Chốc lở là một bệnh nhiễm trùng da rất dễ lây, chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh và trẻ em. Bệnh có biểu hiện là những nốt mụn đỏ trên mặt, đặc biệt là xung quanh mũi và miệng của trẻ, sau đó vỡ ra, rỉ nước trong một vài ngày và đóng vảy. Chốc lở có thể tự hết trong hai đến ba tuần, nhưng điều trị bằng thuốc kháng sinh có thể rút ngắn thời gian của bệnh và giúp ngăn ngừa sự lây lan cho những người xung quanh.
Triệu chứng bệnh chốc lở
Các dấu hiệu và triệu chứng điển hình của bệnh chốc lở là xuất hiện những nốt mụn đỏ, sau đó một vài ngày những nốt này nhanh chóng bị vỡ, chảy dịch hoặc mủ và đóng vảy màu nâu. Mặc dù thường xuất hiện ở xung quanh mặt và mũi nhưng do dễ lây nên chỉ cần đụng chạm hoặc gãi vào vết mụn cũng làm cho bệnh lây sang những nơi khác.
Một dạng khác ít gặp hơn của bệnh chốc lở là chốc lở dạng phỏng. Dạn này chủ yếu xảy ra ở ở trẻ dưới 2 tuổi, gây ra những nốt phỏng nước chứa đầy dịch và không đau, thường ở thân mình, cánh tay và cẳng chân. Da xung quanh nốt phỏng đỏ và ngứa nhưng không loét. Sau đó nốt phỏng sẽ bị vỡ và đóng vảy màu vàng, lâu liền hơn các dạng chốc lở khác.
Dạng nghiêm trọng nhất của bệnh chốc lở là chốc lở mụn mủ, trong đó nhiễm trùng thâm nhập sâu vào lớp bì. Bệnh gây ra những nốt mụn đau chứa đầy dịch hoặc mủ, biến thành vết loét sâu, thường ở cẳng chân và bàn chân. Trẻ có thể bị sưng hạch ở vùng bị bệnh và vết loét sau khi liền có nguy cơ để lại sẹo.
Nếu phát hiện trẻ có những triệu chứng nêu trên, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện hoặc các cơ sở chuyên khoa để kiểm tra và có kế hoạch điều trị ngay.
Nguyên nhân bệnh chốc lở
Hai loại vi khuẩn hay gặp nhất gây chốc lở là tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) và liên cầu (Streptococcus pyogenes).
Trẻ bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh chốc lở khi tiếp xúc với vết loét của người nhiễm bệnh hoặc các đồ vật mà họ đã từng chạm vào như quần áo, khăn trải giường, khăn tắm và thậm chí là cả đồ chơi.
Yếu tố nguy cơ bệnh chốc lở
Các yếu tố làm tăng nguy cơ của bệnh chốc lở bao gồm:
- Tuổi tác: mặc dù bệnh có thể xảy ra với bất kỳ ai nhưng phổ biến nhất là trẻ em từ 2- 6 tuổi.
- Môi trường sống chật hẹp: bệnh chốc lở dễ lây lan trong trường học và các cơ sở chăm sóc trẻ em.
- Thời tiết ấm áp và ẩm ướt: bệnh chốc lở thường gặp hơn trong mùa hè.
- Tham gia một số môn thể thao: việc tham gia một số môn thể thao liên quan đến tiếp xúc da, chẳng hạn như bóng đá hay đấu vật, làm tăng nguy cơ phát triển bệnh chốc lở.
- Da có vấn đề: vi khuẩn gây bệnh chốc lở thường xâm nhập vào làn da qua những chấn thương nhỏ ở da, vết côn trùng cắn hoặc phát ban.
- Người lớn tuổi và người mắc bệnh tiểu đường có hệ miễn dịch suy giảm có nhiều nguy cơ mắc bệnh chốc lở mụn mủ.
Biến chứng bệnh chốc lở
Chốc lở thường là không nguy hiểm, nhưng đôi khi biến chứng có thể xảy ra:
- Sẹo: chốc lở dạng mụn mử thường để lại sẹo.
- Viêm mô tế bào: là một tình trạng viêm lan tỏa, cấp tính của tổ chức liên kết da và tổ chức dưới da gây đau, viêm tấy đỏ, phù nề ở vùng da tổ thương. Nếu không điều trị, viêm mô tế bào có thể nhanh chóng đe dọa tính mạng.
- Vấn đề về thận: một số loại vi khuẩn gây bệnh chốc lở cũng có thể gây ảnh hưởng xấu đến thận.
Chẩn đoán bệnh chốc lở
Bác sĩ thường chẩn đoán bệnh chốc lở bằng cách quan sát những nốt mụn đặc trưng. Trong phần lớn các trường hợp, người bệnh không cần phải thực hiện thêm các xét nghiệm khác nữa. Tuy nhiên nếu nốt mụn, chốc lở không hồi phục cho dù đã được điều trị bằng thuốc kháng sinh, bác sĩ sẽ lấy mẫu chất dịch tiết ra từ các nốt mụn và thử nghiệm xem loại thuốc kháng sinh nào phù hợp. Một số loại vi khuẩn gây bệnh chốc lở đã trở nên đề kháng với những loại thuốc kháng sinh nhất định.
Điều trị bệnh chốc lở
Bệnh chốc lở thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh bôi tại chỗ hoặc kháng sinh đường uống. Trong đó thuốc kháng sinh bôi tại chỗ dạng mỡ hoặc kem có thể bôi trực tiếp lên vết loét. Người bệnh có thể sẽ phải ngâm trong nước ấm hoặc dùng gạc ướt để loại bỏ lớp vảy phủ bên trên.
Kháng sinh đường uống được áp dụng cho các trường hợp có nhiều nốt mụn, vết loét. Đảm bảo vẫn uống đầy đủ liều lượng thuốc kháng sinh được kê đơn cho ngay cả khi các nốt mụn đã lành. Điều này giúp ngăn ngừa tình trạng bệnh tái phát.
Phòng ngừa bệnh chốc lở
Giữ da sạch là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh chốc lở. Xử lý đúng cách các vết trầy xước, vết đốt của côn trùng và các vết thương khác bằng cách rửa sạch vùng bị thương để tránh nhiễm trùng.
Nếu trong gia đình có người bị chốc lở cần lưu ý những điều sau để tránh lây lan:
- Nhẹ nhàng rửa sạch các khu vực bị ảnh hưởng với xà bông nhẹ dưới vòi nước chảy và sau đó băng lại bằng gạc.
- Giặt sạch quần áo, khăn tắm, đồ vải của người bệnh và không để dùng chung với người khác trong nhà.
- Đeo găng tay khi bôi thuốc và rửa tay kỹ sau đó.
- Cắt ngắn móng tay trẻ bị chốc lở để tránh tình trạng trẻ cào gãi.
- Rửa tay thường xuyên.
- Cho trẻ nghỉ ở nhà cho tới khi khỏi bệnh hẳn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh