✴️ Nguyên nhân dẫn đến bệnh lupus ban đỏ hệ thống

Nội dung

Bệnh lupus ban đỏ hệ thống gây ảnh hưởng tới nhiều cơ quan khác nhau của cơ thể. Bao gồm khớp, da, thận, tế bào máu, não, tim, phổi. Và có thể để lại nhiều hậu quả nặng nề cho người bệnh. Vậy nguyên nhân dẫn đến bệnh lupus ban đỏ hệ thống là gì?

Cho đến nay, nguyên nhân gây lupus ban đỏ hệ thống vẫn chưa rõ ràng và có sự đóng góp của nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó nổi bật là vai trò của các yếu tố di truyền, nội tiết, miễn dịch và môi trường.

1. Yếu tố di truyền

Các nghiên từ trước tới nay cho thấy:

  • Có trên 50% trẻ sinh đôi cùng bị mắc bệnh lupus.
  • Những người thân như anh chị em ruột có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 30 lần so với người không cùng huyết thống.
  • Gần 30% đứa con sinh ra bởi bà mẹ bị lupus có kháng thể kháng nhân dương tính.
  • Có khoảng 50 gen khi bị đột biến liên quan tới biểu hiện bệnh lupus. Trong đó những gen quan trọng nhất nằm ở vùng gen kháng nguyên bạch cầu người (HLA) trên nhiễm sắc thể số 6.

Như vậy yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của bệnh lupus. Đó là một nguyên nhân dẫn đến bệnh lupus ban đỏ hệ thống.

2. Yếu tố nội tiết tố

Bệnh gặp chủ yếu ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (nhiều gấp 9 lần so với nam giới). Sau mãn kinh, tỷ lệ mắc bệnh cũng như mức độ nặng của bệnh đều giảm rõ rệt. Còn trong thời kỳ mang thai bệnh thường nặng lên.

Các hormone như estrogen, testosterone, progesterone… liên quan tới tỷ lệ mắc bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Những phụ nữ dùng các chế phẩm có chứa estrogen (như thuốc tránh thai, liệu pháp hormone sau mãn kinh) cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

3. Bất thường miễn dịch

Bệnh lupus ban đỏ hệ thống là một bệnh tự miễn đặc trưng bởi tình trạng viêm cấp tính và mãn tính của các mô khác nhau trong cơ thể. Đây là bệnh tự miễn tức là các mô của cơ thể bị tấn công bởi hệ miễn dịch của chính nó.

Bình thường, hệ thống miễn dịch là hệ thống phức tạp có chức năng chống lại các tác nhân lạ gây bệnh, ví dụ như vi khuẩn. Tuy nhiên, những người mắc bệnh lupus lại có các kháng thể bất thường trong máu và tấn công vào các mô trong cơ thể của chính họ. Những kháng thể này được gọi là kháng thể tự miễn.

Có nhiều khiếm khuyết miễn dịch ở người bệnh mắc lupus ban đỏ. Tuy nhiên nguyên nhân của những bất thường này vẫn chưa sáng tỏ. Người bệnh mất cơ chế tự bảo vệ của cơ thể, nên hình thành các phức hợp miễn dịch. Các phực hợp này gây tổn thương hệ cơ quan trong cơ thể người bệnh như khớp, da, tim mạch, não, thận, xương, phổi…

Ví dụ phức hợp miễn dịch lắng đọng ở cầu thận gây tổn thương màng lọc cầu thận, dẫn tới bệnh thận lupus. Hay như phức hợp miễn dịch gây tổn hại khớp dẫn tới các triệu chứng sưng đau hủy hoại khớp.

Bất thường miễn dịch

4. Yếu tố môi trường

Qua quan sát thực tế các cặp sinh đôi cùng trứng mà có bố mẹ hoặc anh chị em ruột của họ bị bệnh lupus ban đỏ. Nhận thấy khả năng bị mắc bệnh lupus ban đỏ của mỗi người là khác nhau nếu họ sống trong các môi trường sống khác nhau. Mặc dù rằng bộ gen của họ là y hệt nhau. Và có một tỷ lệ xác suất không phát triển bệnh lupus ban đỏ là 30-50%. Điều này chứng tỏ rằng các yếu tố môi trường bên ngoài có vai trò xác định xem bệnh có biểu hiện ở một người hay không.

Các tác nhân môi trường đó bao gồm: tia cực tím, một số loại thuốc, virus, căng thẳng stress, chấn thương, chế độ ăn uống…

4.1 Tia cực tím

Tia cực tím trong ánh nắng măt trời là một tác nhân môi trường được biết đến có thể làm trầm trọng thêm tình trạng phát ban trên da của bệnh nhân lupus. Thậm chí có thể kích hoạt làm bùng phát triệu chứng ở các cơ quan khác. Một số nghiên cứu nhận thấy tia cực tím làm thay đổi cấu trúc ADN. Dẫn đến việc hình thành các kháng thể tự miễn.

4.2 Nhiễm trùng

Bị nhiễm trùng có thể khởi phát bệnh lupus ban đỏ hoặc gây tái phát bệnh ở một số người. Trong đó Epstein Barr virus là tác nhân được biết đến nhiều nhất liên quan đến bệnh này.

4.3 Thuốc

Biểu hiện bệnh lupus có thể được gây ra bởi một số loại thuốc huyết áp, thuốc chống động kinh và thuốc kháng sinh. Những người bị lupus do thuốc thường có triệu chứng thuyên giảm khi họ ngưng sử dụng thuốc. Có khoảng 400 loại thuốc có thể dẫn đến tình trạng này. Những loại phổ biến nhất được kể đến là isoniazid, hydralazine, procainamide, methyldopa…

4.4 Stress

Người ta nhận thấy có mối liên quan giữa căng thẳng stress và bệnh lupus. Stress có thể làm khởi phát triệu chứng ban đầu của bệnh lupus ban đỏ. Hoặc có thể liên quan đến sự tái phát của bệnh đã có từ trước.

Ngoài ra một số yếu tố khác cũng ảnh hưởng tới tỉ lệ mắc bệnh bao gồm:

  • Giới tính: Nữ giới mắc bệnh nhiều gấp 9 lần nam giới.
  • Tuổi: Lupus ban đỏ hệ thống có thể gặp mọi lứa tuổi. Nhưng phổ biến ở độ tuổi từ 14 đến 45 tuổi.
  • Chủng tộc: Bệnh hay gặp hơn ở người Mỹ gốc Phi, Mỹ gốc Á, hoặc gốc Tây Ba Nha.

Biết được những nguyên nhân dẫn đến bệnh lupus ban đỏ trên đây, mọi người có thể chủ động phòng ngừa những yếu tố có thể khởi phát bệnh. Như tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Hoặc thận trọng khi sử dụng một số thuốc được chứng minh gây ra triệu chứng của bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Thêm nữa, mỗi người cần tạo cho mình một cuộc sống lành mạnh, vui vẻ. Năng tập thể dục thể thao và tránh xa căng thẳng stress hàng ngày.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top