✴️ Cần chú ý gì khi là người chăm sóc F0?

Giúp F0 làm theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ

Nếu bạn đang chăm sóc ai đó bị Covid-19, có triệu chứng của Covid-19 hoặc đã được chẩn đoán nhiễm virus SARS-CoV-2, việc đầu tiên bạn cần làm đó là chăm sóc người bệnh và giúp họ dùng thuốc theo đơn của bác sĩ. Nếu bệnh nhân bị sốt cao, kèm theo các triệu chứng như đau người, khó chịu..., hãy làm mọi cách để họ cảm thấy dễ chịu hơn. Hãy đảm bảo người bệnh được ăn, uống đủ chất và nghỉ ngơi hợp lý. 

Cố gắng không để người bệnh tiếp xúc với người khác hoặc vật nuôi trong nhà để tránh nguy cơ lây lan Covid-19 cho người khác. 

Thực hiện cách ly tại nhà

Covid-19 lây lan giữa những người tiếp xúc gần thông qua các giọt bắn đường hô hấp được tạo ra khi ai đó nói chuyện, ho hoặc hắt hơi. Do đó, người mắc Covid-19 nên cách ly mình ra khỏi những người khác trong nhà bằng cách sử dụng phòng riêng, phòng tắm riêng, thùng đựng rác riêng có lót, nắp đậy kín. Đảm bảo phòng ở của người bệnh sạch sẽ, thông gió, thoáng mát, 

Không chỉ người mắc Covid-19 thực hiện cách ly mà người chăm sóc người bệnh cũng cần được cách ly. Bởi bất kỳ ai có tiếp xúc gần với người bệnh đều là đối tượng có nguy cơ nhiễm Covid-19 và cần được cách ly. Không tiếp xúc với người khác chính là cách phòng tránh lây lan dịch bệnh. 

Người mắc Covid-19 nên ăn riêng trong phòng của họ. Người chăm sóc tuyệt đối không sử dụng chung bát đĩa, cốc, ly, khăn mặt, bàn chải đánh răng, đồ điện tử hay bất cứ đồ dùng cá nhân nào với người bệnh. Nên đeo găng tay khi rửa bát hoặc khi xử lý các vật dụng đã qua sử dụng.      

Đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng

Đeo khẩu trang và yêu cầu người bệnh đeo khẩu trang trước khi vào phòng. Đeo găng tay khi bạn chạm vào hoặc tiếp xúc với máu, phân hoặc chất dịch cơ thể của người bệnh, chẳng hạn như nước bọt, chất nhầy, chất nôn và nước tiểu... Sau khi đã xử lý xong, nên vứt găng tay vào thùng rác có lót và rửa tay ngay lập tức. 

Thực hành các biện pháp phòng ngừa hàng ngày để không bị bệnh như rửa tay thường xuyên; Tránh chạm tay vào mắt, mũi và miệng; Thường xuyên làm sạch và khử trùng bề mặt.

Khi rửa tay nên rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây. Hướng dẫn mọi người trong nhà làm như vậy, đặc biệt là sau khi ở gần người bệnh. Trường hợp không có sẵn xà phòng và nước, hãy sử dụng chất dung dịch sát khuẩn có chứa ít nhất 60% cồn. Che tất cả các bề mặt của bàn tay và chà xát chúng với nhau cho đến khi cảm thấy khô.

 

Phát hiện tình trạng F0 chuyển nặng

Khi đang cách ly tại nhà, chúng ta có thể áp dụng những phương pháp đơn giản để theo dõi sức khỏe sau đây:

Đếm mạch:

Vị trí đặt ba ngón tay như hình, bạn sẽ thấy mạch đập dưới tay mình.

Người lớn mạch 60 - 100 lần/phút là hoàn toàn bình thường. Trên 100 lần/phút hoặc dưới 50 lần/phút, bạn nên báo y tế.

Trẻ em: Mạch của trẻ nhỏ khó đếm hơn, anh chị có thể đặt tay vào giữa nếp bẹn hoặc bên cạnh cổ của trẻ để tìm mạch đập.

Đếm nhịp thở:

Người bệnh nằm thư thái tối thiểu 5-10 phút, sau đó người khác đếm số lần lồng ngực phồng lên xẹp xuống. Hoặc chính người bệnh có thể đặt điện thoại tự quay khung hình từ cằm xuống đến bụng, quay trong 3-5 phút, sau đó xem lại hoặc gửi cho bác sĩ.

Người lớn và trẻ lớn (> 15 tuổi) có nhịp thở bình thường 16 - 20 lần/phút. Trên 25 hoặc dưới 15 lần/phút: phải báo đơn vị y tế.

Trẻ em có nhịp thở nhanh hơn người lớn. Cụ thể:

+ Trẻ sơ sinh thở 30 - 50 lần/phút.

+ Trẻ 2 - 11 tháng thở 25 - 40 lần/phút

+ Trẻ 1 - 5 tuổi thở 20 - 30;

+ Trẻ 6 - 10 tuổi thở 15 - 30 lần/phút

Đo nhiệt độ:

Dùng nhiệt kế kẹp nách trong tối thiểu 10 phút. Có thể dùng nhiệt kế bắn tai hoặc trán, đo ở tai là chính xác nhất.

+ Từ 36,1 đến 37,2° C là bình thường.

+ Sốt từ 37,3°C đến 38,5° C, lúc này người bệnh cần được chườm, lau cơ thể bằng khăn ấm, dùng miếng dán hạ sốt (nếu có).

+ Sốt từ 38,5 độ trở lên, uống thuốc hạ sốt

Những triệu chứng khác

Quan sát: Nếu sắc mặt, màu môi, đầu các ngón tay hồng hào là bình thường.

Nếu thấy mặt tái, vã mồ hôi, môi và đầu ngón tay tím... là dấu hiệu nguy hiểm.

Nếu người bệnh có dấu hiệu: Mệt nhẹ, ho khan, đau họng, mất khứu giác, nghẹt mũi, đau đầu, đau cơ, sốt không liên tục, mạch 60 - 100, thở 15 - 20 lần/phút... là triệu chứng NHẸ. Lúc này bệnh nhân cần ăn uống đủ chất, nhiều rau quả, uống nước cam, sinh tố, vitamin C, vitamin 3B...

Nếu người bệnh mệt nhiều hơn, thở 21 - 25 lần/phút, mạch 100 đến dưới 120 lần/phút, mặt môi tái... Nếu có oxy phải cho thở oxy và báo y tế địa phương, cố gắng đưa bệnh nhân đi bệnh viện càng sớm càng tốt.

Trường hợp người bệnh mệt lả, lơ mơ li bì, tím tái, thở hổn hển co rút lồng ngực, người lớn thở trên 30 lần/phút hoặc dưới 10 lần/phút, mạch trên 120 lần/phút hoặc dưới 50 lần/phút hoặc KHÔNG SỜ THẤY MẠCH là dấu hiệu NGUY KỊCH. Người bệnh lúc này cần được can thiệp y tế khẩn cấp, nếu không sẽ đe dọa tính mạng.

 

Theo dõi sức khỏe của chính bạn

Người chăm sóc nên ở nhà và theo dõi sức khỏe của chính mình để phát hiện các triệu chứng Covid-19 trong khi chăm sóc người bệnh. Bởi trong quá trình chăm sóc người bệnh, bạn có nguy cơ cao bị lây nhiễm Covid-19. 

Các triệu chứng của bệnh bao gồm: Sốt, ho, khó thở nhưng các triệu chứng khác cũng có thể xuất hiện. Khó thở là một trong những dấu hiệu cảnh báo tình trạng nghiêm trọng hơn mà bạn cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.

Người chăm sóc nên tiếp tục ở nhà sau khi chăm sóc xong. Người chăm sóc có thể rời khỏi nhà của họ 14 ngày sau lần tiếp xúc gần nhất với người bị bệnh (dựa trên thời gian phát bệnh), hoặc 14 ngày sau khi người bị bệnh đáp ứng các tiêu chuẩn để chấm dứt cách ly tại nhà.

Cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và những người khác là ở nhà trong 14 ngày nếu bạn nghĩ rằng bạn đã tiếp xúc với người nhiễm Covid-19. Thường xuyên cập nhật trang web của Bộ Y tế hoặc sở y tế địa phương của bạn để biết thông tin về cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và các hướng dẫn mới nhất. 

Một lưu ý dành cho người bệnh và người chăm sóc là tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc theo đơn trên mạng. Bởi việc làm này vô cùng nguy hiểm có thể khiến cho tình trạng sức khỏe của người bệnh ngày càng xấu đi hoặc tệ hơn có thể cướp đi tính mạng của người bệnh. 

CÁC LOẠI THUỐC GIÚP GIẢM TRIỆU CHỨNG COVID-19 CÓ THỂ SỬ DỤNG TẠI NHÀ:

Khi có triệu chứng, cần thông báo ngay cho Nhân viên Y tế đang theo dõi. Các loại thuốc điều trị triệu chứng Covid-19 có thể sử dụng tại nhà:
- Thuốc hạ sốt, giảm đau chứa acetaminophen như Panadol, Efferalgan, Tylenol, Hapacol… Chỉ nên dùng khi sốt cao hoặc đau nhiều, liều acetaminophen cho phép là 10-15 mg/kg/ lần, không nên dùng quá 4 lần hoặc 3g/24 giờ, khoảng cách 2 liều ít nhất 4 giờ.
- Oresol bù nước nếu có tiêu chảy
- Phosphalugel, omeprazole, lansoprazole, rabeprazole… nếu có đau dạ dày
- Vitamin D 1000UI/ ngày hoặc phơi nắng 10-15 phút/ ngày, uống sữa, ăn trứng, nấm…
- Thuốc ho long đàm như bromhexin, acetylcystein, thảo dược…
- Các biện pháp dân gian trị cúm, đau họng.. và các biện pháp khác có vai trò hỗ trợ như: Xông hơi (lưu ý chỉ xông khi bị sốt, đau nhức người mà không ra được mồ hôi. Chỉ nên xông mũi họng. Không được xông quá nhiều sẽ làm cơ thể mất nước), Súc họng miệng bằng nước muối (chỉ hiệu quả trong việc vệ sinh đường hô hấp trên, không thể giúp tiêu diệt virus như lời đồn).

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top