Thận là cơ quan có vai trò thiết yếu trong việc duy trì nội môi của cơ thể. Bên cạnh chức năng lọc và thải trừ các chất chuyển hóa qua nước tiểu, thận còn đảm nhiệm việc điều hòa cân bằng nước – điện giải, cân bằng axit – bazơ, điều chỉnh huyết áp, tổng hợp hormone erythropoietin và chuyển hóa vitamin D. Khi chức năng thận bị suy giảm, các hoạt động sinh lý nêu trên sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến loạt biểu hiện lâm sàng đa dạng, có thể diễn tiến âm thầm và đe dọa tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị sớm.
Dưới đây là các triệu chứng thường gặp cảnh báo bệnh lý thận:
Chức năng thận suy giảm dẫn đến tích tụ chất độc niệu trong máu (uremia), ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất và oxy hóa mô, gây ra tình trạng mệt mỏi, giảm khả năng tập trung, uể oải kéo dài. Ngoài ra, việc giảm sản xuất erythropoietin (EPO) – hormone kích thích tủy xương sản sinh hồng cầu – còn gây thiếu máu, làm tình trạng mệt mỏi trầm trọng hơn.
Ngưng thở khi ngủ và mất ngủ có mối liên hệ chặt chẽ với bệnh thận mạn tính (CKD). Sự tích tụ độc tố urê và tình trạng toan chuyển hóa có thể ảnh hưởng đến thần kinh trung ương, gây ra rối loạn nhịp sinh học, khó ngủ hoặc ngủ không sâu giấc.
Thận không còn đảm bảo chức năng bài tiết độc tố hoặc điều hòa cân bằng canxi – phospho, gây tăng phosphat máu và lắng đọng calciphotphat ở da, từ đó gây ngứa ngáy dữ dội, dai dẳng, đặc biệt là vào ban đêm. Đây là triệu chứng phổ biến trong giai đoạn cuối của bệnh thận mạn (ESRD).
Khi khả năng bài tiết natri và nước bị suy giảm, dịch sẽ tích tụ trong mô kẽ, biểu hiện bằng phù chân, phù mắt cá chân, bàn tay, mặt hoặc mi mắt. Bọng mắt buổi sáng kèm phù mềm là dấu hiệu đặc trưng của mất protein qua thận (protein niệu).
Suy thận có thể gây mất cân bằng điện giải (hạ natri, hạ canxi, tăng kali), làm ảnh hưởng đến sự co cơ và dẫn truyền thần kinh, dẫn đến chuột rút, đặc biệt vào ban đêm hoặc khi gắng sức nhẹ.
Do thiếu máu kéo dài và/hoặc ứ dịch phổi gây ra cảm giác khó thở, thở hụt hơi, thậm chí khó thở khi nằm. Đây là triệu chứng báo hiệu giai đoạn nặng của suy thận và cần được can thiệp y tế khẩn cấp.
Bệnh nhân suy thận có thể gặp các biểu hiện như giảm khả năng tập trung, rối loạn trí nhớ, mất định hướng, lú lẫn, do tác động trực tiếp của ure huyết cao lên hệ thần kinh trung ương và tình trạng thiếu máu não mạn tính.
Tăng urê máu và toan chuyển hóa ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày – ruột, gây ra biểu hiện buồn nôn, chán ăn, đầy bụng, kéo dài sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng – sụt cân không rõ nguyên nhân.
Ở bệnh nhân suy thận nặng, hơi thở có mùi tanh như nước tiểu hoặc kim loại do urê chuyển hóa thành amoniac trong khoang miệng. Đồng thời, người bệnh cũng có thể cảm thấy thay đổi vị giác, ăn mất ngon.
Tiểu đêm nhiều lần hoặc giảm lượng nước tiểu là các biểu hiện sớm của rối loạn chức năng lọc cầu thận.
Tiểu máu đại thể hoặc vi thể có thể gặp trong viêm cầu thận, sỏi thận hoặc ung thư hệ tiết niệu.
Nước tiểu sủi bọt nhiều là dấu hiệu của protein niệu, do tổn thương màng lọc cầu thận.
Các triệu chứng trên có thể diễn tiến âm thầm, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác. Vì vậy, người dân – đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, tiền sử bệnh thận hoặc dùng thuốc độc thận kéo dài – nên:
Tầm soát định kỳ chức năng thận (xét nghiệm creatinin máu, eGFR, protein niệu)
Theo dõi huyết áp, đường huyết và lipid máu
Tư vấn chuyên khoa thận – tiết niệu khi có triệu chứng nghi ngờ
Việc phát hiện và can thiệp sớm sẽ giúp làm chậm tiến triển của bệnh thận mạn, cải thiện chất lượng sống và giảm nguy cơ phải lọc máu hoặc ghép thận về sau.