Vào viện chỉ vì … gãi
Nguyễn Hữu Trường, Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh ngoài da như viêm da cơ địa, viêm da thần kinh đến khám chữa bệnh thời gian này tăng đáng kể.
Nguyên nhân chính là do thời tiết trong giai đoạn giao mùa, nắng nóng xảy ra đột ngột, cường độ ánh nắng mạnh, cơ thể ra nhiều mồ hôi nên các bệnh mạn tính ngoài da thường bị nặng lên rõ rệt.
Đáng nói, một số trường hợp đến thăm khám bị ngứa “đóng cục”, vết cũ chưa khỏi thì vết mới đã xuất hiện.
Những bệnh nhân này thường làm việc trong môi trường bị ô nhiễm, không kiêng kỵ được dẫn đến tổn thương kéo dài.
Vì sao lại bị viêm da?
Nguyễn Hữu Trường, Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, da là một cơ quan đặc biệt, bao phủ hầu hết bề mặt của cơ thể và tiếp xúc trực tiếp với môi trường sống nên rất dễ bị tổn thương bởi các tác nhân kích thích từ bên ngoài.
Các bệnh lý viêm da không do nhiễm khuẩn (còn được gọi là chàm hoặc eczema) là một trong những biểu hiện bệnh lý ở da thường gặp nhất.
Đây là một nhóm gồm nhiều loại bệnh với các nguyên nhân khác nhau, đặc trưng bởi tình trạng viêm nông trên bề mặt của da, gây ra các biểu hiện ngứa, nề đỏ, nổi mụn nước, khi vỡ gây tiết dịch và đóng vảy.
Các dạng viêm da hay gặp nhất là viêm da tiếp xúc, viêm da cơ địa, viêm da dầu, viêm da thần kinh, tổ đỉa và đỏ da toàn thân. Biến chứng thường gặp nhất của tất cả các thể viêm da này là dày da do gãi nhiều và nhiễm trùng tại các vết trợt loét do vệ sinh kém.
Về nguyên nhân, viêm da chính là một phản ứng của da trước các yếu tố kích thích từ môi trường bên ngoài như nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh, các sang chấn cơ học và hóa học trên da hoặc các loại kháng nguyên gây dị ứng cho da.
Mặc dù các bệnh viêm da không do nhiễm khuẩn đều không nguy hiểm đến tính mạng người bệnh và không lây lan nhưng thường diễn biến rất dai dẳng và gây ra khá nhiều phiền toái cho người bệnh.
Viêm da thần kinh gây ra do tình trạng gãi hoặc chà xát kéo dài tại một vị trí. Bệnh thường xảy ra ở những người trong độ tuổi từ 20 – 50.
Nguyên nhân đầu tiên gây ngứa thường do viêm da tiếp xúc, nhiễm nấm hoặc ký sinh trùng, nhưng sau khi nguyên nhân đã được giải quyết, người bệnh vẫn tiếp tục gãi ở vị trí cũ (có thể do yếu tố tâm lý).
Bản thân động tác gãi có thể làm ngứa tăng lên và càng thúc đẩy người bệnh gãi, hậu quả là làm cho vùng da tại chỗ trở nên dày và nâu sạm (liken hóa). Những đám da này có ranh giới tương đối rõ, thường nằm ở da đầu, cổ, cổ tay, vai, cánh tay và cổ chân.
Làm sao để phòng tránh viêm da?
Việc điều trị các bệnh lý viêm da thường gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian. Cắt ngắn móng tay, mang găng cao su và hạn chế tối đa động tác gãi là điều hết sức quan trọng.
Các loại kem hoặc mỡ corticosteroid bôi tại chỗ có tác dụng tốt giúp làm mềm da. Sử dụng các thuốc an thần hoặc gây ngủ có thể giúp giảm động tác gãi khi ngủ.
Khi thời tiết nóng bức người dân nên chủ động phơi hong chăn màn, giường chiếu, quần áo và các vật dụng khác trong gia đình để côn trùng không còn nơi trú ngụ.
Giữ vệ sinh cá nhân, trời nóng nên tích cực rửa chân tay bằng nước sạch tránh để mồ hôi trên người quá lâu cũng có thể gây ngứa, nhất là các bệnh nhân có tiền sử ngứa theo mùa.
Đồng thời, vệ sinh không gian nhà cửa thoáng mát, sạch sẽ, không nên để các chậu cây cảnh um tùm lá, ẩm ướt trong nhà vì đó cũng có thể là nguồn khởi phát bệnh tật, ruồi muỗi gây bệnh… Bên cạnh đó, mọi người nên uống nhiều nước, ăn hoa quả để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Với những bệnh nhân đã được khám cần dùng thuốc và thăm khám lại theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Khi có những triệu chứng khác lạ phải lập tức báo lại cho bác sĩ để có cách điều trị đúng, kịp thời.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh