Những điều cần biết về thuốc nhuộm tóc

Hiện nay, tại các cửa hàng làm tóc, các thợ đều ra sức tìm cách thuyết phục "thượng đế" trẻ nhuộm tóc theo các "model" được in sẵn trong catalogue, với đủ 7 màu của dãy quang phổ. Thế nhưng, không phải ai cũng biết rằng thuốc nhuộm tóc, bất kể loại nào, cũng đều có thể gây hại cho cơ thể. Nhẹ thì gây dị ứng, rụng tóc…, nặng thì ung thư.

Những hoá chất độc hại

Paraphenylenediamin là loại hoá chất thường được dùng trong thuốc nhuộm tóc. Thực nghiệm cho thấy, nếu dính vào da mặt, da đầu trong khi nhuộm tóc, thuốc này có thể gây ung thư da, ung thư vú. Hiện nay, một số nước châu Âu đã cấm dùng hoá chất này. Tại Mỹ, các chuyên gia y tế cũng đã chứng minh rằng Paraphenylenediamin gây dị ứng, chàm, hen, loét dạ dày, làm da mẩn đỏ, nhạy cảm với nắng và có thể gây tử vong nếu ngộ độc nặng.

Theo yêu cầu của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ, nhà sản xuất phải ghi rõ trên bao bì của các chai thuốc nhuộm tóc có chứa Paraphenylenediamin dòng chữ: "Lưu ý : Sản phẩm này chứa một loại hoạt chất có thể thấm qua da và đã được xác nhận là gây ung thư trên súc vật thí nghiệm".

Các chất phụ gia như Propylenglycol và Isopropyl alcohol cũng gây tác hại không nhỏ. Propylenglycol ảnh hưởng tới gan, thận, não, còn Isopropyl alcohol thì có thể gây trầm cảm, nhức đầu.

 

Nhuộm tóc bằng thảo mộc

Người ta có thể dùng các chất nhuộm tự nhiên có trong cây cỏ để thay thế những hoá chất độc hại:

- Hoa trà: Trộn một nắm hoa trà với nước ấm và chanh vắt, ngâm khoảng nửa tiếng rồi bôi lên tóc từ ngọn đến chân. Ủ tóc trong 30 phút, rồi xả lại bằng nước lạnh.

- Cây đại hoàng: Cho 200 g chồi đại hoàng đã phơi khô vào 0,5 l rượu rồi đun đến khi còn lại một nửa. Để nguội, lọc rồi bôi lên tóc.

- Vỏ quả hồ đào: Nghiền vỏ còn xanh của quả hồ đào thành bột, bôi lên tóc khoảng 15-20 phút. Sau đó rửa lại bằng nước.

 

6 điều cần lưu ý khi nhuộm tóc

1. Không được nhuộm tóc khi vùng da ở đầu, mặt, cổ bị tổn thương hay sưng đau.

2. Phụ nữ trong thời gian hành kinh hay trong thai kỳ tuyệt đối không dùng thuốc nhuộm tóc.

3. Khi thuốc vào mắt, cần đến bác sĩ nhãn khoa.

4. Không nên nhuộm tóc một tuần trước và sau uốn tóc.

5. Những loại thuốc nhuộm tóc khi pha quá 30 phút mà chưa sử dụng phải đổ bỏ. Khi pha thuốc, cần tránh dùng các dụng cụ chứa làm bằng kim loại. Khi nhuộm tóc cũng không nên dùng lược chải bằng kim loại.

6. Trước khi nhuộm tóc cần phải thử phản ứng của thuốc trên da. Chấm một đầu nhỏ lên da (bắp tay) rồi để khô tự nhiên sau 48 giờ. Nếu vùng da chấm thuốc bị nổi đỏ, sưng hoặc ngứa thì phải rửa ngay vết thuốc ở chỗ thử và tuyệt đối không nên dùng loại thuốc ấy nữa.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top