Vì sao bạn có nhiều lông tóc hơn bình thường?

Bạn bị mất cân bằng hormone

Khoảng 8% số phụ nữ bị chứng lông rậm – là tình trạng lông tóc mọc ở những vị trí giống nam giới. Điều này có nghĩa là bạn sẽ mọc lông tại những vị trí mà bạn không mong muốn, ví dụ như trên mặt, bụng, đùi hoặc mông. Theo trường đại học tại trung tâm y tế Maryland, có khoảng một nửa số trường hợp mắc phải chứng này có nguyên nhân là do lượng hormone sinh dục nam (androgen hoặc testosteron) cao. Một nguyên nhân khác, cũng phổ biến không kém là hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang thường sẽ có nhiều lông trên mặt hoặc trên cơ thể bởi đây là tình trạng bệnh khiến cơ thể sản sinh ra nhiều hormone androgen. Vậy, làm thế nào để bạn loại bỏ được tình trạng lông lá của cơ thể mình? Thông thường, những tình trạng mất cân bằng hormone sẽ cải thiện bằng việc điều trị, bao gồm việc dùng thuốc để điều chỉnh chức năng buồng trứng và làm giảm lượng androgen mà buồng trứng tiết ra. Thuốc ưu tiên hàng đầu dùng để điều trị tình trạng này là viên tránh thai hàng ngày. Nếu thuốc tránh thai không có tác dụng, bạn có thể sử dụng các loại thuốc kháng androgen khác. Tuy nhiên, bạn khôgn nên sử dụng các loại thuốc này trong trường hợp bạn đang mong muốn có thai, bởi những thuốc này có thể sẽ gây ra các dị tật bẩm sinh.

 

Bạn bước vào giai đoạn mãn kinh

Kể cả khi lượng hormone trong cơ thể bạn được giữ ở mức cân bằng, thì tình trạng cân bằng này cũng không thể kéo dài mãi mãi. Theo Hiệp hội về Sức khỏe sinh sản Mỹ (ASRM), khi lượng estrogen giảm xuống trong giai đoạn mãn kinh, thì lượng androgen, kể cả có ở ngưỡng bình thường, thì vẫn có thể sẽ gây ra những phản ứng phụ, ví dụ như việc rậm lông. Có khoảng một nửa số phụ nữ sẽ phải trải qua những sự thay đổi về phát triển lông tóc trong suốt giai đoạn mãn kinh, bao gồm việc bong da đầu, mọc lông ở vị trí không mong muốn, ví dụ như ở môi trên hoặc cằm. Tình trạng mọc lông có thể nhẹ (với vài sợi lông) nhưng cũng có thể sẽ rất rậm rạp. Lông mới mọc có thể sẽ mềm, nhưng cũng có thể sẽ rất dày và tối màu. Thay thế estrogen có thể sẽ giúp ích cho những phụ nữ bị mọc lông trên mặt trong giai đoạn mãn kinh, nhưng bạn cũng nên trao đổi về phương pháp điều trị này với bác sỹ.

 

Tuyến thượng thận của bạn tăng hoạt động

Nếu bạn bị phát triển lông tóc quá mức một cách bất ngờ, hãy đến găp bác sỹ (sản phụ khoa, bác sỹ nội tiết hoặc bác sỹ da liễu) càng sớm càng tốt để xem liệu có phải bạn bị rối loạn chức năng tuyến thượng thận hay không. Trong hội chứng Cushing, sản phẩm chính của tuyến thượng thận là hormone cortisol sẽ được sản xuất ra nhiều hơn, cùng với đó, lượng androgen giải phóng ra cũng tăng lên theo. Trong bệnh tăng sản thượng thận bẩm sinh, bạn sẽ bị thiếu một loại enzyme giúp sản xuất ra cortisol. Hậu quả là, cortisol sẽ không thể được sản xuất ra và thay vào đó, tiền chất tạo ra cortisol sẽ được chuyển hóa thành androgen, và dẫn đến tình trạng mọc lông quá mức. U tuyến thượng thận (thường không phải là ung thư) cũng có thể dẫn đến tình trạng sản xuất ra quá nhiều androgen. Điều trị tình trạng này bằng cách dùng thuốc hoặc phẫu thuật (trong trường hợp có khối u thượng thận) sẽ giúp bạn lấy lại được sự cân bằng hormone và giảm được tình trạng rậm lông.

 

Bạn tăng cân

Một nguyên nhân khác làm tăng lượng testosterone và dẫn đến tình trạng lông mọc ngoài ý muốn là thừa cân. Béo phì sẽ làm thay đổi cách cơ thể sản xuất và xử lý các hormone. Khi lượng insulin trong cơ thể tăng cao, insulin sẽ kích thích sản sinh ra các hormone nam giới. Béo phì cũng có liên quan với hội chứng buồng trứng đa nang và bệnh tiểu đường, những tình trạng bệnh có thể ảnh hưởng đến lượng insulin. Nhưng tin tốt là việc thay đổi lối sống có thể sẽ giúp bạn duy trì được cân nặng khỏe mạnh của mình. Giảm cân sẽ giúp bạn giảm được lượng hormone nam giới, do đó, có thể làm giảm được tình trạng rậm lông, cải thiện việc kiểm soát đường huyết và cải thiện chức năng sinh sản. Để làm giảm ảnh hưởng của chứng rậm lông, trường Đại học Maryland khuyến nghị một chế độ ăn chứa ít đường tinh luyện và chất béo dạng trans, thay vào đó, giàu các loại thực phẩm chống oxy hóa như rau xanh và trái cây, thịt nạc và dầu tốt cho sức khỏe.

 

Bạn có nang lông nhạy cảm

Nếu mất cân bằng hormone và các vấn đề về tuyến thượng thận không phải là vấn đề của bạn, thì có thể, nguyên nhân của chứng rậm lông chỉ đơn giản là vì bạn có nang lông nhạy cảm. Các thụ thể androgen tại các nang lông của bạn có thể sẽ rất nhạy cảm với bất kỳ lượng androgen thông thường nào lưu thông trong dòng máu. Do vậy, kể cả khi lượng testosterone của bạn ở mức bình thường, các nang lông vẫn sẽ phản ứng quá mức với chúng. Trong trường hợp này, bạn có thể thử các cách loại bỏ lông tạm thời như tẩy lông, cạo lông hoặc thử các biện pháp triệt lông vĩnh viễn như sử dụng laser hay điện phân. Điện phân sẽ nhắm vào từng nang lông cụ thể nên quy trình này có thể sẽ mất rất nhiều thời gian và khiến bạn bỏ cuộc. Trong khi đó, triệt lông bằng tia laser sẽ không có tác dụng trên lông, tóc màu xám, vàng. Kể cả việc nhuộm đen lông hay tóc cũng sẽ không làm liệu pháp tia laser phát huy tác dụng (nếu màu gốc của lông/tóc của bạn là màu vàng, xám) bởi tia laser sẽ nhắm đến các nang ở phía dưới da. Hãy tham khảo ý kiến bác sỹ để tìm ra phương pháp triệt lông phù hợp nhất với bạn.

 

Bạn đang mang thai

Cũng giống như các tình trạng thay đổi hormone khác trong cuộc đời người phụ nữ, mang thai có thể sẽ khiến lông mọc không như ý muốn của bạn. Trong suốt quá trình mang thai, hormone được tăng sản xuất và có thể sẽ khiến lông, tóc của bạn dày hơn, mọc nhanh hơn và tối màu hơn. Tình trạng này không chỉ xảy ra với da đầu mà còn có thể xảy ra với toàn cơ thể. Bụng là một vị trí mọc lông phổ biến trong giai đoạn mang thai. Ngoài ra, lông cũng có thể sẽ mọc ở mặt, vú và đùi. Mặc dù có những lời đồn rằng, nếu lông mọc trên bụng trong khi mang thai thì bạn sẽ sinh con trai, nhưng thực sự, thì sự thay đổi hormone trong thai kỳ không đóng vai trò gì trong việc quyết định giới tính của đứa trẻ cả. Hiệp hội Sản khoa Mỹ cho rằng, đa số các biện pháp triệt lông đều chưa được xác nhận là an toàn với phụ nữ có thai. Do vậy, cạo lông vẫn là một lựa chọn tốt nhất trong giai đoạn mang thai. Hoặc đơn giản hơn, bạn nên đợi cho tới khi em bé được sinh ra, bởi sau khi sinh, lượng lông tóc trên cơ thể sẽ trở về mức bình thường.

 

Bạn đang dùng một số loại thuốc

Nếu bạn đang sử dụng steroid, ví dụ như prednisone hoặc danazol, để điều trị tình trạng lạc nội mạc tử cung, thì việc rậm lông có thể sẽ là một tác dụng phụ của thuốc bởi những loại thuốc này có chiết xuất từ androgen. Một loại thuốc khác, ví dụ như Rogaine (minoxidil) dùng để điều trị rụng tóc cũng có thể sẽ có tác dụng là kích thích lông và tóc mọc ở những vị trí không mong muốn trên cơ thể. Cyclosporine, một loại thuốc điều trị rối loạn miễn dịch và một số thuốc chống co giật cũng có thể sẽ khiến lông tóc mọc rậm rạp hơn. Một khi bạn dừng sử dụng những loại thuốc này, thì lông tóc của bạn cũng sẽ ngừng phát triển. Nhưng khi bạn vẫn đang dùng thuốc, thì bạn buộc phải áp dụng các biện pháp khác để tẩy lông.

 

Bạn có vấn đề về tuyền giáp

Các vấn đề về tuyến giáp thường sẽ liên quan với tình trạng rụng tóc. Nhưng, các bệnh về tuyến giáp cũng có thể sẽ gây ra tình trạng lông tóc phát triển quá mức. Tuy vậy, rậm lông do các vấn đề về tuyến giáp lại khác với tình trạng rậm lông giống nam giới (do thừa androgen). Nói cách khác, với các rối loạn về tuyến giáp, phụ nữ có thể sẽ có lông rậm hơn ở các vị trí bất thường, các vị trí mà cả nam và nữ đều rất ít khi mọc lông ở đó. Rối loạn chức năng tuyến gipá cũng có thể đi kèm với một số vấn đề khác về hormone, ví dụ như tăng lượng prolactine. Bác sỹ sẽ thăm khám kỹ càng và giúp bạn giải quyết vấn đề. Một khi nguyên nhân tiềm ẩn dược giải quyết, lông và tóc cũng sẽ ngừng phát triển.

 

Do di truyền

Không may là, một số nhóm dân tộc sẽ “rậm rạp” hơn các nhóm dân tộc khác, một cách tự nhiên. Ví dụ như những người ở vùng Địa Trung Hải hoặc những người có màu da tối thường cũng sẽ có nhiềi lông hơn, đặc biệt là ria mép và râu quai nón. Bạn không thể thay đổi được các yếu tố về di truyền, do vậy, bạn phải phụ thuộc hoàn toàn vào các biện pháp triệt lông tạm thời hoặc vĩnh viễn. Tuy nhiên, với liệu pháp laser, đích nhắm của laser chính là melanin. Do vậy, có thể những sợi lông tối màu sẽ hấp thu tia laser, nhưng cũng có thể là các sắc tố melanine dưới da sẽ hấp thụ những tia laser này. Hậu quả là, tại một số vùng da, bạn có thể sẽ bị mất đi các sắc tố dưới da. Để tránh phải phản ứng phụ không mong muốn của liệu pháp laser là các mảng da sáng màu hơn trên mặt hoặc cơ thể, bạn nên trao đổi với một bác sỹ có kinh nghiệm trong điều trị laser.

 

Bạn nhổ lông quá mức

Đã có những lời đồn rằng, nếu bạn cao lông, thì lông mọc lại sẽ nhanh hơn và rậm hơn? Thật ra lời đồn này không hẳn là đúng. Cạo lông không ảnh hưởng đến các nang lông dưới da bởi nó chỉ cắt đi phần lông mọc trên bề mặt da. Nhưng, nếu bạn nhổ lông khỏi nang lông, thì lông có thể sẽ mọc lại dày và rậm hơn. Bởi khi dùng biện pháp nhổ, thực ra bạn lại đang kích thích lông mọc trở lại. Bạn có thể sẽ gây tổn thương các nang lông và đáp ứng của cơ thể sẽ là khiến cho lông mọc rậm hơn một chút.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top