✴️ Favipiravir trong điều trị COVID-19

Nội dung

FAVIPIRAVIR LÀ THUỐC GÌ?

Favipiravir (còn được gọi là T-705, biệt dược là Avigan) là một loại thuốc kháng virus phổ rộng, được  phát triển để chữa trị cúm bởi công ty Toyama Chemical (Tập đoàn Fujifilm), Nhật Bản.

Favirapivir là một dẫn xuất pyrazinecarboxamide, là chất tương tự nucleotide, gây ức chế sự phiên mã của RNA. Thuốc có khả năng ức chế chọn lọc enzyme RNA-dependent RNA polymerase (RpRd), từ đó ngăn ngừa sự nhân lên và phiên mã của virus.

CƠ CHẾ

Favpiravir ban đầu là một tiền chất (prodrug), sau khi được phos-pho và ri-bô hóa sang dạng hoạt động của nó (active form) bởi enzyme của vật chủ, là favipiravir-RTP (favirapivir-ribodfuranosyl-5′-triphosphate). Sau đó, Favipiravir-RTP ức chế chọn lọc enzyme RNA polymerase và ngăn chặn sự nhận lên hệ gen của virus. Favipiravir được đào thải ra khỏi cơ thể chủ yếu bằng đường nước tiểu. Thời gian bán phân hủy ước tính của thuốc là từ 2-5.5 giờ.

Điều mới lạ là Favipiravir không ức chế sự tổng hợp DNA và RNA của tế bào chủ cũng như gây độc tính cho chúng.

LIỀU DÙNG KHUYẾN CÁO CỦA FAVIPIRVIR

Avigan được khuyến cáo sử dụng là 1600mg/lần, 2 lần/ngày cho ngày đầu tiên và các ngày sau là 600mg/lần, 2 lần/ngày, dùng trước khi ăn 30’-1h. Thuốc uống được sử dụng cho người trên 18 tuổi ngay khi bắt đầu có triệu chứng và không quá 10 ngày.

Năm 2014, Nhật Bản cấp phép thuốc Favipiravir cho điều trị cúm khi không đáp ứng với các thuốc điều trị virus hiện tại. Bên cạnh đó, Favipiravir có hiệu quả chống lại virus Tây Nile, virus sốt vàng da, virus tay-chân-miệng và cả virus Ebola, virus Lassa.

Ngày 12/12/2021, Bộ Y tế Việt Nam ban hành quyết định về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19, trong đó có về chỉ định, chống chỉ định, liều dùng, và chú ý đối với 3 loại thuốc kháng virus trong điều trị COVID-19.

Cụ thể, đối với thuốc kháng virus Favipiravir 200mg được dùng cho bệnh nhân COVID-19 mức độ nhẹ và trung bình (theo quy định trước đây ban hành ngày 6/10, thuốc này chỉ dùng cho bệnh nhân mức độ nhẹ). Bên cạnh đó, thời gian điều trị thuốc Favipiravir 200mg giảm xuống còn 5-7 ngày (thay vì 7-14 ngày như quy định trước đó).

LƯU Ý KHI SỬ DỤNG FAVIPIRAVIR

– Phụ nữ mang thai hoặc dự định mang thai, phụ nữ cho con bú: không được sử dụng. Kiểm nghiệm đã cho thấy Favipiravir gây nguy hiểm cho phôi thai (chết phôi sớm), và có thể gây quái thai. Do đó, trước khi kê toa favipiravir cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, bắt buộc phải loại trừ trường hợp mang thai bằng cách thử thai âm tính trong nước tiểu. Sử dụng các biện pháp tránh thai hiệu quả (như dùng bao cao su) khi quan hệ trong thời gian điều trị và 7 ngày sau đó, bao gồm cả bệnh nhân nam vì thuốc cũng có thể đi vào tinh trùng ở nam giới. Ngừng thuốc ngay lập tức nếu nghi ngờ có thai.

– Người cao tuổi (trên 65): Vì các chức năng sinh lý thường bị suy giảm ở người cao tuổi, nên thận trọng khi sử dụng thuốc cho nhóm người cao tuổi và cần theo dõi tình trạng chung của họ.

– Bệnh nhân suy gan, suy thận: cần thận trọng khi sử dụng và tham khảo ý kiến chuyên gia về liều lượng.

TÁC DỤNG PHỤ

Những tác dụng phụ thường gặp được ghi nhận là không đáng kể, bao gồm tăng acid uric máu, tiêu chảy, giảm bạch cầu trung tính, tăng men gan.

Theo Bộ Y tế, cần chú ý ít nhất trong 2 ngày đầu dùng thuốc do có thể gây rối loạn tâm thần (có các hành vi bất thường như chạy hoặc đi bộ lên xuống đột ngột, mê sảng, ảo giác,…), chú ý với người có tiền sử bệnh gout vì thuốc có thể làm tăng acid uric, khiến bệnh nặng hơn.

Một nghiên cứu khác cho thấy Favipiravir có độc tính quang học khiến da nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời và đèn UV.

 

Tham khảo

  1. https://moh.gov.vn/tin-lien-quan/-/asset_publisher/vjYyM7O9aWnX/content/bo-y-te-thuoc-khang-virus-favipiravir-uoc-dung-ieu-tri-benh-nhan-covid-19-nhe-va-trung-binh-trong-5-7-ngay
  2. https://www.precisionvaccinations.com/vaccines/avigan-antiviral
  3. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/32895599/
  4. https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1201971220322736
  5. https://pubchem.ncbi.nlm.nih.gov/compound/Favipiravir#section=Absorption-Distribution-and-Excretion
  6. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/33336316/
  7. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/33915020/

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top