dụng phương thuốc nam

  • Lá ngải cứu chứa nhiều chất kháng khuẩn và tinh dầu giúp giảm đau hiệu quả. Cách làm: Lá ngải cứu rửa sạch, để ráo nước, trộn cùng với muối rồi rang nóng. Cho hỗn hợp này vào chiếc khăn mỏng và chườm lên vùng lưng bị đau, đến khi nguội cho rang lại và làm tương tự.

  • Lá lốt: Lấy rễ cây lá lốt, rửa sạch, ngâm với rượu trắng trong 1 tháng. Sau đó, dùng khăn dung dịch rượu xoa lên vùng lưng bị đau, đồng thời, thực hiện các động tác mát xa nhẹ nhàng làm giảm cơn đau nhanh chóng.

  • Lá ớt cay và rượu trắng: Lá ớt cay rửa sạch, giã nát sau đó cho vào chảo sao nóng. Thêm rượu trắng rồi đảo cho đến khi mùi rượu bốc lên. Lấy hỗn hợp lá ớt và rượu đã sao bọc vào túi vải. Đặt túi vải lên vùng lưng bị đau, di chuyển nhẹ nhàng và cảm nhận cơn đau dần được kiểm soát. Mẹ bầu nên đắp mỗi ngày một lần và thực hiện liên tục trong 2 tuần để không còn bị cơn đau lưng làm phiền.

Sử dụng phương pháp Tây y

Y học tiên tiến có những điều trị chứng đau lưng sau sinh bằng sóng cao tần, sóng laser hay phẫu thuật. Nhưng những biện pháp nêu trên chỉ nên nghĩ tới khi những triệu chứng cũng như hậu quả đã quá nghiêm trọng.

Sau khi sinh, các mẹ nên hạn chế việc sử dụng các loại thuốc, đặc biệt là thuốc tây để tránh gây ảnh hưởng với bé cũng như nguồn sữa dinh dưỡng cho bé, cách tốt nhất để điều trị đau lưng kéo dài chính là sự thay đổi từ những thói quen của mình.

Với những phân tích ở trên, chúng ta nhận thấy rằng ở một phụ nữ mang thai và sau sinh luôn mang sẵn cho mình đầy đủ các yếu tố nguy cơ gây đau lưng. Hiểu được những điều trên sẽ giúp cho các bà mẹ có kiến thức để chuẩn bị tốt và phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ đau lưng trước – sau sinh.

Tập thể dục, vận động cơ thể nhẹ nhàng

Sau khi sinh em bé, các mẹ thường bận rộn với việc chăm sóc con mà quên đi bản thân mình. Tuy nhiên, mỗi ngày các mẹ nên tranh thủ khoảng 20 – 30 phút để tập các bài tập thể dục, các động tác yoga đơn giản tại nhà không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn giúp giảm các cơn đau lưng một cách hiệu quả. Hơn nữa tập thể dục còn là cách đơn giản để lấy lại vóc dáng sau sinh giúp mẹ tự tin hơn.

Mẹ có thể tham khảo bài tập thể dục nghiêng hông: Đứng thẳng lưng, bước chân trái sang ngang, tay trái chống vào hông, tay phải dơ cao cùng với phần thân trên nghiêng về phía bên trái nhằm kéo giãn các cơ và cột sống nhằm giúp cơ thể được thư giãn. Sau đó bạn có thể chuyển sang bên phải và làm tương tự.

Chỉ một vài nhịp mỗi lần, bạn đã cảm thấy cơ thể trở nên thoải mái hơn rồi. Ngoài ra, nếu tập luyện các bài yoga cho mẹ sau sinh, các chị em nên hạn chế những động tác kéo dãn quá mức như duỗi chân.

Đừng gượng ép bản thân quá sức để thực hiện các động tác khó, đặc biệt trong 2 tháng đầu, sẽ càng khiến tình trạng đau lưng sau sinh mổ thêm nghiêm trọng hơn. Việc tập luyện tốt nhất không nên quá 30 phút/ngày.

Giảm cân

Trong thời kỳ mang thai, các bà bầu thường phải ăn nhiều, ăn đủ loại đồ ăn bổ dưỡng để chăm sóc sức khỏe cho cả mẹ và con. Do vậy mà nhiều người khi mang bầu tăng cân rất nhanh chóng và không kiểm soát được. Sau khi sinh, việc kiểm soát cân nặng và lấy lại vóc dáng được cho là vấn đề nhức nhối của khá nhiều sản phụ.

Trọng lượng cơ thể quá nặng cũng là nguyên nhân gây ra bệnh đau lưng, đau cột sống mà nhiều người không để ý. Do đó, sau khi sinh em bé, mẹ nên áp dụng chế độ ăn uống phù hợp, tập thể dục mỗi ngày để nhanh chóng lấy lại vóc dáng không chỉ giúp bạn tự tin hơn mà còn giúp giảm cơn đau lưng.

Tuy nhiên mẹ không nên quá nôn nóng về việc giảm cân mà gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và bé. Tham khảo các bác sĩ về chế độ dinh dưỡng sao cho hợp lý, tăng cường vận động, tập thể dục nhẹ nhàng để đạt được kết quả tốt là điều nên làm.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top