Vàng da có đặc điểm là vàng da và vàng mắt xảy ra khi các tế bào hồng cầu bị vỡ và sản phẩm là một chất màu vàng có tên là bilirubin sẽ tràn lan khắp cơ thể.
Ở hầu hết trẻ sơ sinh, vàng da là hoàn toàn bình thường và không có nguyên nhân gì đáng lo ngại cả. Trong tuần đầu sau khi sinh, trẻ sơ sinh thường trải qua một khoảng thời gian ngắn mà khi đó các tế bào hồng cầu sẽ vỡ nhanh hơn bình thường, sau khoảng thời gian này, tốc độ vỡ hồng cầu sẽ trở về bình thường.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, vàng da kéo dài có thể là một dấu hiệu của vấn đề nghiêm trọng cần phải được chăm sóc y tế ngay lập tức.
Sau khi sinh, hầu hết trẻ sơ sinh đều có thể chuyển hóa bilirubin một cách dễ dàng và thải qua phân trước khi bilirubin tích tụ quá nhiều. Vì trẻ sơ sinh non tháng có các cơ quan phát triển kém hơn, nên bilirubin thường khó chuyển hóa hơn. Trong trường hợp này, nếu các tế bào hồng cầu bị phá vỡ nhanh hơn lượng bilirubin không được chuyển hóa, có thể dẫn đến sự tích tụ nghiêm trọng gọi là tăng bilirubin máu.
Nếu không được kiểm soát, mức bilirubin cao quá mức có thể gây ra một dạng tổn thương não nghiêm trọng gọi là vàng da nhân não. Vàng da nhân não được nhìn thấy chủ yếu ở trẻ sơ sinh non tháng hoặc ốm yếu, nhưng cũng có thể xảy ra ở trẻ đủ tháng. Các dấu hiệu sớm có thể bao gồm:
• Vàng da hoặc mắt vàng dai dẳng hoặc tiến triển xấu đi
• Mệt nhiều, suy nhược
• Khó ngủ hoặc khó thức giấc
• Các vấn đề liên quan đến việc ăn uống
• Khó chịu quá mức, thường đi kèm với khóc thét
• Mềm hoặc cứng cơ toàn cơ thể
• Các chuyển động mắt không bình thường
• Co thắt cơ bắp
Nếu con bạn xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào trong số những triệu chứng này, hãy đến gặp bác sỹ ngay lập tức. Nếu không được điều trị, vàng da nhân não có thể gây ra tổn thương thần kinh vĩnh viễn, bao gồm mất thính giác, bại não, khuyết tật trí tuệ và thậm chí tử vong.
Nhờ các phương pháp chẩn đoán và điều trị hiện đại, bệnh vàng da rất hiếm khi gây ra chứng vàng da nhân não. Trẻ sơ sinh có nguy cơ vàng da sẽ được theo dõi nồng độ bilirubin chặt chẽ bằng xét nghiệm máu.
Ngoài sinh non, các yếu tố nguy cơ làm tăng bilirubin máu bao gồm:
• Có anh chị em trước đây bị tăng bilirubin máu
• Vết bầm hoặc chấn thương do dụng cụ dùng trong khi sinh
• Đi ngoài phân su chậm
Cách phổ biến nhất để điều trị bệnh vàng da là sử dụng đèn chiếu ánh sáng (còn gọi là đèn bili) giúp cơ thể phá vỡ bilirubin thành dạng mà cơ thể có thể thải ra.
Nếu chiếu đèn không bình thường hóa được mức bilirubin, trẻ có thể cần thay máu, trong đó một phần hoặc toàn bộ máu của trẻ sẽ được lấy đi và thay thế bằng máu của người cho. Thủ thuật này có nhiều nguy cơ và đòi hỏi sự tư vấn chuyên sâu để cân nhắc cả những ưu và khuyết điểm trước khi có sự đồng ý của phụ huynh.
Ở hầu hết trẻ sơ sinh, vàng da là tạm thời và sẽ mất sau khoảng hai tuần. Khoảng 60 đến 80 phần trăm trẻ sơ sinh sẽ trải qua một số mức độ vàng da, mặc dù tình trạng vàng da có thể khó nhìn thấy ở trẻ sơ sinh có làn da sẫm màu.
Để giúp loại bỏ bilirubin, hãy đảm bảo cung cấp cho con bạn đủ chất lỏng dưới dạng sữa mẹ hoặc sữa công thức.
Trẻ sơ sinh nên thay ít nhất sáu tã ướt mỗi ngày, và màu phân của chúng nên thay đổi từ màu xanh đậm sang màu vàng nếu chúng nhận được đủ chất dinh dưỡng.
Trong khi đó, ánh sáng mặt trời trực tiếp không bao giờ nên được sử dụng như một hình thức điều trị tại nhà vì nó có thể gây cháy nắng và thương tích nghiêm trọng cho trẻ.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh