Làm thế nào để khắc phục răng nhạy cảm?

Nguyên nhân gây ra răng nhạy cảm?

Răng nhạy cảm (hay răng ê buốt) là tình trạng men răng bị mòn hoặc chân răng bị lộ ra ngoài. Khi men răng mòn hay chân răng lộ ra ngoài, việc tiếp xúc với thức ăn hay đánh răng có thể tác động vào phần ngà răng không được men răng bao phủ, kéo theo gây đau buốt trong 1 khoảng thời gian ngắn. Răng nhạy cảm sẽ trở nên nhạy cảm khi chịu những kích thích từ nhiệt độ nóng hoặc lạnh và ngoại lực. Tình trạng này thường xuất hiện ở những người trẻ và trung niên. Tuy nhiên, đôi khi cảm giác tê buốt có thể do các yếu tố khác tác động, chẳng hạn như sâu răng, nứt hay sứt mẻ, hoặc do miếng trám răng bị mòn gây hở phần ngà răng. Các bệnh nướu răng cũng có thể gây răng ê buốt.

Răng có cấu tạo gồm 3 phần: men răng, ngà răng và tuỷ răng. Trong điều kiện bình thường, ngà răng được bao phủ bởi men răng nhưng vì nhiều lý do, lớp men bao phủ này bị mài mòn, khả năng bảo vệ ngà răng suy giảm. Lúc này các ống thần kinh phải tiếp xúc trực tiếp với đồ uống và thức ăn nóng, lạnh, gây kích thích dây thần kinh, tạo ra những cơn ê buốt hay còn gọi là hiện tượng quá cảm ngà.

 

Làm thế nào để khắc phục tình trạng này?

Nếu bạn cảm thấy mình đang gặp phải răng nhạy cảm, điều đầu tiên là cần đến nha sĩ. Nha sĩ có thể xác định hay loại trừ các nguyên nhân có thể gặp phải khiến bạn đau răng. Tùy thuộc vào từng trường hợp, nha sĩ có thể khuyên bạn sử dụng các biện pháp như:

  • Kem đánh răng giải mẫn cảm. Sử dụng kem đánh răng giải mẫn cảm có thể giúp răng giảm bớt tình trạng mẫn cảm cho răng. Hãy hỏi nha sĩ để được tư vấn sử dụng các loại sản phẩm kem đánh răng. Hiện nay, những loại kem đánh răng này cũng rất phổ biến trên thị trường.
  • Flo. Nha sĩ có thể sử dụng Flo bôi vào vùng nhạy cảm của răng để tăng cường sức mạnh của men răng và giảm đau. Flo có thể được sử dụng tại nhà qua dụng cụ đặc biệt là khay điều chỉnh.
  • Giải mẫn cảm hay dùng vật liệu trám dạng keo dán. Tình trạng chân răng lộ ra ngoài có thể điều chỉnh bằng vật liệu trám dạng keo dán không thấm nước.
  • Phẫu thuật ghép nướu. Khi nướu bị khuyết và làm lộ vùng chân răng, một lượng mô nướu ở vùng khác có thể được lấy và ghép vào khu vực khuyết. Điều này có thể làm giảm mức nhạy cảm cho răng.
  • Tác động trên tủy răng. Nếu các biện pháp trên không hiệu quả, nha sĩ có thể sử dụng phương pháp điều trị ở tủy răng. Đây là phương pháp hiệu quả nhất trong điều trị tình trạng răng nhạy cảm.

 

Những điều lưu ý đặc biệt

  • Để ngăn ngừa tình trạng răng nhạy cảm tái phát, bạn nên đánh răng ít nhất 2 lần/ngày với bàn chải đánh răng lông mềm và kem đánh răng có chứa Flo. Đặc biệt, bạn nên sử dụng chỉ nha khoa hàng ngày.
  • Khi đánh răng, nên chải nhẹ nhàng chứ không nên chà mạnh hoặc dùng các loại kem đánh răng có khả năng mài mòn men răng.
  • Nếu gặp phải tình trạng nghiến răng, tham khảo ý kiến nha sĩ về các dụng cụ bảo vệ răng. Nghiến răng cũng là một vấn đề có thể gây mòn, gãy răng và kéo theo khả năng bị răng ê buốt.
  • Cân nhắc sử dụng các loại thức ăn – thức uống có tính acid, chẳng hạn như các loại đồ uống có ga, trái cây họ cam quýt và rượu. Những đồ uống này có thể làm mòn men răng theo thời gian. Nếu sử dụng, nên sử dụng ống hút để tránh tác động lên răng nhiều nhất có thể. Sau khi uống, sử dụng nước để súc miệng, cân bằng lượng acid trong miệng.

 

Tổng kết

Răng nhạy cảm là một tình trạng khá phổ biến ở người trẻ tuổi và trung niên. Tình trạng này thường do phần men răng bị mòn để lộ phần ngà răng, hay phần chân răng bị lộ do phần nướu bị tụt. Khi gặp phải tình trạng này, bạn nên đến gặp nha sĩ để được tư vấn và có những biện pháp can thiệp hiệu quả nhất. Bạn cũng nên lưu ý những điều quan trọng trong ăn uống để tránh gặp phải tình trạng này càng nhiều càng tốt.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top