Phương pháp điều trị loét miệng

Điều trị loét miệng

Loét miệng hiếm khi là dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng, nhưng bạn có thể sẽ rất khó chịu khi phải sống cùng tình trạng này.

Loét miệng cần thời gian để điều trị và dưới đây là một số giải pháp nhanh với bạn.

Tránh mọi thứ có thể gây kích ứng miệng của bạn sẽ giúp:

  • Đẩy nhanh quá trình tự chữa lành
  • Giảm đau đớn
  • Giảm khả năng tái loét miệng

Bạn nên:

  • Sử dụng bàn chải đánh răng có lông mềm
  • Uống đồ uống mát qua ống hút
  • Ăn thức ăn mềm
  • Thường xuyên đến nha sĩ kiểm tra
  • Chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng

Bạn không nên:

  • Không ăn đồ ăn quá cay, nhiều muối hoặc nhiều acid
  • Không ăn đồ ăn thô cứng, giòn như bánh mỳ nướng giòn hoặc khoai tây chiên giòn
  • Không uống đồ uống quá nóng hoặc quá nhiều acid như nước hoa quả
  • Không ăn kẹo cao su
  • Không sử dụng kem đánh răng có chứa sodium lauryl sulphate

 

Can thiệp thuốc

Dược sĩ có thể khuyến nghị một số điều trị để tăng nhanh tốc độ lành bệnh, phòng ngừa nhiễm trùng hoặc giảm đau, như là:

  • Nước súc miệng kháng khuẩn
  • Thuốc, nước súc miệng, gel hoặc thuốc xịt giảm đau
  • Viên ngậm corticosteroid
  • Nước súc miệng muối

Bạn có thể mua những thuốc kể trên mà không cần đơn thuốc, nhưng chúng có thể không phải luôn có hiệu quả.

 

Đến gặp nha sĩ

Bạn nên đến gặp nha sĩ ngay nếu như:

  • Loét miệng kéo dài trên 3 tuần
  • Liên tục tái loét
  • Vết loét ngày càng to hơn thông thường và lan dần đến cổ họng
  • Chảy máu hoặc trở nên đau và đỏ hơn – đây có thể là dấu hiện của một nhiễm trùng

Mặc dù hầu hết vết loét miệng không có hại, tuy nhiên vết loét miệng tồn tại lâu dài lại có thể là dấu hiệu của ung thư miệng. Do đó sẽ tốt hơn nếu bạn đi khám và thực hiện các kiểm tra.

 

Nha sĩ sẽ điều trị cho bạn như thế nào?

Nha sĩ có thể kê cho bạn một đơn thuốc mạnh hơn để điều trị những loét miệng nặng, dai dẳng hoặc nhiễm trùng.

Các phương pháp điều trị có thể bao gồm:

  • Xịt miệng steorid hoặc viên nén steorid tan trong miệng của bạn
  • Gel, thuốc mỡ, thuốc xịt hoặc thuốc viên giảm đau
  • Nước súc miệng để diệt hoặc loại bỏ bất kỳ vi trùng nào trong miệng.

 

Phân biệt loét miệng và mụn nhọt

Bạn có thể có nhiều hơn 1 vết loét miệng trong cùng 1 khoảng thời gian và chúng cũng có thể thay đổi kích thước.

Loét miệng không lây và không nên nhầm lẫn với mụn nhọt. Các vết mụn nhọt xuất hiện trên môi hoặc quanh miệng và thường bắt đầu với cảm giác ngứa ran, ngứa ngáy hoặc nóng rát.

 

Nguyên nhân gây loét miệng

Hầu hết những vết loét miệng gây ra bởi những thứ mà bạn có thể tránh được như là:

  • Cắn vào mặt trong má
  • Lắp răng giả không phù hợp, niềng răng, miếng trám răng thô hoặc một chiếc răng sắc nhọn
  • Bị cắt hoặc bỏng khi ăn uống, ví dụ ăn đồ ăn cứng hoặc đồ uống nóng
  • Không dung nạp hoặc bị dị ứng một số thức ăn
  • Nướu bị tổn thương do bàn chải đánh răng hoặc kem đánh răng gây kích ứng
  • Cảm thấy mệt mỏi, áp lực hoặc căng thẳng

Đôi khi loét miệng cũng bị gây ra bởi những lý do bạn không thể kiểm soát được như là:

  • Thay đổi nội tiết tố, ví dụ khi mang thai
  • Gen của bạn – có một số gia đình hay bị loét miệng thường xuyên hơn
  • Thiếu vitamin B12 hoặc thiếu sắt
  • Đang dùng thuốc – bao gồm một số thuốc NSAIDs, thuốc chặn beta hoặc nicorandil
  • Ngừng hút thuốc – một số người có thể bị loét miệng khi họ ngưng thuốc thời gian đầu

Nếu bạn đang bị nhiều vết loét miệng, đó có thể là triệu chứng của:

  • Bệnh chân tay miệng, cũng có thể gây phát ban bàn tay hoặc bàn chân
  • Lichen phẳng vùng miệng, gây ra một mô hình viền trắng bên trong má
  • Bệnh Crohn và bệnh celiac (các tình trạng ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa)
  • Hệ thống miễn dịch suy yếu do mắc một số bệnh như HIV hoặc lupus.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top