✴️ Nghiên cứu mới cho thấy các vùng não nơi xuất hiện của Serotonin giúp tăng cường sự kiên nhẫn, kiểm soát xung động

Nội dung

Người ta thường hay nói "Kiên nhẫn là một đức tính tốt." Tuy nhiên, đối với một số người, tính cách này vô cùng khó thực hiện dẫn đến các vấn đề xảy ra với các mối quan hệ, công việc, tài chính và cả giáo dục.

Nghiên cứu được ghi chép đầy đủ cho thấy có sự tồn tại về mối quan hệ giữa serotonin - một chất hóa học thần kinh chịu trách nhiệm cho cảm giác hạnh phúc - và các hành vi xã hội và cảm xúc, bao gồm cả sự nóng giận.

Ví dụ, một nghiên cứu trên chuột do Trung tâm Y tế Đại học Irving và Viện Tâm thần bang New York Hoa Kỳ thực hiện đã cho thấy mối liên hệ có thể xảy ra giữa việc thiếu thụ thể serotonin trong não và hành vi nóng giận.

Hiện tại vẫn chưa hiểu một cách đầy đủ về quá trình hoạt động thần kinh để điều chỉnh sự kiên nhẫn và kiểm soát xung động, các nhà khoa học vẫn cần thực hiện các nghiên cứu mới nhằm tìm hiểu cách serotonin hoạt động trên các vùng cụ thể của não để điều chỉnh khả năng kiên nhẫn cần thiết.

Trọng tâm nghiên cứu khu trú đến ba vùng não

Đơn vị tính toán thần kinh tại Đại học - Viện Khoa học và Công nghệ Okinawa (OIST) đã điều hành nghiên cứu, xuất hiện trên tạp chí Science Advances.

Trong nghiên cứu, các nhà nghiên cứu tập trung vào ba vùng của não: cấu trúc não được gọi là nhân cạp (NAc), vùng của thùy trán được gọi là vỏ não trán ổ mắt (OFC) và vỏ não giữa trước trán (mPFC).

Nhóm nghiên cứu đã chọn những vùng não này vì nghiên cứu cho thấy rằng tổn thương đối ở đây sẽ dẫn đến sự gia tăng các hành vi bốc đồng.

Đồng tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Katsuhiko Miyazaki cho biết:  “Các hành vi bốc đồng về bản chất có liên quan đến sự kiên nhẫn - một người càng bốc đồng thì càng ít kiên nhẫn hơn - vì vậy những vùng não này là những khu vực được tập trung nghiên cứu chính”.

Tiền đề của các nghiên cứu trước đây

Trong một nghiên cứu năm 2018 xuất hiện trên tạp chí Nature Communications, cùng một nhóm các nhà khoa học này đã điều tra vai trò của hạt nhân raphe ở não giữa (DRN), một phần của não chứa các tế bào thần kinh giải phóng serotonin, có vai trò gì trong việc thúc đẩy khả năng kiên nhẫn ở chuột.

Các nhà khoa học đã tìm thấy mối quan hệ nhân quả giữa hoạt động của serotonin trên vùng não này và sự kiên nhẫn đối với những thử thách.

Serotonin, sự kiên nhẫn và trí não

Để tiếp tục tìm hiểu dựa trên những nghiên cứu có được, nhóm các nhà khoa học đã sử dụng chuột được biến đổi gen để có các protein chuyên biệt giải phóng serotonin khi tiếp xúc với kích thích quang học.

Sau khi huấn luyện những con chuột thò mũi vào bên trong lỗ và chờ lấy thức ăn, những con chuột này được tiến hành một cuộc phẫu thuật, trong đó các nhà nghiên cứu cấy một sợi quang vào phần DRN của não. Sau khi chia thành các nhóm, các nhà nghiên cứu tiếp tục chèn các sợi quang học vào các phần NAc, OFC hoặc mPFC của não. Điều này cho phép quan sát cách từng khu vực phản ứng với kích thích serotonin.

Sau khi các con chuột hồi phục sau phẫu thuật cấy ghép, các nhà nghiên cứu đưa 75% số chuột vượt qua thử thách chờ nhận thức ăn trong khi kích hoạt giải phóng serotonin thông qua quy trình kích thích ánh sáng. Các nhà nghiên cứu bày thức ăn cho chuột trong cả khung thời gian cố định và dao động.

25% số chuột còn lại được đưa vào nhóm đối chứng không được nhận thức ăn  hoặc kích thích serotonin.

Khi nhóm nghiên cứu kích hoạt tế bào thần kinh serotonergic trong DRN, những con chuột đã thể hiện sự kiên nhẫn được cải thiện khi chờ đợi thức ăn. Kích thích OFC gần như có hiệu quả như kích thích DRN trong việc thúc đẩy thời gian chờ đợi kéo dài hơn. Tuy nhiên, việc kích hoạt NAc không ảnh hưởng đến thời gian kiên nhẫn của chuột.

Điều thú vị là, việc kích thích mPFC đã tăng cường khả năng chờ đợi của chuột nhưng chỉ khi chúng không biết thời gian được cho thức ăn. Những kết quả này cho thấy rằng serotonin trong mPFC ảnh hưởng đến khả năng đánh giá thời gian cần thiết để đợi thức ăn của chúng, trong khi sự hiện diện của chất thần kinh trong OFC hỗ trợ chúng trong việc đánh giá tổng thể về tình huống thời gian được cho thức ăn bị trì hoãn.

Các tác giả nghiên cứu cho biết rằng serotonin chủ yếu giúp kéo dài thời gian chờ đợi của chuột nếu chúng tin rằng thức ăn cuối cùng sẽ xuất hiện nhưng không chắc chắn chính xác khi nào nó sẽ đến. Tiến sĩ Miyazaki giải thích: “Điều này khẳng định luận điểm rằng hai vùng não này đang tính toán xác suất của việc chờ đợi thức ăn một cách độc lập với nhau và các phép tính độc lập này sau đó được kết hợp để cuối cùng xác định xem chuột sẽ đợi bao lâu.”

Gợi ý cho các phương pháp điều trị trong tương lai

Theo các tác giả, các nghiên cứu sâu hơn có thể “làm rõ cách phản ứng thần kinh trong kiểm soát sự kiên nhẫn trong OFC và mPFC được điều chỉnh bằng cách giải phóng serotonin.”

Nghiên cứu này có thể tiết lộ thêm dữ liệu về cách serotonin ảnh hưởng đến các vùng của não dẫn đến sự phát triển của các phương pháp điều trị bằng những loại thuốc mới.

Nhóm nghiên cứu có dự tính sử dụng những con chuột được mô phỏng chứng trầm cảm để nghiên cứu thêm và hy vọng xác định các khu vực khác của não mà chất thần kinh ổn định tâm trạng này ảnh hưởng đến.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top