✴️ Tác động của giấc ngủ đến béo phì và chuyển hóa năng lượng ra sao?

Mở đầu

Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để tìm hiểu về mối liên hệ giữa thiếu ngủ và béo phì. Thiếu ngủ được xem là giấc ngủ kéo dài trong ít hơn 7 giờ. Đa số các nghiên cứu đều cho thấy thiếu ngủ có thể gây ra một số tác động trên chuyển hóa và dẫn đến béo phì. Ngày nay chúng ta đều có thể nhận thấy xu hướng gia tăng tỷ lệ béo phì và cắt giảm thời gian ngủ ở trẻ em và cả ở người trưởng thành. Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới vào năm 2016 cho thấy có hơn 1.9 tỷ người trưởng thành bị thừa cân, trong số đó có hơn 650 triệu người bị béo phì.

 

Cơ chế hiện đang được cho là gây béo phì của thiếu ngủ

Béo phì là bệnh lý bị ảnh hưởng bởi các yếu tố xã hội, hành vi, môi trường, văn hóa, tâm lý, chuyển hóa và di truyền. Giấc ngủ thay đổi có thể dẫn đến thay đổi nhịp tỉnh-thức, thay đổi cảm giác ngon miệng, thu nạp thức ăn và cân bằng năng lượng. Tất cả những hiện tượng này đều góp phần gia tăng nguy cơ béo phì. Cơ chế đề nghị tổng quát được tóm tắt trong hình sau.

Giảm thời gian ngủ làm thay đổi thần kinh nội tiết

Rút ngắn giấc ngủ liên quan đến việc điều chỉnh song song 2 tuyến nội tiết có thể thay đổi việc thu nạp thức năng, giảm tiết anorexigenic hormone leptin và tăng tiết orexigenic hormone ghrelin, từ đó tăng cảm giác đói và tăng thu nạp thức ăn. Nghiên cứu của Spiegel và cộng sự cũng cho thấy rút ngắn giấc ngủ 6 đêm liên tiếp (4 giờ ngủ mỗi đêm) có liên quan đến việc gia tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, tăng nồng độ cortisol ban đêm, tăng nồng độ hormone tăng trưởng và giảm thyroid-stimulating hormone. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy những người có thời gian giấc ngủ giảm bị suy giảm khả năng kiểm soát glucose, cụ thể chỉ ngủ 4 giờ mỗi đêm làm giảm 30% đáp ứng của insulin đối với glucose.

Giảm thời gian ngủ làm tăng thu nạp thức ăn

Rút ngắn giấc ngủ không chỉ làm tăng cảm giác thèm ăn mà còn gia tăng cảm giác muốn ăn những loại thức ăn chứa nhiều năng lượng, cụ thể cảm giác thèm ăn những loại thức ăn giàu năng lượng, giàu carbohydrate tăng từ 33-45% ở những người rút ngắn thời gian giấc ngủ. Tuy nhiên cảm giác thèm ăn rau củ và thực phẩm giàu protein lại ít bị ảnh hưởng hơn.

Giảm thời gian ngủ và tiêu hao năng lượng

Một khía cạnh khác về mối liên hệ giữa thiếu ngủ và béo phì có thể liên quan đến ảnh hưởng của thiếu ngủ và tiêu hao năng lượng. Những người thiếu ngủ thường có xu hướng mệt mỏi, buồn ngủ quá mức vào ban ngày, điều này có thể khiến những người thiếu ngủ hạn chế hoạt động thể chất và xây dựng lối sống tĩnh tại. Kết quả của các nghiên cứu cắt ngang cũng cho thấy thiếu ngủ có liên quan đến việc giảm thời gian hoạt động thể chất ban ngày và gia tăng các hoạt động liên quan đến béo phì ở cả trẻ em và người lớn. Mặt khác, nghiên cứu của Nedeltcheva và cộng sự cho thấy không có sự khác biệt về mức tiêu hao năng lượng giữa nhóm người ngủ 5.5 giờ và 8.5 giờ/đêm, tuy nhiên nhóm người ngủ 5.5 giờ/đêm có tỷ lệ chuyển hóa khi nghỉ ngơi giảm so với nhóm người ngủ 8.5 giờ/đêm.

Thiếu ngủ và béo phì nội tạng

Mối liên hệ giữa thiếu ngủ và béo phì đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu. Tuy nhiên, thiếu ngủ ảnh hưởng như thế nào đến béo phì nội tạng vẫn chưa được nghiên cứu nhiều. Vào đầu năm 2022, Naima và cộng sự đã công bố một nghiên cứu mới trên tạp chí Journal of the American College of Cardiology cho thấy mối liên hệ giữa thiếu ngủ và béo phì nội tạng.

Nghiên cứu được tiến hành trên những người khỏe mạnh không béo phì (19-39 tuổi), được chia ngẫu nhiên thành 2 nhóm: 1 nhóm bị hạn chế giấc ngủ (4 giờ/đêm) và nhóm chứng (9 giờ/đêm). Mức thu nạp năng lượng, tiêu thụ năng lượng, phân bố chất béo, căng nặng và các biomarker đều được ghi nhận. Khi so sánh giữa nhóm thiếu ngủ và nhóm chứng, nhóm thiếu ngủ thu nạp nhiều calories, tăng thu nhập oritein và chất béo hơn so với nhóm chứng. Nhóm thiếu ngủ cũng có cân nặng tăng so với nhóm chứng. Không có sự khác biệt về chất béo tổng cộng trên cơ thể ở cả 2 nhóm, tuy nhiên chất béo dưới da và chất béo nội tạng tăng có ý nghĩa ở nhóm thiếu ngủ. Như vậy, nghiên cứu này đã cho thấy thiếu ngủ làm gia tăng chất béo ở nội tạng, tăng nạp calories nhưng không làm thay đổi mức tiêu hao năng lượng.

 

Kết luận

Mặc dù có nhiều bằng chứng chứng minh mối liên hệ giữa thiếu ngủ và béo phì, tuy nhiên cơ chế vẫn chưa thực sự được hiểu rõ. Tuy nhiên với những bằng chứng hiện có thì có thể những thay đổi về mặ chuyển hóa chính là nguyên nhân chính dẫn đến béo phì ở những người thiếu ngủ. Vì vậy việc cải thiện chất lượng và thời lượng giấc ngủ có thể được xem là biện pháp điều trị và phòng ngừa cho những rối loạn chuyển hóa gây ra bởi thiếu ngủ. 


Tài liệu tham khảo

  1. Cooper CB, Neufeld EV, Dolezal BA, Martin JL. Sleep deprivation and obesity in adults: a brief narrative review. BMJ Open Sport Exerc Med. 2018;4(1):e000392. Published 2018 Oct 4. doi:10.1136/bmjsem-2018-000392
  2. Seo, S.H., Shim, Y.S. Association of Sleep Duration with Obesity and Cardiometabolic Risk Factors in Children and Adolescents: A Population-Based Study. Sci Rep 9, 9463 (2019). https://doi.org/10.1038/s41598-019-45951-0
  3. Zimberg IZ, Dâmaso A, Del Re M, Carneiro AM, de Sá Souza H, de Lira FS, Tufik S, de Mello MT. Short sleep duration and obesity: mechanisms and future perspectives. Cell Biochem Funct. 2012 Aug;30(6):524-9. doi: 10.1002/cbf.2832. 
  4. Spiegel K, Leproult R, L’hermite-Baleriaux M, Copinschi G, Penev PD, Van Cauter E. Leptin levels are dependent on sleep duration: relationships with sympathovagal balance, carbohydrate regulation, cortisol, and thyrotropin. J Clin Endocrinol Metab 2004; 89: 5762–71.
  5. Taheri S, Lin L, Austin D, Young T, Mignot E. Short sleep duration is associated with reduced leptin, elevated ghrelin and increased body mass index. PLoS Med 2004; 1: 210–7.
  6. Mullington JM, Chan JL, Van Dongen HP, et al. Sleep loss reduces diurnal rhythm amplitude of leptin in healthy men. J Neuroendocrinol 2003; 15: 851–4.
  7. Spiegel K, Tasali E, Penev P, Van Cauter E. Brief communication: Sleep curtailment in healthy young men is associated with decreased leptin levels, elevated ghrelin levels, and increased hunger and appetite. Ann Intern Med 2004; 141: 846–50.
  8. Spiegel K, Leproult R, Van Cauter E. Impact of sleep debt on metabolic and endocrine function. Lancet 1999; 354: 1435–9.
  9. Gupta NK, Mueller WH, Chan W, Meininger JC. Is obesity associated with poor sleep quality in adolescents? Am J Hum Biol 2002; 14: 762–8.
  10. Knutson KL. Sex differences in the association between sleep and body mass index in adolescents. J Pediatr 2005; 147: 830–4.
  11. Ortega FB, Chillón P, Ruiz JR, et al. Sleep patterns in Spanish adolescents: associations with TV watching and leisure-time physical activity. Eur J Appl Physiol 2010; 110: 563–73.
  12. Naima Covassin, Prachi Singh, Shelly K. McCrady-Spitzer, Erik K. St Louis, Andrew D. Calvin, James A. Levine, and Virend K. Somers J Am Coll Cardiol. 2022 Apr, 79 (13) 1254–1265. DOI: 10.1016/j.jacc.2022.01.038

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top