Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn chăm sóc làn da nhạy cảm, dễ bị viêm:
“Hàng rào” bảo vệ da có nhiệm vụ bảo vệ và giữ ẩm cho làn da. Nhiều chuyên gia cho biết, làn da có lớp “hàng rào” kém sẽ dễ bị kích ứng, dễ bị viêm hơn.
Bác sỹ da liễu Mamina Turegano từ Viện Da liễu Sanova Dermatology (Mỹ) giải thích rằng, tình trạng da khô, mất độ ẩm trên da có thể dễ dàng dẫn tới viêm da. “Hàng rào” bảo vệ da bị hư hại cũng cho phép vi khuẩn, các chất gây dị ứng… xâm nhập vào lớp hạ bì dễ dàng hơn, từ đó gây viêm và mẩn đỏ.
Do đó, việc chăm chút cho “hàng rào” bảo vệ da, dưỡng ẩm cho da là rất quan trọng. Bạn có thể dùng các thành phần sau để tăng cường độ ẩm cho da:
- Ceramide: Ceramide là lipid điều chỉnh chức năng của tế bào da. Thiếu hụt ceramide có thể dẫn đến “hàng rào” bảo vệ da bị tổn thương, gây khô da, ngứa và kích ứng.
- Mật ong Manuka: Giúp thúc đẩy hồi phục mô, cân bằng hệ vi sinh vật trên da và cải thiện độ ẩm cho da.
- Vitamin B3: Dưỡng chất này đã được chứng minh có khả năng cải thiện da khi được sử dụng trực tiếp trên da.
- Squalane: Đây là một thành phần tự nhiên của lớp dầu nhờn trên da. Việc bổ sung chất này có thể giúp hồi phục làn da bị kích ứng.
Các chất chống oxy hóa có khả năng giảm stress oxy hóa, giúp chống viêm và cải thiện tình trạng da. Bạn có thể dùng một số thành phần chăm sóc da toàn diện như bột nghệ (có chứa curcumin), các loại dầu thực vật (dầu olive, dầu argan, nghệ tây, dầu hướng dương), rau má…
Người có da nhạy cảm, dễ viêm da nên tránh các chất gây dị ứng phổ biến như nước hoa, thuốc nhuộm tổng hợp, các chất bảo quản như methylparaben. Bạn cũng cần tránh các chất phụ gia khác như phthalate (chất phụ gia làm tăng độ dẻo), các chất tẩy mạnh có chứa sulfate… có thể gây tổn thương tới lớp bảo vệ da.
Một khi “hàng rào” bảo vệ da đã bị tổn thương, các hóa chất, đặc biệt là các loại acid trong các sản phẩm tẩy da chết cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng kích ứng da. Theo đó, nhiều chuyên gia khuyên những người có da nhạy cảm, dễ bị kích thích nên tránh các hóa chất như glycolic, lactic, salicylic, citric trong các sản phẩm tẩy da chết.
Các loại thực phẩm chức năng có thể giúp kiểm soát tình trạng viêm trong cơ thể, từ đó tác động tích cực đến làn da. Bạn có thể trao đổi với bác sỹ về việc bổ sung các loại thực phẩm chức năng có chứa những chất sau:
- Vitamin D: Giúp giảm thiểu sự tăng sinh của các cytokine, một nhóm các protein có thể khởi phát quá trình viêm.
- Probiotics: Giúp kiểm soát các vấn đề như chàm, mụn trứng cá, viêm dị ứng và mẫn cảm. Nguyên nhân là bởi probiotics giúp hỗ trợ hệ vi khuẩn đường ruột và da.
- Tảo lục (Chlorella): Làm giảm viêm trong cơ thể, thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương.
- Củ nghệ: Có khả năng ức chế sản xuất gene gây viêm, ngăn chặn phản ứng viêm.
- Acid béo omega-3: Giúp kiểm soát viêm và giúp các tế bào da khỏe mạnh.
- Collagen: Collagen và elastin là thành phần cấu trúc chính của làn da. Bổ sung collagen đã được chứng minh giúp thúc đẩy quá trình sản sinh các protein tự nhiên trong cơ thể.
Ngoài bổ sung các sản phẩm thực phẩm chức năng, bạn cũng có thể uống trà thảo dược từ rễ cây thục quỳ, cây du trơn (Slippery elm), đông trùng hạ thảo… ở nhiệt độ phòng để khắc phục tình trạng da mẩn đỏ.
Thay vì chỉ tập trung cải thiện làn da từ bên ngoài, bạn còn nên chăm sóc da từ bên trong bằng cách có chế độ ăn uống lành mạnh. Theo đó, những người hay bị mụn trứng cá nên tránh các sản phẩm từ sữa, đường tinh luyện, thực phẩm có chỉ số chuyển hóa đường huyết cao… Đối với người bị chàm (eczema), hãy loại bỏ hoàn toàn sữa và các thực phẩm có chứa gluten trong chế độ ăn.
Liệu pháp ánh sáng đã trở nên phổ biến trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Trong việc chăm sóc da, ánh sáng đỏ được sử dụng để kích thích collagen, thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương và giảm viêm.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, liệu pháp ánh sáng có thể giúp hỗ trợ điều trị vẩy nến. Ngoài ra, các liệu pháp laser cường độ thấp cũng mang lại hiệu quả trong việc chữa lành da và kiểm soát các bệnh liên quan tới tình trạng viêm.
Tình trạng viêm thường được kích hoạt do các vấn đề về tinh thần, ví dụ như lo lắng, căng thẳng quá mức. Những cảm xúc tiêu cực, căng thẳng khiến cơ thể sản sinh cortisol và các kích thích tố khác gây viêm, từ đó ảnh hưởng xấu tới làn da. Đặc biệt, tình trạng dư thừa cortisol sẽ dẫn đến hình thành mụn nội tiết.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh