Các triệu chứng và biến chứng đi kèm với chẩn đoán bệnh zona có thể khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi của bạn. Nhiều trường hợp dù đã cao tuổi được chẩn đoán mắc bệnh zona nhưng vẫn tiếp tục bị biến chứng do nhiễm virus như viêm não, hội chứng Ramsay Hunt (RHS) -một chứng rối loạn thần kinh hiếm gặp gây liệt mặt và phát ban. Hội chứng Ramsay Hunt do varicella zoster gây ra cùng loại virus gây bệnh zona và thủy đậu.
Bất cứ ai đã khỏi bệnh thủy đậu đều có thể bị bệnh zona, kể cả trẻ em và thanh niên. Tuy nhiên, nguy cơ phát triển bệnh zona tăng lên khi bạn già đi. Những người bị bệnh zona có thể gặp các biến chứng khác như đau dây thần kinh sau zona (PHN), là tình trạng đau rát ở dây thần kinh và da. Người bệnh cũng có nguy cơ bị biến chứng về mắt, viêm phổi, các vấn đề về thính giác, viêm não và thậm chí tử vong.
Những biến chứng của zona tăng lên khi bạn già đi và có thể kéo dài hơn so với các biến chứng ở người trẻ mắc bệnh zona. Ví dụ, một người lớn tuổi bị bệnh zona có nhiều khả năng đau dây thần kinh sau zona PHN và bị đau dữ dội hơn.
Người lớn tuổi (50 tuổi trở lên): Nguy cơ phát triển bệnh zona và các biến chứng của bệnh tăng lên theo độ tuổi, đặc biệt là sau tuổi 50. Khoảng một nửa số trường hợp mắc bệnh zona xảy ra ở người lớn từ 60 tuổi trở lên. Nguy cơ mắc bệnh zona tăng lên ở tuổi 70. Người lớn tuổi cũng có nhiều khả năng bị phát ban lâu hơn, đau dữ dội và đau dây thần kinh sau zona.
Người lớn ở độ tuổi trung niên (30 đến 50): Người lớn từ 30 - 50 tuổi vẫn có thể mắc bệnh zona, tuy nhiên, nguy cơ thấp hơn và hiếm gặp hơn so với người lớn tuổi. Người trung niên trong độ tuổi 30 - 50 tuổi cũng có thể gặp các biến chứng liên quan đến bệnh zona, nhưng chúng thường ít phổ biến hơn ở nhóm tuổi này.
Thanh niên (20 - 30 tuổi): Bệnh zona và các biến chứng của bệnh ít phổ biến hơn ở những người trẻ tuổi so với người lớn tuổi. Tuy nhiên, một số người trong độ tuổi này có thể bị bệnh zona, đặc biệt nếu họ có các yếu tố nguy cơ cụ thể như: hệ thống miễn dịch suy yếu hoặc tình trạng sức khỏe tiềm ẩn.
Lý do chính khiến một số người có nguy cơ mắc bệnh zona cao hơn và gặp nhiều biến chứng hơn những người khác là do hệ thống miễn dịch của họ bị suy yếu do tuổi tác. Tuy nhiên, một số tình trạng sức khỏe hoặc phương pháp điều trị làm suy yếu hệ miễn dịch cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh zona và biến chứng ở tất cả các nhóm tuổi.
Bạn càng lớn tuổi và càng bị suy giảm miễn dịch thì nguy cơ mắc bệnh càng cao. Nếu bạn bị ung thư hoặc bạn đang dùng steroid, bị bệnh bạch cầu, ung thư hạch hoặc nếu bạn được cấy ghép nội tạng, những điều đó cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh zona của bạn.
Một lý do khác khiến bệnh zona có xu hướng tác động khác nhau đến các nhóm tuổi nhất định, đặc biệt là người lớn tuổi là do bị nhiễm thủy đậu trước đó. Khi ai đó bị thủy đậu, họ sẽ dễ bị bệnh zona hơn sau này vì cả bệnh zona và thủy đậu đều do cùng một loại virus gây ra, được gọi là virus varicella zoster (VZV). Mặc dù virus không hoạt động trong các tế bào thần kinh sau khi bị nhiễm trùng ban đầu (thủy đậu), nhưng virus có thể hoạt động trở lại ở tuổi trưởng thành, tuy nhiên khi đó virus sẽ phát triển thành bệnh zona chứ không phải thủy đậu.
Khi bạn nhiễm virus varicella zoster, virus có thể không hoạt động nhưng không bao giờ biến mất. Vì vậy đến một lúc nào đó, virus có thể được kích hoạt lại khi hệ thống miễn dịch của bạn yếu. Nếu bạn tiêm vaccine thủy đậu, bạn có thể sẽ không nhiễm virus varicella zoster và nguy cơ mắc bệnh zona. Do đó nguy cơ biến chứng bệnh zona sẽ thấp hơn.
Điều trị bệnh zona cần có sự kết hợp của thuốc kháng virus, thuốc kiểm soát cơn đau và các biện pháp tự chăm sóc.
Thuốc kháng virus: Các loại thuốc kháng virus như acyclovir, valacyclovir và famciclovir có thể điều trị bệnh zona, rút ngắn thời gian và mức độ nghiêm trọng của bệnh, đồng thời giảm thiểu khả năng biến chứng của bệnh nhân. Những loại thuốc này có hiệu quả nhất nếu bạn bắt đầu dùng chúng càng sớm càng tốt sau khi phát ban xuất hiện.
Kiểm soát cơn đau: Các loại thuốc không kê đơn như acetaminophen hoặc ibuprofen có thể giúp giảm bớt sự khó chịu và trong một số trường hợp, thuốc theo toa có thể được sử dụng để kiểm soát cơn đau dữ dội. Ngoài ra, một số loại kem bôi hoặc thuốc mỡ có thể được bôi trực tiếp lên các khu vực bị ảnh hưởng.
Các biện pháp tự chăm sóc: Da ngứa và đau nên chườm mát. Bạn có thể sử dụng các loại kem làm dịu da hoặc tắm bột yến mạch. Điều quan trọng là phải làm sạch khu vực bị nhiễm bệnh và tránh gãi càng nhiều càng tốt để ngăn ngừa nhiễm trùng thứ cấp. Kiểm soát căng thẳng và nghỉ ngơi nhiều cũng có thể giúp thúc đẩy quá trình chữa bệnh và hỗ trợ hệ thống miễn dịch của cơ thể phục hồi.
Điều quan trọng cần lưu ý là mặc dù các biện pháp này có thể giúp kiểm soát bệnh zona, nhưng bệnh nhân vẫn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và có kế hoạch điều trị cụ thể.
Cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa bệnh zona là tiêm vacine tái tổ hợp có tên là Shingrix. Vaccine cũng có thể giúp ngăn ngừa chứng đau dây thần kinh sau zona. Các chuyên gia khuyến nghị bạn nên tiêm 2 liều vaccine để ngăn ngừa bệnh zona và các biến chứng liên quan khác ở người lớn từ 50 tuổi trở lên. Vaccine cũng được khuyến nghị cho những người từ 19 tuổi trở lên có hệ thống miễn dịch suy yếu do bệnh tật hoặc do điều trị.
2 liều vaccine cũng được chứng minh là có hiệu quả trong việc ngăn ngừa chứng đau dây thần kinh sau zona PHN. Nó có hiệu quả 91,2% ở những người từ 50 tuổi trở lên và 88,8% ở người lớn từ 70 tuổi trở lên. Bên cạnh việc tiêm phòng, mọi người có thể ngăn ngừa bệnh zona bằng cách duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh bằng cách ăn một chế độ ăn uống cân bằng giàu trái cây, rau, ngũ cốc và protein, tập thể dục và ngủ đều đặn, kiểm soát căng thẳng và tránh những thói quen không lành mạnh như uống quá nhiều rượu và hút thuốc.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh