Một số tổn thương da thường xảy ra ở bệnh nhân HIV

Nhiều người sẽ sử dụng thuật ngữ "phát ban HIV" để mô tả tổn thương da xảy ra do nhiễm trùng mới. Và trong khi phát ban có thể là một dấu hiệu của nhiễm trùng sớm, chỉ có hai trong số năm người sẽ phát triển triệu chứng như vậy.

Thường không có một loại phát ban hoặc một nguyên nhân gây phát ban đơn thuần ở bệnh nhân HIV. Thực tế là phát ban có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của nhiễm trùng. Xác định nguyên nhân - cho dù đó là liên quan đến HIV hay không – cần sự kiểm tra kỹ lưỡng và đánh giá sự xuất hiện, phân bố và tính đối xứng của tổn thương.

  1. Phát ban HIV

Đợt phát ban có thể xảy ra do nhiễm HIV gần đây và thường xuất hiện từ hai đến sáu tuần sau khi bị phơi nhiễm do kết quả của hội chứng nhiễm retrovirus cấp tính (ARS).

Phát ban thường có dạng dát sẩn.

Trong khi nhiều bệnh có thể gây ra tình trạng này, thì ban do ARS thường ảnh hưởng đến phần phía trên của cơ thể, đôi khi kèm theo các vết loét ở miệng hoặc bộ phận sinh dục. Các triệu chứng giống cúm cũng rất phổ biến.

Đợt bùng phát thường xảy ra trong một đến hai tuần. Điều trị ARV nên được bắt đầu ngay lập tức sau khi nhiễm HIV được xác nhận.

  1. Viêm da tiết bã

Viêm da tiết bã là một trong những tình trạng da phổ biến nhất liên quan đến nhiễm HIV, xảy ra ở hơn 80% người mắc bệnh tiến triển. Tuy nhiên, nó cũng thường gặp ở những người bị ức chế miễn dịch vừa phải khi số lượng CD4 dưới 500.

Viêm da tiết bã là một chứng rối loạn viêm da thường ảnh hưởng đến da đầu, mặt và thân. Nó thường xuất hiện trong các vùng da dầu, biểu hiện với màu đỏ nhẹ, vảy da vàng và tổn thương da có vảy. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, nó có thể gây ra nổi mụn xung quanh mặt và sau tai cũng như trên mũi, lông mày, ngực, lưng trên, nách và bên trong tai.

Nguyên nhân của loại phát ban này không hoàn toàn được biết rõ, mặc dù chức năng miễn dịch giảm rõ ràng là một yếu tố quan trọng. Corticosteroid tại chỗ có thể hỗ trợ trong những trường hợp nặng hơn. Những người nhiễm HIV chưa được điều trị nên được cung cấp liệu pháp kháng virus ngay lập tức để giúp duy trì hoặc phục hồi chức năng miễn dịch.

  1. Phản ứng quá mẫn với thuốc

Phát ban có thể xuất hiện do phản ứng dị ứng với một số loại thuốc, bao gồm thuốc kháng vi-rút HIV và kháng sinh. Chúng có xu hướng xuất hiện một đến hai tuần sau khi bắt đầu điều trị, mặc dù chúng có thể biểu hiện chỉ trong một đến ba ngày.

Phát ban có thể có nhiều dạng nhưng phổ biến nhất là dạng sởi. Nó có xu hướng phát triển ở thân mình đầu tiên và sau đó lan đến tay chân và cổ, đối xứng.

Trong một số trường hợp, phát ban cũng có thể có ở dạng dát đỏ hoặc hồng với các mụn nước nhỏ phía trên.

Phản ứng quá mẫn với thuốc đôi khi có thể kèm theo sốt, sưng hạch bạch huyết hoặc khó thở.

Dừng dùng thuốc nghi ngờ thường sẽ giải quyết phát ban trong một đến hai tuần, nếu không biến chứng. Corticosteroid tại chỗ hoặc thuốc kháng histamin uống có thể được kê toa để giúp giảm ngứa.

Ziagen (abacavir) và Viramune (nevirapine) là hai loại thuốc HIV có nguy cơ quá mẫn cao nhất, mặc dù bất kỳ loại thuốc nào đều có khả năng phản ứng như vậy.

  1. Hội chứng Stevens-Johnson

Hội chứng Stevens-Johnson (SJS) là một dạng quá mẫn có khả năng đe dọa đến tính mạng được thể hiện bằng các tổn thương của nó. Tổn thương da là một dạng hoại tử biểu bì độc trong đó lớp trên cùng của da (thượng bì) bắt đầu tách ra khỏi lớp da dưới (lớp trung bì).

Hội chứng Stevens-Johnson được cho là một rối loạn của hệ thống miễn dịch được kích hoạt hoặc do nhiễm trùng, một loại thuốc hoặc cả hai.

Hội chứng Stevens-Johnson thường bắt đầu với sốt và đau họng khoảng một đến ba tuần sau khi bắt đầu điều trị. Các vết loét đau đớn trên miệng, bộ phận sinh dục và hậu môn xuất hiện sớm nhất. Các tổn thương tròn không đồng đều kích thước khoảng 2-3 cm xuất hiện ở mặt, thân mình, các chi và bàn chân. Phát ban thường lan rộng, biểu hiện với các mụn nước hợp thành bọng to với lớp vỏ xung quanh bị vỡ (thường quanh môi)

Điều trị phải được ngừng ngay lập tức khi các triệu chứng xuất hiện. Bạn sẽ cần phải tìm kiếm dịch vụ chăm sóc cấp cứu có thể bao gồm thuốc kháng sinh uống, dịch truyền tĩnh mạch và phương pháp điều trị để ngăn ngừa tổn thương mắt. Hội chứng Stevens-Johnson có tỷ lệ tử vong là 5%.

Viramune (nevirapine) và Ziagen (abacavir) là hai loại thuốc kháng retrovirus có liên quan nhiều nhất đến nguy cơ mắc hội chứng Stevens-Johnson, mặc dù nhiều loại thuốc khác cũng có thể dẫn đến hội chứng này.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top