I. ĐẠI CƯƠNG
Tĩnh mạch rốn thường chưa đóng trong những ngày đầu sau đẻ nên khá dễ tiếp cận, đặc biệt trong trường hợp cấp cứu. Đối với trẻ dưới 1000gr thì đặt catheter tĩnh mạch rốn là cần thiết ngay trong ngày đầu sau sinh.
II. CHỈ ĐỊNH
- Khi cần lấy đường truyền tĩnh mạch cấp cứu.
- Theo dõi áp lực tĩnh mạch trung tâm.
- Thay máu toàn phần hay bán phần.
- Cần đường truyền trung tâm trong thời gian trong những ngày đầu ở trẻ thấp cân.
- Khi cần đường truyền dịch có nồng độ đường trên 5%.
- Khi trẻ cần truyền nhiều loại dịch và thuốc mà nếu lấy đường ngoại biên thì phải lấy nhiều hơn 1 đường truyền.
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
- Viêm rốn
- Thoát vị rốn omphalocele hoặc thoát vị qua khe hở thành bụng (gastroschisis).
- Viêm phúc mạc
- Viêm ruột hoại tử
- Tăng áp lực tĩnh mạch cửa
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
Bác sĩ thực hiện, điều dưỡng phụ giúp
2. Dụng cụ
2.1. Dụng cụ vô khuẩn
- Khay dụng cụ gồm: săng vô khuẩn có lỗ, kìm kẹp kim, kéo/dao cắt rốn, panh có mấu và không mấu, thông nòng đầu tù.
- Kim 22G, chỉ tơ 3-0, bông, gạc, cồn 700 hoặc hoặc betadine 10% hoặc cồn i-ốt, bát vô khuẩn đựng bông gạc.
- Catheter tĩnh mạch dùng loại 3.5F hoặc 5F
- Chạc ba, xy lanh 5ml, nước muối sinh lý pha heparin 0.5- 1UI/ml
- Áo choàng, mũ và khẩu trang y tế, găng vô khuẩn.
- Hộp thuốc chống shock
2.2 Dụng cụ sạch
- Giường sưởi hoặc lồng ấp
- Băng cuộn nếu cần , băng dính
- Dụng cụ theo dõi dấu hiệu sinh tồn (nhiệt độ, monitoring…)
- Dụng cụ cấp cứu: bóng, mask, dây O2, bộ đặt NKQ, ống NKQ các cỡ, sonde hút, máy hút
- Thước dây nếu cần
- Bàn để dụng cụ và xô đựng rác thải theo quy định
2. Bệnh nhi
- Đặt trẻ nằm ngửa trong giường sưởi hoặc lồng ấp, có thể cố định tay chân trẻ.
- Sát khuẩn rốn và vùng xung quanh bằng bông tẩm cồn i-ốt.
3. Hồ sơ bệnh án
- Ghi chép đầy đủ y lệnh
- Tính chiều dài catheter
+ Theo công thức Shukla: 1.5x Cân nặng + 5.5
+ Theo bảng đối chiếu với chiều dài đo từ mỏm vai đến rốn:
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
1. Kiểm tra hồ sơ, bệnh án
2. Kiểm tra người bệnh
3. Thực hiện kỹ thuật
- Rửa tay vô khuẩn, đội mũ, đeo khẩu trang, sau đó rửa tay vô khuẩn lại, mặc áo choàng, đi găng vô khuẩn.
- Trải săng có lỗ lên người trẻ, bộc lộ vùng có rốn đã sát khuẩn.
- Trải săng không lỗ lên bàn sẽ để dụng cụ. Lấy dụng cụ; Nối catheter với chạc ba. Lấy nước muối sinh lý pha heparin vào xi lanh và bơm đầy chạc ba và catheter.
- Buộc chân rốn và thắt nhẹ 1 nút thắt nếu rốn còn tươi để đề phòng chảy máu, dùng dao cắt rốn theo mặt phẳng ngang cách chân rốn 0.5-1cm. Nếu có chảy máu thì thắt chân rốn chặt hơn.
- Xác định tĩnh mạch rốn
- Giữ phần thạch Wharton bằng kìm cong, dùng panh cong không mấu gắp sạch máu đông ở tĩnh mạch rốn rồi dùng thông nòng nhẹ lỗ tĩnh mạch và đưa catheter vào đến chiều dài đã tính toán trước.
- Cố định như catheter động mạch rốn.
- Chụp phim Xquang để xác định vị trí đầu catheter: đầu catheter nên ở tĩnh mạch chủ dưới hoặc nhĩ phải, trên Xquang đầu catheter ngang hoặc ngay trên cơ hoành.
- Cho dịch truyền qua catheter: có pha heparin 0.5-1 UI/ml, hoặc nếu không truyền dịch thì truyền NaCl 0.9% hoặc NaCl 0.45% tốc độ 0.5 – 2ml/h để tránh huyết khối.
- Lưu catheter tĩnh mạch rốn: không nên quá 14 ngày vì tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.
VI. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
1. Nhiễm trùng chân catheter
Do không đảm bảo vô khuẩn trong quá trình đặt catheter và chăm sóc catheter. Xử trí: rút catheter ngay.
2. Viêm ruột hoại tử
Do giảm lưu lư ng máu vào gan, thư ng do đầu catheter ở tĩnh mạch cửa.
Xử trí: rút catheter ngay.
3. Tắc mạch do huyết khối hoặc bóng khí
Hội chẩn với chuyên gia tim mạch và huyết học để xử trí tùy tình huống.
4. Biến chứng tim mạch (loạn nhịp, tràn dịch màng tim, huyết khối buồng tim, thủng buồng tim, vv…) do catheter đi vào tim. Hội chẩn với chuyên gia tim mạch để xử trí tùy tình huống.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh