✴️ Những vị thuốc thay thế Xuyên Sơn Giáp

Nội dung

Xuyên Sơn Giáp là vẩy phơi khô của con Tê Tê hay còn gọi là con Trút, là vị thuốc được dùng trong phạm vi nhân dân và được lưu truyền từ xưa đến nay. Theo tài liệu cổ Xuyên Sơn Giáp có vị mặn, tính hơi hàn, có độc vào hai kinh Can và Vị. Xuyên Sơn Giáp có tác dụng tán huyết thông lạc; tan ung nhọt; lở loét; tắc tia sữa; đau nhức các khớp xương, đầu xương. Tuy nhiên, hiện tại Tê Tê là loại động vật có nguy cơ tuyệt chủng, nhà nước và các tổ chức bảo vệ động vật trên thế giới khuyến cáo không nên dùng vẩy Tê Tê nhằm để bảo tồn loại động vật quý hiếm này.

 

Bào chế: 

  • Theo Trung Y: Nướng phồng, đốt cháy, tẩm giấm, mỡ, nước tiểu của trẻ em rồi đem nướng hoặc sao với bột hến hoặc đất tùy thích.
  • Bản Thảo Cương Mục: Không được dùng sống.
  • Theo Y học cổ truyền Việt Nam: Ngâm Xuyên sơn giáp với 5 lít nước và 20 gam vôi tôi trong 1 ngày. Sau đó, lấy ra xóc rửa nhiều lần cho sạch. Dùng vảy đã được làm khô đem rang với cát cho nóng, sao phồng lên rồi cho vào trong lọ, đậy kín nắp. Khi dùng, lấy ra một ít đem tấm với giấm (cứ 100 kg vảy tê tê dùng 40 kg giấm) hoặc nước tiểu của trẻ em (tùy theo đơn), giã nhỏ hoặc tán bột với các vị thuốc khác làm viên.
  • Viện Đông Y: Rửa sạch, tấm với giấm, sao phồng cho đến khi vàng đều (đây là cách dùng phổ biến).

 

Theo y học cổ truyền, vị thuốc có tác dụng:

  • Hoạt huyết
  • Thông kinh
  • Trừ lạc.

Với đặc tính dược lý trên, xuyên sơn giáp được ứng dụng để chủ trị các chứng:

  • Kinh bế, phong thấp, tý thống, trưng hà.
  • Làm thông tia sữa, tắc sữa, ít sữa, không có sữa.
  • Tiêu thũng bài nùng: trị chứng loa dịch, ung nhọt mới phát hoặc có mủ nhưng chưa vỡ.
  • Tê cứng, đau nhức
  • Sốt rét do đờm tích.

Qua tham khảo các tài liệu như Hải Thượng Lãn Ông, Nam Dược Thần Hiệu, Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của Giáo sư Đỗ Tất Lợi. Bác sĩ CKI Hồ Minh Hùng và các bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đã chọn lọc một số vị thuốc có tác dụng thay thế như:

  • Chữa tán huyết thống lạc có thể dùng: Tô mộc, Tục đoạn, Đan sâm, Đào nhân, Cỏ nến, Nghệ, Ngưu tất, Nghệ đen, Hồng hoa, Ích mẫu, Mã tiền thảo,…;
  • Chữa tan ung nhọt có thể dùng: Huyền sâm, Tam thầm, Đan sâm, Thạch sùng, Nghệ,…;
  • Chữa trúng phong có thể dùng: Tục đoạn, Tần giao, Hồng hoa, Hoàng liên, Hoàng cầm, Chi tử, Uất kim, Hy thiêm, Bồ kết, Kinh giới, Bạc hà,…;
  • Thông tia sữa có thể dùng: Tục đoạn, Mè, Tang ký sinh, Rau đay, Mạch môn, Đinh lăng, Mướp, Chó đẻ răng cưa, Cây sộp, Qua lâu nhân, Rau má,…;
  • Chữa đau nhức các khớp xương có thể dùng: Ngưu tất, Đan sâm, Tục đoạn,… 

 

Với những vị thuốc mà các bác sĩ Y học cổ truyền đã tra cứu được, hy vọng người bệnh sẽ có thêm lựa chọn để điều trị bệnh, góp phần bảo vệ Tê Tê khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Nhưng trên hết, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và chỉ định dùng thuốc an toàn, hợp lý.  

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top