Điều dưỡng là người trực tiếp thực hiện những y lệnh dùng thuốc cho người bệnh bằng những đường dùng khác nhau (uống, tiêm, đặt, xông,…). Họ cũng chính là người tham gia vào việc cấp phát thuốc và chuẩn bị thuốc cho người bệnh.
Nghiên cứu khoa học về quản lý khi dùng thuốc cho thấy có tỷ lệ sai sót là 60%, trong đó 34% các sai sót là sai thời gian, sai tốc độ, sai liều dùng. Theo Viện Nghiên cứu về các Báo cáo Y Khoa - Mỹ: Sai sót về kỹ thuật (44%), sai sót trong chẩn đoán (17%), thiếu sót trong dự phòng tổn thương (12%), sai sót trong sử dụng thuốc (10%). [1]
Một nghiên cứu của Balas MC, 2004, 37,8% điều dưỡng báo cáo đã từng có lỗi do dùng thuốc và xuýt xảy ra lỗi; trung bình họ từng có 2 - 5 lỗi. Báo cáo này cho thấy của sai sót khi dùng thuốc là sai thời gian(33,6%), sai liều (24,1%) và sai thuốc (17,2%).[6]
Tại Việt Nam, kết quả từ một số nghiên cứu bước đầu cho thấy tỷ lệ sai sót trong dùng thuốc liên quan đến thực hiện y lệnh của điều dưỡng dao động từ 37,7% đến 68,6% liều/lượt thuốc [2], [3], [4].
Sai sót trong dùng thuốc có thể xảy ra tại bất cứ bệnh viện nào. Theo báo cáo năm 2006 "ngăn ngừa lỗi do dùng thuốc" từ Viện Y học của Mỹ, các lỗi này gây tổn hại đến 1,5 triệu người Mỹ mỗi năm với chi phí $ 3,5 tỷ do mất năng suất, tiền lương, và tăng các chi phí y tế. Quản lý thuốc là một quá trình với nhiều bước phức tạp bao gồm quy định, ghi chép, phân phát, quản lý và theo dõi phản ứng của người bệnh. Lỗi có thể xảy ra tại bất kỳ bước nào trong quy trình. Mặc dù nhiều lỗi phát sinh trong giai đoạn quy định, một số bị chặn bởi các dược sĩ, điều dưỡng hoặc các nhân viên khác, lỗi về hành chính chiếm 26% đến 32% tổng số lỗi. Thật không may, hầu hết các lỗi hệ thống không bị chặn. Tiến bộ công nghệ gần đây đã tập trung vào việc giảm sai sót trong quá trình quản lý.[6]
Cho dù bạn là một điều dưỡng viên ở khoa lâm sàng hoặc điều dưỡng tiếp nhận người bệnh ở phòng khám, điều quan trọng là phải hiểu được10 đúng khi dùng thuốc. Kiến thức này luôn luôn cần thiết cho chính bạn hoặc thân nhân trong gia đình bạn. Có nhiều nguy cơ sẽ xảy ra gây hại cho người bệnh thậm chí gây chết người nếu NB uống sai thuốc, sai liều, ….. trước đây chúng ta thường quen với quy định 5 đúng của Bộ Y Tế: Đúng người bệnh, đúng thuốc, đúng đường dùng, đúng thời gian, đúng liều.
Tuy nhiên hiện nay thực hành y tế đã thay đổi cần thêm những biện pháp để ngăn ngừa sai sót khi dùng thuốc cho người bệnh và một trong những cách đó là sự hiểu biết 10 "đúng" khi dùng thuốc:
1. Đúng thuốc.
Kiểm tra và xác nhận đúng tên thuốc, dạng thuốc (siro, viên nén, viên đặt, viên nhộng,…). Lưu ý những thuốc có tên gọi giống nhau hoặc âm giống nhau (look alike, sound alike). Hiểu sai tên thuốc là một trong những lỗi thường xảy ra. Những thuốc tên gần giống nhau có thể phát âm giống nhau và có thể dẫn đến những sai sót khi cho y lệnh miệng. Kiểm tra trong danh sách các thuốc có tên gần giống nhau và âm gọi giống nhau.
Khi lấy thuốc cần kiểm tra: tên thuốc, hàm lượng, đường dùng, hạn sử dụng, sự nguyên vẹn, chất lượng cảm quan của thuốc.
Không được dùng thuốc không có nhãn. Không nên dùng thuốc đã được chuẩn bị cho NB khác. Không nên quản lý thuốc vào lọ mà không dán nhãn hoặc dán nhãn thuốc khác. Trường hợp người bệnh gặp khó khăn về nuốt như NB bị liệt, trẻ em cần thông báo cho bác sĩ biết để thay đổi dạng thuốc phù hợp như: siro, thuốc dạng lỏng,…hoặc bơm ăn qua sonde nhưng thuốc dạng viên nhộng cũng cần thông báo cho bác sĩ.
2. Đúng người bệnh
Thông tin của người bệnh bao gồm tên, tuổi, ngày sinh, cân nặng, dị ứng, chẩn đoán, kết quả xét nghiệm hiện tại và dấu hiệu sinh tồn. Hỏi họ tên của người bệnh, ngày tháng năm sinh, kiểm tra mã ID của NB trên vòng tay nhận dạng trước khi tiến hành bất kỳ điều gì với người bệnh. Cho dù nếu bạn biết tên của người bệnh đó, bạn vẫn cần phải hỏi chỉ để xác minh lại thông tin của người bệnh. Kiểm tra ghi chép về tình trạng dị ứng của NB được ghi chép trong hồ sơ.
Quét mã vạch ở băng đeo tay của người bệnh để xác nhận danh tính có thể giảm thiểu sai sót về thuốc liên quan đến thông tin người bệnh. Nhưng ban đầu, công nghệ mã vạch sẽ tăng thời gian làm việc, phương pháp mã vạch không để lại bằng chứng khi đối chiếu; cũng có thể dẫn đến sai sót nếu băng đeo tay của NB bị thiếu hoặc có thể không dò tìm được, hoặc pin của máy quét bị hết.
3. Đúng liều.
Kiểm tra phiếu sao thuốc và y lệnh của bác sĩ trong bệnh án trước khi thực hiện thuốc. Hãy lưu ý liều dùng khác nhau giữa người lớn và trẻ em. Nếu chưa chắc chắn về bất kỳ thông tin nào (thuốc, hàm lượng, liều dùng,..) cần kiểm tra lại bằng từ điển thuốc.
Sự tính toán liều cần phải được chính xác do vậy để tránh nhầm lẫn người điều dưỡng cần phải lấy thuốc trong môi trường hoàn toàn yên tĩnh, phải chú tâm cao độ, không làm việc gì khác; nên đối chiếu kiểm tra lại sự tính toán của mình bằng cách so với các điều dưỡng khác. Sau khi tính toán liều thuốc chính xác, người điều dưỡng phải biết dùng dụng cụ đo lường chính xác từng ml hay từng giọt một, việc bẻ đôi một viên thuốc nên dùng dụng cụ cắt thuốc cho cân xứng. Với số lượng thuốc quá nhỏ vài giọt ta có thể cho trực tiếp vào miệng người bệnh hoặc cho một ít nước vào ly trước khi cho thuốc vào để tránh thuốc dính vào ly.
4. Đúng đường dùng
Kiểm tra chỉ định về đường dùng thuốc: uống, tiêm bắp, tiêm dưới da, tiêm tĩnh mạch, tiêm trong da, đặt, xông,…bằng từ điển thuốc, hướng dẫn sử dụng thuốc, trên lọ thuốc,…
5. Đúng thời gian và tốc độ
Thực hiện thuốc cho người bệnh đúng thời gian và lưu ý số lần dùng thuốc trong 24 giờ, khoảng cách giữa các lần dùng thuốc, thời điểm dùng thuốc, thời gian đào thải của thuốc. Đảm bảo đúng tốc độ khi tiêm, truyền cho người bệnh.
Điều dưỡng phải biết vì sao một số thuốc được cho y lệnh vào một số giờ nhất định trong ngày. Ví dụ: thuốc lợi tiểu không nên dùng sau 15 giờ vì người bệnh có thể đi tiểu ban đêm gây mất giấc ngủ, hoặc một số thuốc như kháng sinh cần duy trì nồng độ thuốc đều trong máu do phải cách mỗi 8 tiếng hoặc 12 tiếng dùng thuốc một lần. Nếu như ta không thực hiện đúng thì hiệu quả của việc điều trị sẽ giảm và đôi khi sẽ mất tác dụng và có thể gây nặng thêm cho người bệnh
Kiểm tra lại về trình tự của các thuốc sẽ dùng cho người bệnh trước khi tiến hành, điều này rất quan trọng nhất là những toa thuốc hóa trị.
6. Ghi chép đúng
Không được ghi chép vào hồ sơ trước khi dùng thuốc cho người bệnh. Nội dung ghi chép: tên thuốc, hàm lượng, liều dùng, đường dùng, ngày – giờ, chữ ký của điều dưỡng thực hiện, chữ ký của điều dưỡng kiểm thuốc (nếu cần thiết), vị trí tiêm (nếu cần theo dõi tác dụng phụ tại chỗ của thuốc hoặc theo dõi vị trí tiêm).
Phải chắc chắn ghi chép vào hồ sơ đúng thời gian dùng thuốc cho người bệnh và bất kỳ diễn biến gì xảy ra cho người bệnh trong quá trình dùng thuốc cũng phải được ghi nhận trong hồ sơ bệnh án. Điều này hiện nay chúng ta thiếu sót nhiều nhất, nhìn vào phiếu ghi chép điều dưỡng chúng ta thường ghi thực hiện thuốc theo y lệnh mà không ghi thời gian cho người bệnh uống thuốc, hoặc có ghi nhưng thời gian chưa chính xác, điều dưỡng chưa có thói quen theo dõi tác dụng phụ của thuốc, chỉ ghi chép khi có những dấu hiệu dị ứng.
7. Đúng tiền sử bệnh và đánh giá
Điều dưỡng cần biết chắc chắn về tiền sử dị ứng thuốc, tương tác thuốc của người bệnh khi cho người bệnh dùng thuốc. Nên trực tiếp chứng kiến người bệnh dùng thuốc và theo dõi phát hiện kịp thời các bất thường của người bệnh trong khi dùng thuốc.
8. Thăm dò ý kiến và thực hiện đúng sự từ chối dùng thuốc của người bệnh.
Cần thông báo cho các bên chịu trách nhiệm về mặt pháp lý (người bệnh, thân nhân của người bệnh, người giám hộ, …..) có quyền từ chối bất cứ loại thuốc nào sau khi NVYT đã giải thích hết sức cặn kẽ cho người bệnh về tác động của thuốc lên cơ thể họ. Thông báo cho người bệnh, thân nhân của người bệnh, người giám hộ, …. về hậu quả của việc từ chối uống thuốc. Xác minh rằng người bệnh, thân nhân của người bệnh, người giám hộ, …. hiểu tất cả những hậu quả nếu không dùng thuốc.
Điều dưỡng cần báo cáo cho bác sĩ người bệnh từ chối dùng thuốc và ngừng dùng thuốc cho người bệnh nếu bác sĩ quyết định thuốc đó không thực sự cần thiết.
Có ghi chép cụ thể về bác sĩ đã ra y lệnh thuốc và sự từ chối dùng thuốc. Đồng thời cũng phải có giấy xác minh sự từ chối dùng thuốc và các bên chịu trách nhiệm ký xác nhận.
9. Đúng tương tác thuốc- thuốc và lượng giá.
Phải có một bản sao về tiền sử sử dụng thuốc của người bệnh. Xem xét sự tương tác của thuốc sẽ dùng với các thuốc người bệnh đã và đang dùng hoặc các chế độ ăn uống của người mà có thể mang lại một sự tương tác xấu với thuốc được đưa ra. Kiểm tra hạn sử dụng của thuốc trước khi dùng cho NB. Đánh giá hiệu quả của thuốc trên cơ thể người bệnh bằng cách hỏi, khám, theo dõi các kết quả xét nghiệm, so sánh tình trạng lâm sàng của người bệnh trước – sau khi dùng thuốc, xác định thuốc an toàn và phù hợp với NB. Nếu thuốc không an toàn và phù hợp với NB cần thông báo ngay cho bác sĩ đã ra y lệnh và ghi chép điều này vào hồ sơ bệnh án, ghi chép về phản ứng của NB với thuốc, đồng thời cũng ghi chép về việc ngừng sử dụng thuốc đã ra y lệnh để quản lý và trả lại thuốc.
Ví dụ: Kiểm tra lại huyết áp sau ki NB dùng thuốc 30 phút để đánh giá tác dụng của thuốc, đếm lại mạch cho NB sau khi dùng các thuốc tác dụng về mạch, hỏi người bệnh đỡ đau như thế nào sau khi dùng thuốc giảm đau,….
10. Cung cấp đúng thông tin và giáo dục đúng kiến thức cho người bệnh
Cung cấp cho người bệnh biết những lọai thuốc đang dùng, lợi ích và các tác dụng không mong muốn. Yêu cầu người bệnh thông báo cho NVYT biết bất kỳ dấu hiệu dị ứng với thuốc.
Sau khi chúng ta hiểu rõ về 10 đúng trong dùng thuốc, sau đây là hướng dẫn trong quản lý dùng thuốc. Khi có bất kỳ chỉ định thuốc nào, cần hướng dẫn an toàn sử dụng thuốc cho nhân viên y tế:
Đinh Thị Hồng Vân
Phòng KHTH - BV 175
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. TS Lý Quốc Trung, Sai sót trong dùng thuốc
2. Dương Thị Thanh Tâm (2014), Đánh giá an toàn trong thực hành thuốc cho trẻ em tại một cơ sở y tế ở Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Dược học, trường đại học Dược Hà Nội, Hà Nội.
3.Nguyen H. , Nguyen T. , van den Heuvel E. , Haaijer-Ruskamp F. , Taxis K. (2013), "GRP-057 Errors in Medicines Preparation and Administration in Vietnamese Hospitals", Science and Practice European Journal of Hospital Pharmacy:Science and Practice, 20 (Suppl_1), pp. A21.
4.http://nurseslabs.com/10-rs-rights-of-drug-administration/
5.http://www.americannursetoday.com/medication-errors-dont.../
6.http://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK2656/