Rụng tóc ở trẻ sơ sinh có thể do một số tác nhân gây ra, từ nội tiết tố đến tư thế ngủ. Rất hiếm khi rụng tóc ở trẻ sơ sinh có liên quan đến bất kỳ vấn đề y tế nghiêm trọng nào.
Rụng tóc thông thường
Theo các chuyên gia tại Đại học Khoa học và Sức khỏe Oregon, hầu hết tình trạng rụng tóc ở trẻ sơ sinh sẽ xảy ra trong 6 tháng đầu đời, phổ biến nhất là khi trẻ được 3 tháng.
Ở một số trẻ sơ sinh, tóc mọc lại song song với khi tóc rụng, vì vậy bạn có thể không nhận thấy sự khác biệt. Ở những trẻ khác, tóc rụng nhanh chóng, và bạn có thể nhìn thấy rõ ràng khu vực tóc bị rụng trên đầu trẻ. Cả hai trường hợp trên đều bình thường
Bạn cũng có thể nhận thấy các hiện tượng sau:
- Tóc trẻ rụng ra trên tay bạn sau khi bạn xoa đầu trẻ
- Tóc rụng trong bồn tắm hoặc trên khăn tắm sau khi bạn gội đầu cho con mình
- Tóc rụng ở những nơi em bé của bạn tựa đầu, chẳng hạn như cũi hoặc xe đẩy
Nguyên nhân khiến trẻ bị rụng tóc
Hầu hết các nguyên nhân gây rụng tóc ở trẻ khá vô hại và bao gồm:
Rụng tóc Telogen
Trẻ được sinh ra với toàn bộ nang tóc ở trên đầu. Nang tóc là một phần của da mà từ đó các sợi tóc phát triển. Khi mới sinh, một số nang thường ở giai đoạn nghỉ ngơi (được gọi là giai đoạn telogen) và những nang khác đang trong giai đoạn phát triển (giai đoạn anagen). Nhưng một số yếu tố có thể đẩy nhanh giai đoạn telogen, khiến tóc rụng, một trong số những yếu tố đó chính là hormone.
Nhờ có dây rốn, các hormone hoạt động trong cơ thể bạn trong thời kỳ mang thai cũng sẽ truyền qua dây rốn vào cơ thể trẻ khi đang còn là bào thai. Những hormone này khiến trẻ có mái tóc mềm mượt ngay khi sinh ra. Nhưng sau khi sinh, nồng độ những hormone này dần dần giảm xuống, cơ thể trẻ lại chưa thể sản xuất được những hormone này, gây ra tình trạng rụng tóc ở trẻ.
Do ma sát
Trẻ của bạn có thể bị rụng tóc ở phía sau da đầu do tóc cọ xát vào bề mặt cứng của nệm cũi, xe đẩy và sân chơi. (Các chuyên gia khuyên bạn nên đặt trẻ nằm ngửa khi ngủ để giảm nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh hay còn gọi là SIDS.)
Rụng tóc có tính chất này được gọi là rụng tóc chẩm ở trẻ sơ sinh hoặc đơn giản là rụng tóc do ma sát. Những mảng tóc này sẽ mọc lại khi trẻ có thể lăn lộn, thường là vào cuối tháng thứ bảy.
Điều thú vị là trong một nghiên cứu năm 2011 các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng rụng tóc ở trẻ sơ sinh không phải là điều gì đó xảy ra bên ngoài bụng mẹ, mà là một sự kiện sinh lý bắt đầu trước khi sinh. Họ kết luận rằng rụng tóc thường sẽ ảnh hưởng đển trẻ sơ sinh nhiều hơn nếu:
- có mẹ dưới 34 tuổi vào thời điểm sinh
- sinh thường
- sinh đủ tháng
Tuy nhiên, giả định lâu đời rằng trẻ sơ sinh dành toàn bộ thời gian để đầu của chúng dựa vào các bề mặt khác nhau là lời giải thích được chấp nhận nhất cho chứng rụng tóc do ma sát.
Viêm da tiết bã nhờn
Da đầu của trẻ được bao phủ bởi những mảng vảy cứng, đôi khi có dầu trông giống như gàu cứng? Tình trạng này được gọi là viêm da tiết bã nhờn. Các bác sĩ không chắc chắn chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng viêm da tiết bã nhờn, nhưng nhiều người nghi ngờ sự thay đổi của nấm men hoặc nội tiết tố khiến da đầu tiết nhiều dầu hơn.
Dù bằng cách nào thì tình trạng viêm da tiết bã này không gây đau đớn, ngứa ngáy hay lây lan. Viêm da tiết bã không gây rụng tóc nhưng trong nỗ lực loại bỏ lớp vảy cứng đầu, bạn cũng có thể vô tình làm rụng một số lượng tóc nhất định.
Hầu hết các trường hợp viêm da tiết bã nhờn nhẹ sẽ tự biến mất trong vài tuần, mặc dù nó có thể tồn tại trong vài tháng (và vẫn hoàn toàn bình thường và vô hại).
Nấm ngoài da
Bệnh hắc lào (còn gọi là nấm da đầu) do nhiều loại nấm gây ra. Nó có thể gây rụng tóc và thường xuất hiện phát ban đỏ, có vảy, hình vòng tròn trên da đầu.
Theo các bác sĩ tại Viện Nhi đồng Quốc gia ở Washington, D.C., bệnh hắc lào thường không lây nhiễm cho trẻ em dưới 2 tuổi nhưng nó rất dễ lây lan, vì vậy nếu một người trong nhà mắc bệnh, những người khác cũng có thể sẽ bị lây bệnh thông qua việc dùng chung mũ và lược chải đầu
Rụng tóc từng mảng
Đây là một tình trạng dẫn đến các đốm hói loang lổ trên đầu. Rụng tóc từng mảng là do hệ thống miễn dịch bị khiếm khuyết khiến nó tấn công và phá hủy các tế bào tóc khỏe mạnh. Nghiên cứu cho thấy rằng tình trạng này rất hiếm khi xảy ra ở trẻ em dưới 6 tháng, nhưng đã có những trường hợp được báo cáo.
Điều trị rụng tóc ở trẻ em
Các chuyên gia đồng ý rằng việc điều trị là không cần thiết và hầu hết tóc bị rụng trong vài tháng đầu đời sẽ mọc lại trong khoảng thời gian từ tháng thứ 6 đến tháng thứ 12.
Thực sự bạn không thể làm gì để kích thích tóc mọc lại, nhưng nếu bạn nghi ngờ một tình trạng bệnh lý như bệnh hắc lào hoặc rụng tóc từng mảng, hãy đến gặp bác sĩ để được trợ giúp với các lựa chọn chẩn đoán và điều trị cũng như ngăn ngừa rụng tóc thêm.
Bạn có thể giúp giảm thiểu tình trạng rụng tóc do ma sát bằng cách cho trẻ nằm sấp nhiều hơn nhưng hãy luôn đặt trẻ nằm ngửa khi ngủ cho đến khi trẻ tròn 1 tuổi và trẻ có thể tự mình lăn lộn (từ nằm sấp và nằm ngửa).
Mẹo chăm sóc tóc cho bé
- Sử dụng dầu gội dịu nhẹ dành cho trẻ sơ sinh. Nó ít gây kích ứng da đầu trẻ sơ sinh hơn.
- Không lạm dụng dầu gội cho trẻ. Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, bạn chỉ cần gội đầu cho trẻ từ 2 đến 3 lần một tuần. Gội nhiều hơn sẽ làm tăng nguy cơ khô da đầu của trẻ.
- Đừng chà xát. Lấy một chiếc khăn ướt thấm dầu gội đầu và nhẹ nhàng xoa bóp lên đầu của con bạn.
- Dùng bàn chải lông mềm chải lớp tóc tơ của trẻ nếu bạn muốn loại bỏ vảy gàu. Nhưng đừng thực hiện quá mạnh. Vảy gàu là vô hại và có thể tự biến mất.
Phần lớn trẻ sơ sinh sẽ mọc lại tóc đã mất trong vài tháng. Nhưng điều khiến nhiều bậc cha mẹ ngạc nhiên là những lọn tóc mới có thể trông khác với lọn tóc đầu tiên của trẻ. Chẳng hạn, chẳng có gì lạ khi tóc xoăn thành tóc thẳng, sẫm màu thành sáng màu hoặc tóc dày thành mỏng và ngược lại. Di truyền và nội tiết tố sẽ giúp xác định tính chất tóc khi trưởng thành của trẻ.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh