Viêm nang lông không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng xấu đến thẩm mỹ. Nhiều người cho rằng đây là bệnh không thể chữa được, người bệnh phải “sống chung với lũ”. Vậy điều này có đúng không?
1. Viêm nang lông là gì?
Nang là nơi mọc ra sợi lông, nằm ở dưới da. Viêm nang lông là tình trạng nhiễm trùng của các nang lông. Bệnh có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, nhưng thường gặp nhất là ở các vị trí ma sát nhiều.
Khi bị viêm nang lông, da sẽ biến đổi giống như “nổi da gà”, các nang lông chứa đầy mủ (mụn mủ), đỏ, ngứa, với một sợi lông/tóc ở trung tâm mụn đỏ đó. Đôi khi mụn này có thể vỡ, chảy dịch màu trong hoặc vàng nhạt.
Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm nang lông là vi khuẩn Staphylococcus Aureus (đa số là tụ cầu trùng). Ngoài ra có thể do vi khuẩn gram âm, Pseudomonas, Proteus…, nấm men, nấm sợi, virut herpes, u mềm lây và ký sinh vật demodex. Một số biến thể của viêm nang lông còn được gọi là viêm nang lông bồn tắm nóng và ngứa đinh râu. Các điều kiện để các vi khuẩn này phát triển đó là:
+ Do rối loạn tuyến dầu: Tuyến dầu hoạt động mạnh quá mức hoặc chất dầu nhiều, gây bức bí và bịt kín nang lông, làm cản trở sự phát triển của sợi lông. Khi lỗ chân lông bị bịt kín sẽ tạo điều kiện cho các vi khuẩn liên cầu hoặc tụ cầu, nấm, virut, ký sinh trùng cư trú tại các lỗ chân lông dẫn đến bệnh viêm nang lông.
+ Do cạo, nhổ hoặc tẩy lông, vệ sinh không đúng cách: Sau khi cạo, nhổ lông khiến lông bị nhiễm trùng dẫn đến tình trạng viêm nhiễm các lỗ chân lông, gây bệnh viêm nang lông.
+ Sử dụng quần áo bó sát bằng sợi tổng hợp, cọ xát mạnh vào da
+ Sử dụng thuốc kháng sinh lâu dài
+ Ngoài ra, rối loạn nội tiết, người ra nhiều mồ hôi, khí hậu nóng, độ ẩm cao, môi trường bị ô nhiễm cũng là các yếu tố tác động trực tiếp lên da dẫn đến hiện tượng viêm nang lông.
+ Những người bị suy yếu hệ miễn dịch như đái tháo đường, suy thận, da bị tổn thương sẵn, dùng thuốc kháng sinh lâu ngày…cũng có nguy cơ cao mắc viêm nang lông hơn người bình thường.
Tin tốt lành là viêm nang lông có thể trị và phòng ngừa được. Vì vậy bạn đừng quá lo lắng. Viêm nang lông nhẹ và trung bình thường mất nhanh chóng, không để lại sẹo nếu điều trị đúng cách. Tuy nhiên, tương tự như các bệnh nhiễm trùng khác, luôn luôn có phần trăm nhỏ bệnh không thuyên giảm mà phát triển trầm trọng hơn.
Viêm nang lông nghiêm trọng có thể dẫn đến nhiễm trùng sâu thành viêm mô tế bào, làm để lại sẹo, nếu ở da đầu có thể dẫn đến rụng tóc vĩnh viễn.
Tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh, bác sĩ sẽ kê một loại kháng sinh uống chẳng hạn như cephalexin hoặc erythromycin. Một loại không thể thiếu trong toa thuốc là thuốc bôi có chứa kháng sinh như erythromycin, clindamycin, hoặc mupirocin. Nếu bác sĩ nghi ngờ viêm nang lông có kèm với nhiễm nấm, bạn sẽ được cạo tìm nấm, để sử dụng thuốc kháng nấm thích hợp.
Có viêm nang lông cấp tính và viêm nang lông mạn tính. Viêm nang lông mạn tính khó điều trị hơn vì kháng sinh thường không đem lại hiệu quả rõ ràng trên các trường hợp mãn tính.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh