Thức ăn gì gây sâu răng?
Đường trong chế độ ăn có thể chia làm hai loại: đường nội sinh (đường trong hoa quả và rau) và đường ngoại sinh (đường bổ sung, nước quả, sữa). Đường ngoại sinh có khả năng gây sâu răng cao hơn vì vậy nên giảm đường ngoại sinh trong chế độ ăn.
Đường bổ sung còn gồm cả đường thêm vào các loại thuốc dùng cho trẻ em và sirô, vì thế nếu dùng các loại thuốc này dài ngày cũng làm tăng nguy cơ gây sâu răng.
Tuy vậy, sự liên quan trực tiếp giữa chế độ ăn đường và tỷ lệ bệnh sâu răng phụ thuộc vào cách thức và tần suất ăn đường hơn là tổng lượng đường tiêu thụ của mỗi cá thể.
Nguy cơ sâu răng sẽ cao hơn ở những người có thói quen ăn vặt và ở những người hay ăn các loại đường dính.
Vì vậy, cần tập cho trẻ thói quen chỉ ăn đường trong các bữa ăn chính, không dùng thêm các thức ăn, uống chứa đường, nhất là các loại dễ bám dính trên bề mặt răng (bánh quy, kẹo dính, chocolate dính, caramen…) vào giữa các bữa ăn.
Tinh bột: nghiên cứu dịch tễ học cho thấy tinh bột có ít nguy cơ gây sâu răng. Tinh bột được nấu chín có tính gây sâu răng bằng một phần ba hoặc một nửa khả năng gây sâu răng của saccarose. Tuy nhiên, hỗn hợp tinh bột và saccarose có tiềm năng gây sâu răng nhiều hơn một mình tinh bột.
Lời khuyên về chế độ ăn
Đường bột
Khuyến cáo mức tiêu thụ đường tự do dưới 10kg/người/năm (trung bình khoảng 500g/người/tháng) sẽ giảm đáng kể tỉ lệ sâu răng.
Hiện nay các chất ngọt không phải đường thay thế được dùng ngày càng nhiều đặc biệt trong công nghiệp bánh kẹo và thức uống giải khát, cả trong kẹo cao su…
Các chất ngọt thay thế đường như: sorbitol, malnitol, sirô glucose thủy phân, isomalt, xylitol, lactitol… là loại ngọt ít; saccharin, acesulfame K, aspatame, thaumatin là loại ngọt đậm.
Các chất ngọt thay thế đường gần như hoặc không mang tính gây sâu răng. Các loại ngọt đậm và xylitol không gây sâu răng, trong khi các loại ngọt ít hơn có thể được vi khuẩn mảng bám chuyển hoá nhưng với tốc độ rất chậm, các loại này có thể xem như an toàn, vài chất ngọt đã được cho phép dùng. Xylitol ngày nay còn được dùng để làm kẹo cao su giúp dự phòng sâu răng.
Thức ăn tinh bột trắng (bột loại bỏ nhiều lớp vỏ bám bên ngoài của hạt ngũ cốc) làm cho đường và axít bám chắc vào răng. Vì thế, trong bữa ăn hằng ngày ta nên xen kẽ các thức ăn tinh, thô với các thức ăn có nhiều chất xơ (xenlulose) sẽ làm cho răng chắc khỏe và sạch răng.
Chú ý: Không cho trẻ uống nước hoa quả, sữa… bằng bú bình vì uống nước hoa quả bằng bình sẽ kéo dài thời gian răng bé tiếp xúc với đường và các axít từ hoa quả, không nên cho bé ngậm vú giả nhúng vào các chất ngọt như mật ong, mứt hay nước sirô ngọt.
Các thói quen xấu này có thể gây ra đa sâu răng do bú bình rất nguy hiểm. Đối với những trẻ đã có thói quen bú bình, cần có tư vấn của nha sĩ để loại bỏ thói quen bú bình: có thể ngừng ngay hoặc thay thế sữa bằng các chất ngọt thay thế đường, giảm dần số lần, độ ngọt, thời gian sử dụng…
Tránh cho trẻ ăn đồ ngọt suốt cả ngày, giới hạn lượng đồ ngọt và chỉ cho phép bé ăn trong thời gian bữa chính.
Tập cho trẻ bỏ thói quen ngậm cơm khi ăn, thói quen này cũng gây ra nhưng hậu quả không kém thói quen bú bình sữa.
Rau quả
Những loại thực phẩm không gây hại cho răng được nhắc đến: dưa chuột, bắp cải, súp lơ, bí xanh, bí đỏ, cà tím, củ cải, cà rốt, dưa gang, rau riếp… có tác dụng làm sạch răng và loại bỏ những mảng bựa vôi bám trên răng.
Loại thực phẩm như chuối, chà là, nho, cà chua, đậu hà lan, quả vả, sung, táo ngọt, quả lựu, cam, quýt, quất, me chua… có chứa nhiều carbohydrate dễ gây sâu răng nhưng cũng không nên đoạn tuyệt vì chúng cũng có nhiều yếu tố có lợi cho răng miệng như làm sạch và chứa fluoride, ngoài ra còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
Thuốc
Thuốc dùng cho trẻ em cũng nên dùng các chất ngọt thay thế đường để thay thế đường có khả năng gây bệnh sâu răng sẽ giảm tỉ lệ sâu răng cho trẻ.
Dùng nguồn thức ăn giàu canxi, photphat, vitamin D. Các chất này có trong sữa, rau quả xanh, cá, phomat… giúp chắc răng và chống loãng xương ở người lớn tuổi.
Mặc dù ở nước ta thói quen ăn phomat chưa phổ biến nhưng đây là nguồn giàu chất canxi, photphat, khi ăn phomat, canxi sẽ được giải phóng, bám vào bề mặt răng và có tác dụng tái khoáng hóa bề mặt răng chống lại sự tấn công của axít.
Ngoài ra, việc tăng chất béo trong khẩu phần ăn có thể làm giảm tác động của các tác nhân gây bệnh sâu răng.
Kết hợp linh hoạt
Chúng ta có thể dùng xen kẽ loại thực phẩm gây sâu răng với thực phẩm không gây sâu răng thì sẽ tốt hơn.
Ví dụ, ăn bánh gatô dính răng sau đó lại nhai miếng phomat thì sạch miệng mau hơn. Sữa có chứa canxi, photpho nên có tác dụng trung hòa với thực phẩm dẫn đến tình trạng sâu răng như đường.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh