Viêm tai giữa là gì?
Viêm tai giữa là tổn thương và viêm nhiễm xuất hiện trong tai giữa do các loại vi khuẩn sinh sôi và phát triển trong tai hoặc từ bên ngoài môi trường xâm nhập vào gây nên. Hiện tượng viêm tai giữa cấp tính có thể chuyển dần thành viêm tai giữa có mủ, chảy mủ hoặc thành dịch nếu không có biện pháp xử lý đúng cách.
Thông thường, triệu chứng viêm tai giữa thể hiện thông qua việc bệnh nhân thường xuyên bị đau nhức tai, khó chịu trong tai, mệt mỏi, ù tai, giảm thính lực… Trong trường hợp tai xuất hiện mủ và những mủ này không được xử lý thì có thể gây ra thủng màng nhĩ. Còn nếu bạn bị viêm tai giữa thanh dịch thì có nguy cơ cao sẽ bị xơ dính chuỗi xương con.
Tại sao viêm tai giữa dễ tái phát?
Việc điều trị tùy thuộc vào giai đoạn của viêm tai giữa. Viêm tai giữa cấp thường được chia làm ba giai đoạn: giai đoạn sung huyết, giai đoạn ứ mủ và giai đoạn vỡ mủ. Tùy từng giai đoạn bệnh mà bác sĩ sẽ có những chỉ định điều trị phù hợp. Tuy nhiên, rất nhiều bệnh nhân gặp phải tình trạng viêm tai giữa tái phát nhiều lần, nguyên nhân có thể do:
-
Phát hiện bệnh muộn khiến bệnh trở nặng gây khó khăn trong chữa trị
-
Điều trị không đúng cách cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng viêm tai giữa tái phát
-
Điều trị không triệt để là vấn đề nhiều người mắc phải, không tuân thủ theo chỉ định bác sĩ khi thấy hết triệu chứng là dừng thuốc khiến bệnh chưa khỏi hoàn toàn khiến tái phát nhanh chóng
-
Không chăm sóc đúng cách, người bệnh sau điều trị không thăm khám theo dõi định kỳ theo đúng lịch và không tuân thủ về lưu ý sinh hoạt phòng ngừa bệnh hiệu quả khiến bệnh tiếp tục tái phát.
Điều trị viêm tai giữa như thế nào?
Việc điều trị bệnh viêm tai giữa sẽ tùy thuộc vào từng giai đoạn của bệnh. Viêm tai giữa thường được chia ra làm 3 giai đoạn khác nhau: giai đoạn sung huyết, giai đoạn ứ mủ và giai đoạn vỡ mủ.
Nếu trẻ bị viêm tai giữa ở giai đoạn sung huyết, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị nội khoa bằng thuốc kháng sinh toàn thân, kết hợp với các thuốc chống viêm, chống phù nề, giảm đau, hạ sốt. Đồng thời, bác sĩ sẽ kết hợp với điều trị mũi họng
Nếu viêm tai giữa đã chuyển sang giai đoạn ứ mủ, bác sĩ sẽ cân nhắc phương pháp chích rạch màng nhĩ dẫn lưu mủ cùng với các loại thuốc điều trị toàn thân khác như trong giai đoạn sung huyết.
Nếu trẻ bị viêm tai giữa có phần dịch mủ ứ đọng trong tai giữa sẽ tự phá vỡ phần mỏng nhất của màng nhĩ, chảy ra ngoài qua ống tai ngoài. Với giai đoạn này, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định điều trị bằng thuốc.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh