Chứng hôi miệng xảy ra do các vi khuẩn tích tụ trong khoang miệng, phân giải mảnh thức ăn chưa được làm sạch. Hiện tượng này gây ra mùi hôi trong hơi thở.
Để bảo vệ răng miệng, ngoài việc đánh răng, thói quen ăn uống cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Trong số đó, tình trạng mất nước, thiếu nước cũng là một trong những nguyên nhân khiến hơi thở có mùi hôi.
Ở khoang miệng khỏe mạnh, nước bọt giúp giữ niêm mạc ẩm ướt và duy trì cân bằng độ pH, khiến vi khuẩn có hại không thể sinh sôi. Ngoài ra, cơ thể bạn cũng có phản xạ nuốt nước bọt, giúp giảm lượng vi khuẩn và tế bào chết tích tụ ở lưỡi, nướu và má trong. Nước bọt cũng giúp trung hòa acid, ngăn ngừa mảng bám hình thành trên răng.
Tuy nhiên, khi bạn lười uống nước hoặc bị thiếu nước nghiêm trọng, cơ thể sẽ giảm tiết nước bọt, dẫn tới khô miệng. Hậu quả là vi khuẩn có thể nhân lên nhanh chóng, gây ra nhiều bệnh lý ở khoang miệng, trong đó có tình trạng hơi thở hôi.
Bên cạnh việc không uống đủ nước, thói quen thở bằng miệng hoặc một số loại thuốc cũng có thể gây tác dụng phụ khô miệng, hơi thở có mùi.
Bạn có thể chủ động ngăn chặn hơi thở có mùi hôi bằng cách uống đủ nước, ăn nhiều rau củ quả tươi, đặc biệt là trong những ngày thời tiết nắng nóng. Hạn chế dùng quá nhiều caffeine, muối hoặc cồn bởi chúng có thể khiến bạn đi tiểu nhiều và dễ mất nước hơn. Nhai kẹo cao su cũng là một cách kích thích tiết nước bọt, kết hợp với mùi bạc hà giúp hơi thở thơm tho hơn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh