12 biện pháp giảm viêm nang lông

Phân loại, dấu hiệu và triệu chứng

Viêm nang lông có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, kể cả da đầu. Nang lông có thể bị viêm, có màu đỏ và gồ ghề. Nang lông có thể giống như phát ban nhỏ màu hồng hoặc đỏ trên da. Viêm nang lông nhẹ có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng như:

  • ngứa
  • đau hoặc căng tức
  • cảm giác châm chích
  • da thô ráp, khô hoặc bong tróc

Có nhiều loại viêm nang lông khác nhau, bao gồm:

  • Viêm nang lông do dao cạo
  • Viêm nang lông do tắm nước nóng
  • Viêm nang lông do ánh nắng mặt trời

 

Các biện pháp khắc phục tại nhà

1. Rửa xà phòng

Làm sạch khu vực bằng nước ấm và xà phòng hai lần một ngày. Lau khô bằng khăn sạch và tránh dùng chung khăn với bất kỳ ai. Ngoài ra, sử dụng nước nóng và xà phòng để giặt quần áo hoặc khăn tắm đã chạm vào vùng viêm nang lông.

2. Mặc quần áo rộng rãi, khô ráo

Viêm nang lông đôi khi có thể xảy ra do mặc quần áo gây kích ứng da hoặc cọ xát với da. Tránh mặc các loại quần áo như quần tập yoga, quần bó, legging và các loại quần áo bó sát khác. Ngoài ra, tránh mặc trang phục khiến hai đùi cọ xát vào nhau. Mặc quần soóc ở bên trong váy. Mặc áo phông và váy có tay dài hơn để che vùng da dưới cánh tay của bạn. Da ẩm ướt cũng dễ bị nhiễm trùng hơn. Mặc các loại vải rộng rãi và thoáng khí, thấm hút mồ hôi. Lau khô và thay quần áo ngay nếu bạn ra nhiều mồ hôi hoặc quần áo bị ướt.

3. Dùng một miếng gạc ấm

Một miếng gạc ẩm và ấm có thể giúp làm dịu cơn đau, sưng ở khu vực bị viêm nang lông. Sử dụng khăn mới hoặc khăn đã tiệt trùng. Đun sôi một miếng vải bông mềm hoặc giặt trong nước ấm và xà phòng để đảm bảo nó sạch.

  • Đun sôi 2 đến 3 cốc nước.
  • Để nước nguội cho đến khi ấm hoặc ở nhiệt độ phòng.
  • Thêm 1 thìa cà phê muối ăn và khuấy đều.
  • Ngâm miếng gạc vào dung dịch muối.
  • Vắt bớt nước.
  • Chườm nhẹ khăn lên da.
  • Lặp lại nhiều lần trong ngày, thay khăn sau mỗi lần sử dụng.

4. Sử dụng nha đam

Gel nha đam có thể giúp làm lành da nhanh hơn. Nó cũng làm mát, có thể giúp làm dịu ngứa, mẩn đỏ và sưng tấy. Nghiên cứu cho thấy gel nha đam cũng có thể giúp ngăn chặn một số loại vi khuẩn gây nhiễm trùng. Tìm loại gel nha đam nguyên chất không pha thêm nước hoa và các hóa chất khác. Bôi gel nha đam lên da sau khi làm sạch vùng da bằng xà phòng và nước.

5. Rửa bằng oxy già

Bạn có thể tìm thấy oxy già ở các hiệu thuốc gần nhà. Oxy già có thể giúp loại bỏ một số vi khuẩn và nấm gây viêm nang lông.

  • Pha loãng oxy già với nước sạch, nước cất hoặc sử dụng trực tiếp.
  • Thấm hỗn hợp này vào bông rồi thoa lên da.  Bạn có thể sử dụng một bình xịt nhỏ cho các khu vực lớn hơn.
  • Để cho khu vực này khô và thoa lại nếu cần.

Tránh sử dụng oxy già trên những vùng da khỏe mạnh vì bạn có thể vô tình tiêu diệt luôn cả các vi khuẩn “tốt” trên da. Một số vi khuẩn tốt sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn gây viêm nang lông.

6. Bôi kem kháng sinh

Kem, gel và thuốc mỡ kháng sinh không kê đơn có thể giúp làm sạch một mảng nhỏ viêm nang lông. Tìm các loại kem kháng sinh bôi lên vết cắt và vết xước. Thoa kem bằng tăm bông sạch, mới. Tránh sử dụng quá nhiều kem kháng sinh và chỉ sử dụng khi cần thiết. Cũng như oxy già, kháng sinh cũng có thể tiêu diệt cả các vi khuẩn tốt cho da và cơ thể của bạn.

7. Dùng kem dưỡng da chống ngứa

Kem chống ngứa không kê đơn có thể giúp làm dịu các triệu chứng viêm nang lông. Những loại kem này thường chứa hydrocortisone, một loại steroid giúp giảm ngứa, sưng và đỏ. Bôi một lớp mỏng kem steroid hoặc kem dưỡng da lên vùng da bị viêm nang lông. Rửa tay sau khi sử dụng. Hydrocortisone là một loại thuốc, vì vậy chỉ sử dụng theo chỉ dẫn.

8. Thử quấn khăn ướt

Liệu pháp quấn ướt là một cách giúp giảm ngứa và kích ứng da. Các bác sĩ da liễu khuyên dùng liệu pháp tại nhà này cho những người bị chàm và các chứng phát ban trên da khác. Biện pháp này cũng có thể được sử dụng để giúp giảm các triệu chứng viêm nang lông như ngứa. Không gãi vùng da bị ngứa có thể giúp đẩy nhanh quá trình chữa lành. Quấn ướt cũng có thể giúp ngăn ngừa tình trạng viêm nang lông trở nên trầm trọng hơn hoặc lây lan sang các vùng cơ thể khác. Bạn có thể sử dụng thuốc mỡ kháng sinh hoặc kem dưỡng da chống ngứa trước.

  • Rửa sạch khu vực và tay của bạn bằng nước xà phòng ấm.
  • Cắt một miếng vải cotton sạch thành dải hoặc dùng băng gạc - loại dùng để băng vết thương.
  • Đổ nước vô trùng (hoặc nước đun sôi để nguội) vào bát.
  • Nhúng bông hoặc băng gạc vào nước.
  • Vắt hết nước và đắp lên vùng da của bạn.
  • Lặp lại cho đến khi hết toàn bộ vùng da bị viêm nang lông.
  • Quấn thêm một lớp băng khô ngoài lớp khăn ướt để cố định.
  • Để trong tối đa 8 giờ.

Tháo băng và sử dụng vải hoặc gạc mới nếu bạn muốn băng lại phần quấn ướt.

9. Tránh cạo râu

Một số loại viêm nang lông,  xảy ra sau khi cạo lông. Điều này có thể xảy ra khi cạo râu trên mặt, trán hoặc cơ thể. Cạo râu có thể gây kích ứng da và làm hở các nang lông. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Tránh cạo cho đến khi hết viêm nang lông. Khi cạo râu, hãy dùng lưỡi dao sạch và sắc bén mỗi lần. Làm sạch vùng da bằng nước ấm, xà phòng trước và sau khi cạo râu.

10. Ngừng tẩy lông

Một số loại tẩy lông như waxing có thể làm nang lông mở ra quá nhiều. Điều này có thể dẫn đến lông mọc ngược và nhiễm trùng da như viêm nang lông. Tránh tẩy lông vùng bị viêm nang lông. Thay vào đó, hãy thử các loại phương pháp tẩy lông khác như kem làm rụng lông.

11. Thử tinh dầu

Các nghiên cứu y học cho thấy một số loại tinh dầu có đặc tính kháng khuẩn và kháng nấm. Một số loại tinh dầu có thể hoạt động chống lại vi khuẩn và nấm gây viêm nang lông. Tinh dầu không được thoa trực tiếp lên da của bạn. Pha loãng tinh dầu bằng cách thêm một vài giọt vào dầu nền hoặc kem dưỡng ẩm. Tinh dầu có tác dụng mạnh, vì vậy nếu sử dụng trực tiếp hoặc quá nhiều có thể gây kích ứng da.

Các loại tinh dầu có thể giúp điều trị nhiễm trùng da như viêm nang lông bao gồm:

  • dầu quế
  • dầu chanh
  • tinh dầu đinh hương
  • dầu cây chè
  • dầu hoa cúc
  • dầu Bạch đàn

Tránh dùng tinh dầu nếu bạn đang mang thai hoặc đang cho con bú. Chúng có thể không an toàn cho trẻ sơ sinh.

12. Tẩy lông bằng laser

Mặc dù không hoàn toàn là phương pháp điều trị tại nhà, nhưng việc triệt lông trên cơ thể vĩnh viễn có thể giúp bạn hạn chế số lần tẩy/cạo lông, từ đó giúp ngăn ngừa viêm nang lông. Một số liệu pháp laser không phù hợp nếu bạn có làn da sẫm màu hoặc rám nắng. Nói chuyện với bác sĩ da liễu của bạn về phương pháp tẩy lông bằng laser phù hợp với bạn.

Các phương pháp điều trị tại nhà chỉ có thể điều trị viêm nang lông ở mức độ nhẹ. Bạn sẽ cần điều trị y tế nếu tình trạng viêm nang lông nặng hơn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top