Tình trạng sức khỏe răng miệng có liên quan rất mật thiết đến tình trạng sức khỏe chung của bạn. Hãy cùng khám phá xem sức khỏe răng miệng có liên quan như thế nào nào đến bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, ung thư và nhiều bệnh khác nhé.
Chăm sóc sức khỏe răng miệng không chỉ đơn thuần là việc có nụ cười trắng sáng và hơi thở thơm mát. Những nghiên cứu gần đây đã tìm ra rất nhiều mối liên quan giữa sức khỏe răng miệng và tình trạng sức khỏe chung của cơ thể. Mặc dù trong nhiều trường hợp, sự liên quan là không lý giải được là liên quan hay quan hệ nhân quả, nhưng một điều có thể khẳng định chắc chắn: sức khỏe răng miệng có liên quan rất chặt chẽ với tình trạng sức khỏe nói chung của bạn.
Từ nhiều năm nay, các bác sỹ đã biết rằng, bệnh tiểu đường type 2 sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh nha chu (bệnh về lợi). Vào tháng 7 năm 2008, mối liên quan này được chú ý hơn nữa. Các nhà nghiên cứu tại Đại học y tế công cộng Mailman, Columbia đã theo dõi 9296 người không bị tiểu đường, đo lượng vi khuẩn gây bệnh nha chu của họ trong suốt 20 năm. Kết quả cho thấy, những người có lượng vi khuẩn gây viêm nha chu cao sẽ có nguy cơ bị bệnh tiểu đường cao hơn gấp 2 lần trong suốt khoảng thời gian nghiên cứu, so với những người có lượng vi khuẩn ít hoặc không có.
Mặc dù cần thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để đi đến kết luận rằng, bệnh nha chu có thể dẫn đến bệnh tiểu đường hay không, nhưng cũng đã có một vài giả thuyết về việc tại sao 2 tình trạng này lại liên quan tới nhau. Một giả thuyết cho rằng, khi miệng bạn bị nhiễm trùng và có vi khuẩn thì sẽ dẫn đến tình trạng viêm trên toàn cơ thể, và điều này sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng chuyển hóa đường. Ngoài ra có thể một vài loại vi khuẩn có thể sẽ gắn vào các thụ thể insulin và ngăn chặn các tế bào của cơ thể sử dụng insulin để đưa glucose vào tế bào.
Cũng như với bệnh tiểu đường, mối liên quan giữa tình trạng sức khỏe răng miệng kém và bệnh tim mạch đã được công nhận từ lâu, nhưng vẫn chưa thể xác định được liệu có mối quan hệ nhân quả trực tiếp giữa 2 tình trạng này không. (nguyên nhân một phần là vì có rất nhiều yếu tố nguyc ơ khác, ví dụ như hút thuốc lá và tuổi già, có thể dẫn đến cả các bệnh về răng miệng cũng như bệnh tim mạch).
Tuy nhiên, trong một nghiên cứu năm 2005 được tài trợ bởi Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ, 1.056 người tham gia được lựa chọn ngẫu nhiên đều chưa bao giờ bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ sẽ được đo lường lượng vi khuẩn nha chu trong miệng. Sau khi đã loại bỏ các ảnh hưởng của các yếu tố nguy cơ khác như tuổi, giới và hút thuốc, thì các nhà nghiên cứu thấy rằng, có một mối tương quan độc lập giữa bệnh tim mạch và bệnh nha chu. Một giả thuyết được đưa ra để lý giải mối quan hệ này đó là: một lượng nhỏ vi khuẩn sẽ đi vào dòng máu trong khi bạn nhai. Các vi khuẩn xấu từ các tình trạng nhiễm khuẩn trong miệng có thể sẽ tích tụ lại trong lòng các mạch máu, cuối cùng gây ra tình trạng tắc nghẽn mạch nguy hiểm. Để củng cố giả thuyết này, các nhà khoa học đã xem xét các mảng xơ vữa động mạch và đúng là thỉnh thoảng có tìm ra những mảnh vỡ của vi khuẩn nha chu trong các mảng bám này.
Ngoài ra, một nghiên cứu khác xuất bản trên tạp chí New England Journal of Medicine vào năm 2007 đã cho thấy rằng, điều trị tích cực bệnh nha chu sẽ làm giảm tỷ lệ xơ vữa động mạch trong vòng 6 tháng.
Với rất nhiều phụ nữ mang thai, viêm lợi có nguồn gốc là do sự thay đổi hormone bất thường khi mang thai. Ngoài ra, còn là do rất nhiều phụ nữ mang thai không chú ý tới việc chăm sóc răng miệng trong thai kỳ do họ có nhiều mối bận tâm khác. Nhưng đó chính là một sai lầm. Các nhà khoa học tin rằng, bệnh về nướu hoặc tình trạng viêm trong miệng có thể là nguyên nhân làm tăng lượng prostaglandin, chất hóa học có thể dẫn đến chuyển dạ sớm. Mặc dù giả thuyết này có thể chưa được xác nhận, nhưng một nghiên cứu năm 2001 chỉ ra rằng, phụ nữ mang thai bị bệnh nha chu trong khoảng từ tuần thứ 21 đến 24 có nguy cơ sẽ sinh non (trước 37 tuần) cao hơn khoảng 4-7 lần. Cũng có những bằng chứng cho thấy chăm sóc sức khỏe răng miệng kém có thể dẫn đến việc em bé có cân nặng sơ sinh thấp. Một vài nghiên cứu, bao gồm một nghiên cứu năm 2007 trên 3567 phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ và một nghiên cứu năm 2007 trên 1305 nữ giới Brazil thấy rằng, có mối liên quan giữa bệnh nha chu, tình trạng sinh non và cân nặng sơ sinh thấp.
Có một mối liên quan đã được xác nhận giữa tình trạng sức khỏe răng miệng kém và bệnh viêm phổi, mặc dù đa số các nghiên cứu mới chỉ tập trung vào nhóm có nguy cơ cao. Một nghiên cứu năm 2008 trên người cao tuổi chỉ ra rằng, số người bị viêm phổi sẽ cao hơn 3.9 lần ở nhóm người bị bệnh nha chu, so với những người không bị bệnh nha chu. Phổi rất gần với miệng. Kể cả khi sức khỏe răng miệng tốt cũng có thể chứa rất nhiều vi khuẩn, nhưng vi khuẩn trong miệng không khỏe mạnh cũng có thể sẽ bị hít vào sâu trong phổi, gây viêm phổi hoặc làm nặng thêm tình trạng phổi tắc nghẽn mãn tính COPD. Rất nhiều nghiên cứu can thiệp được tiến hành bởi CDC đã chứng minh được rằng, cải thiện sức khỏe răng miệng có thể dẫn đến giảm tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp.
Một nghiên cứu xuất bản năm 2007 trên tạp chí Journal of the National Cancer Institute khảo sát 51.529 nam giới người Mỹ về tình hình sức khỏe của họ 2 năm/lần từ năm 1986 đến năm 2002. Trong số 216 người phát triển bệnh ung thư tuyến tụy trong khoảng thời gian này, 67 người trong số đó bị bệnh nha chu. Độc lập với tình trạng hút thuốc lá, nghiên cứu này cho thấy, có tiền sử bị bệnh nha chu cũng liên quan tới việc tăng nguy cơ ung thư tụy. Nguyên nhân, theo nghiên cứu này có thể là do tình trạng viêm hệ thống hoặc tăng mức độ các chất gây ung thư trong miệng. Thú vị hơn, giả thuyết về bệnh nha chu có thể gây tiểu đường type 2 cũng đúng với bệnh ung thư tụy.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh