5 lầm tưởng nguy hiểm về kem chống nắng

Kem chống nắng cần thiết như thế nào?

Trước khi đến với các lầm tưởng, bạn cần hiểu kem chống nắng cần thiết như thế nào. Kem chống nắng cần thiết cho tất cả các mùa, đặc biệt là mùa hè khi đây là thời điểm chúng ta tiếp xúc với ánh nắng mặt trời gay gắt nhất, cần phải dùng kem chống nắng từ đầu đến chân là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo khảo sát gần đây trên 1.000 người trưởng thành ở Hoa Kỳ cho thấy rằng, có 80% số người biết rằng nên thoa kem chống nắng 02 giờ một lần, nhưng chỉ có 33% là làm như vậy. Hơn nữa, có tới 42% hoàn toàn tránh thoa lại kem chống nắng hoặc chỉ thoa lại khi da bị ướt.

Tuy nhiên, đây lại là những sai lầm rất lớn. Nếu chúng ta không che chắn cơ thể bằng quần áo có khả năng bảo vệ tia UV, thì kem chống nắng là điều bắt buộc để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư da, cũng như giảm thiểu các tác hại của ánh nắng mặt trời dẫn đến các dấu hiệu lão hóa (ở bất kể màu da nào). Vẫn có rất nhiều người hiểu lầm về kem chống nắng, và những lầm tưởng đó mang đến khả năng bảo vệ kém hơn, thậm chí là vô hiệu khi sử dụng.

Dưới đây là các lý giải về những lầm tưởng phổ biến nhất về kem chống nắng, bên cạnh đó là sự thật.

Lầm tưởng 1: Chỉ số SPF càng cao, càng có thể dùng trên da lâu hơn trước khi cần được thoa lại.

Sự thật: Cho dù bạn sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF 30 hay SPF 100, bạn vẫn cần phải thoa lại ít nhất 02 giờ một lần. Đó là bởi vì SPF đề cập đến lượng tia nắng mặt trời mà kem chống nắng lọc ra, chứ không phải thời gian nó tồn tại trên da trong bao lâu. Lý do kem chống nắng chỉ kéo dài hai tiếng đồng hồ là vì ánh nắng mặt trời và độ ẩm sẽ phá vỡ hoặc rửa trôi một số hóa chất bảo vệ da, do vậy cần thoa kem đều đặn đảm bảo tác dụng đầy đủ của kem.

Trung bình, mọi người chỉ thoa kem chống nắng bằng khoảng 1/3 so với mức khuyến nghị khi tính theo chỉ số SPF. Nếu không lưu ý và bỏ qua điều này, việc bạn thoa kem SPF 30 có thể chỉ cung cấp cho bạn sự bảo vệ tương đương thoa SPF 10. Do vậy nếu cần lượng kem che phủ toàn thân, bạn cần lượng kem lớn cỡ đổ đầy một ly thủy tinh/hoặc hãy chọn loại kem có SPF từ 50 trở lên.

Lầm tưởng: Cửa sổ ô tô chắn nắng.

Sự thật: Cửa kính chắn gió phía trước của ô tô thường được làm bằng kính nhiều lớp, có tác dụng ngăn chặn tia UVB và UVA, nhưng cửa sổ bên và cửa sau không phải lúc nào cũng như vậy. Điều đó có nghĩa là đối với các loại xe không có hoàn toàn là kính lọc tia UV, các lớp kính chỉ có thể ngăn chặn tia UVB mà không chặn được tia UVA – loại tia có khả năng đi sâu hơn vào trong da.

Trong một nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Học viện Da liễu Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người lái xe có nhiều khả năng bị ung thư da ở bên trái (phía lái xe tiếp xúc với ánh nắng mặt trời từ cửa sổ gần hơn) cơ thể của họ. Trên thực tế, 74% bệnh nhân u hắc tố ác tính có khối u ở bên trái, so với 26% ở bên phải.

Giải pháp được các chuyên gia khuyên vô cùng đơn giản: nếu ngồi trong xe lâu, hãy thoa kem chống nắng hoặc mặc quần áo bảo hộ như áo sơ mi dài tay, cũng như sử dụng các loại kính râm có lớp phủ bảo vệ khỏi tia UVA và UVB giúp chống chói và giúp bảo vệ khỏi bệnh đục thủy tinh thể.

Lầm tưởng: Kem chống nắng sẽ làm giảm lượng vitamin D của cơ thể.

Sự thật: các chuyên gia cho biết một lượng nhỏ tia UVB xuyên qua kem chống nắng cũng đủ giúp cơ thể sản xuất vitamin D. Vitamin từ ánh nắng mặt trời này rất quan trọng đối với sức khỏe của xương và đóng một vai trò quan trọng trong mọi hoạt động, từ chức năng miễn dịch đến chức năng cơ.

Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể bổ sung vitamin D thông qua chế độ ăn uống. Các loại thực phẩm giàu vitamin D bao gồm cá hồi, cá ngừ, trứng và ngũ cốc được tăng cường vitamin D; nước cam, sữa đậu nành, sữa yến mạch hay sữa bò... Nếu cơ thể bị thiếu vitamin D, các chuyên gia dinh dưỡng có thể đề nghị bổ sung vitamin D hàng ngày (với liều 600 IU đến 800 IU thường là mức khởi đầu hợp lý).

Lầm tưởng: Có thể tự làm kem chống nắng tại nhà.

Sự thật: Kem chống nắng thương mại được quản lý rất chặt chẽ về độ an toàn, tính hiệu quả và chất lượng trong công thức. Ngược lại, các sản phẩm tự chế không thể đánh giá hay kiểm duyệt những yếu tố đó. Bạn sẽ không thể kiểm tra mức độ SPF của một sản phẩm tự làm và các thành phần bên trong có hiệu quả hay không, cũng như tin tưởng sản phẩm không trộn lẫn các thành phần có hại hay là các sản phẩm giả.

Tuy nhiên, nếu bạn lo lắng về các thành phần cụ thể trong kem chống nắng có thể ngấm vào da, hãy tìm thử các loại kem chống nắng có chứa kẽm oxide hoặc titanium dioxide, chúng sẽ lưu lại trên da lâu hơn và làm chệch hướng tia nắng mặt trời chiếu vào. Các hợp chất này không hấp thụ vào da, và bạn không phải lo lắng về việc nó ngấm vào trong da.

Lầm tưởng: Kem chống nắng quan trọng đối với trẻ em hơn người lớn.

Sự thật: Đúng là nếu hồi bé bạn càng bị cháy nắng nhiều, đó sẽ là một yếu tố nguy cơ đặc biệt của ung thư da khi bạn trưởng thành, đặc biệt là ung thư hắc tố da. Bằng chứng cho thấy mỗi lần tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá mức cho phép, nguy cơ ung thư da càng tăng.

Các đánh giá cho thấy trong hầu hết chúng ta, chỉ có khoảng 25% tiếp xúc với tia cực tím trong cuộc đời ở độ tuổi 20, do đó có rất nhiều thời gian để tránh các vấn đề có hại trong những năm sau này. Thời gian về sau, việc tiếp xúc với ánh nắng mang đến các nguy cơ tương tự, với khả năng tăng lên tương đương. Điều này đồng nghĩa với việc người lớn cũng nên được bảo vệ bằng kem chống nắng khi ra nắng, tương tự như trẻ nhỏ. 

Nhìn chung, nên chọn các loại kem chống nắng có phổ rộng, nghĩa là nó ngăn chặn cả tia UVB (tác nhân gây bỏng da) và tia UVA (tác nhân làm lão hóa da). Tất nhiên, cả hai loại tia đều có thể gây ung thư da.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top