✴️ Phẫu thuật nối thần kinh ngoại biên và ghép thần kinh ngoại biên

Nội dung

I. ĐẠI CƯƠNG

Đây là phương pháp phẫu thuật quan trọng giúp phục hồi các dây thần kinh (TK) bị tổn thương.

 

II. CHỈ ĐỊNH

– Những dây TK chính của chi thể khi bị đứt đều cần được khâu nối lại
– Khuyết đoạn TK < 2,5cm và khi khâu nối khâu nối không có sức căng. Khi có khuyết đoạn > 2,5cm thì nên được thực hiện ghép TK.

 

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

– Toàn thân: chưa thoát sốc, có các bệnh như bệnh lao, giang mai, đái tháo đường, rối loạn tâm thần phối hợp hoặc già yếu.
– Tại chỗ:
+ Vết thương đến muộn đang nhiễm khuẩn.
+ Phần mềm tại vùng dây TK bị tổn thương dập nát nhiều, không đủ để che phủ vùng khâu nối TK. Các cơ do dây TK chi phối bị tổn thương không còn khả năng hồi phục.
– Thời gian: tổn thương đến muộn sau 6 tháng, các cơ do dây TK chi phối đã teo hoặc thoái hóa nặng.

 

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện
– Kíp mổ:
+ 3 bác sĩ: 1 phẫu thuật viên chính + 2 bác sĩ phụ mổ
+ Điều dưỡng: 2 điều dưỡng: 1 điều dưỡng dụng cụ (chuẩn bị và trợ giúp dụng cụ trong phẫu thuật) + 1 diều dưỡng chạy ngoài phục vụ cho ca mổ.
– Kíp gây mê: 1 bác sĩ gây mê + 1 điều dưỡng phụ mê

2. Phương tiện
– Kính vi phẫu
– Vật tư tiêu hao:100 gạc con, chỉ prolen từ 5.0 đến 9.0 mỗi loại 2 sợi, 5 sợi chỉ vicryl 2.0 (3.0 đối với trẻ em), 2 sợi dafilon 3.0 (4.0 đối với trẻ em).
– Bộ dẫn lưu kín đặt dưới da.

3. Người bệnh
– Vệ sinh toàn thân.
– Được khám lâm sàng cẩn thận (khám tại chỗ, khám vận động, cảm giác) để đánh giá vị trí, mức độ thương tổn. Xét nghiệm thường quy cần làm trước mổ như: Xquang tim phổi, Xquang bàn tay, công thức máu, máu chảy máu đông, sinh hóa, miễn dịch, nước tiểu…

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH 

1. Tư thế: Bộc lộ phần chi thể có thần kinh tổn thương, sát khuẩn vùng mổ bằng dung dịch Bétadine, garo hơi hoặc garo bằng băng chun.
2. Vô cảm: Gây tê vùng hoặc gây tê đám rối cánh tay hoặc gây mê nội khí quản tùy theo tình trạng người bệnh và các tổn thương phối hợp.
3. Kỹ thuật:
– Mở đường vào theo đường vết thương hoặc theo đường cắt sẹo, mở rộng vết mổ theo đường zích zắc nếu cần thiết.
– Bộc lộ và bóc tách rõ hai đầu cụt của dây TK bị tổn thương ra khỏi tổ chức xung quanh.
– Xử trí các tổn thương phối hợp: gãy xương, đứt gân, tổn thương cơ, mạch máu.
– Khâu nối TK dưới kính vi phẫu bằng kĩ thuật khâu bao ngoài, bao bó sợi.
– Trong trường hợp ghép thần kinh, cần chuẩn bị sẵn thần kinh hiển để ghép.
– Đóng vết mổ, đặt 1 dẫn lưu kín ổ mổ.
– Bột bất động chi thể được ghép nối thần kinh.

 

VI. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN, BIẾN CHỨNG

1. Theo dõi:
– Chăm sóc vết mổ: thay băng, kiểm tra vết mổ hàng ngày
– Thuốc kháng sinh 5-7 ngày, giảm đau, chống phù nề
– Tập vận động, phục hồi chức năng sau mổ

2. Biến chứng và xử trí:
– Chảy máu sau mổ: Xử trí theo tổn thương chảy máu
– Nhiễm trùng:
+ Sử dụng kháng sinh theo kháng sinh đồ nếu cấy máu, dịch có vi khuẩn.
+ Trong trường hợp không thấy vi khuẩn nhưng có bằng chứng vi khuẩn, dùng Cephalosporin thế hệ 3, 4 kết hợp với nhóm glycosid hoặc glycopeptid.
– Dính gân: phẫu thuật gỡ dính.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top