Mút ngón tay là hành vi thường thấy ở trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh. Trẻ có thói quen mút ngón tay thường đưa ngón tay vào trong miệng (chủ yếu là ngón tay cái), nhất là khi ngủ. Theo lý giải của các chuyên gia, hành vi này đến từ phản xạ mút của trẻ, và thậm chí phản xạ này có thể xuất hiện từ khi còn trong bụng mẹ. Phản xạ này được giải thích là giúp trẻ cảm thấy an toàn hơn, hay cảm giác xoa dịu trước khi đi ngủ giúp trẻ ngủ ngon hơn.
Việc mút ngón tay cái thường không phải là vấn đề quá đáng lo ngại cho đến khi trẻ mọc răng vĩnh viễn. Khi trẻ mọc răng vĩnh viễn, hành động mút ngón tay có thể bắt đầu ảnh hưởng đến vòm miệng hay ảnh hưởng đến cách các răng mọc lên. Nguy cơ mắc các vấn đề về răng miệng khi này sẽ liên quan đến tần suất, thời gian và cường độ mút ngón tay cái của trẻ.
Mặc dù một số chuyên gia khuyên nên hướng dẫn trẻ bỏ thói quen mút tay trước 3 tuổi, nhưng các chuyên gia tại Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ cho biết việc điều trị thường chỉ giới hạn ở những trẻ tiếp tục mút ngón tay sau khi tròn 5 tuổi.
Các bậc phụ huynh nên nói chuyện với trẻ về hành vi mút ngón khi trẻ đã nhận thức được. Việc lựa chọn các phương pháp phù hợp sẽ giúp các bậc phụ huynh thành công trong việc thay đổi thói quen của con trẻ.
Đôi khi, việc trẻ mút ngón tay giống như một hành vi gây chú ý cho người khác. Trong các tình huống như vậy, việc không chú ý đến hành vi mút ngón tay cũng đủ để làm trẻ từ bỏ dần hành vi đó. Nếu điều này không hiệu quả, hãy thử một trong các phương pháp sau:
Nếu các bậc phụ huynh lo lắng về ảnh hưởng của việc mút ngón tay lên răng miệng của trẻ, hãy đến gặp nha sĩ. Đối với một số trẻ, việc cho trẻ trực tiếp trò chuyện với nha sĩ đôi khi còn hiệu quả hơn là trò chuyện với bố hoặc mẹ.
Hiếm khi nhưng không phải không thể, một số bác sĩ sẽ khuyên nên sử dụng các kỹ thuật có thể gây ra những khó chịu, chẳng hạn như sử dụng các chất đắng, băng ngón tay hoặc che bàn tay bằng tất vào ban đêm. Các trường hợp này ít khi sử dụng, nhưng có thể được dùng nếu tình trạng mút ngón tay không có sự cải thiện.
Đối với một số trẻ, mút ngón tay cái là một thói quen khó bỏ. Do vậy, các bậc phụ huynh đừng lo lắng hay tạo áp lực cho trẻ. Việc gây áp lực quá lớn có thể khiến trẻ sợ hãi hơn, làm chậm quá trình tự giác ngừng mút ngón tay. Hãy kiên nhẫn và dành nhiều yêu thương cho trẻ hơn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh