Chỉ đạo tuyến là hoạt động gì?
Chỉ đạo tuyến là hoạt động hỗ trợ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới về chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, quản lý nhằm nâng cao năng lực của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới góp phần giảm quá tải tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên.
Tuyến trong thực hiện hoạt động chỉ đạo tuyến được áp dụng theo quy định tại Thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày 11/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo trình tự từ tuyển trên xuống tuyến dưới bao gồm các tuyến 1, tuyến 2, tuyến 3, và tuyến 4.
- Tuyến 1 hay còn gọi là tuyến trung ương bao gồm các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau:
+ Bệnh viện hạng đặc biệt;
+ Bệnh viện hạng I trực thuộc Bộ Y tế;
+ Bệnh viện hang I trực thuộc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc thuộc các Bộ, ngành khác được Bộ Y tế giao nhiệm vụ là tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật.
- Tuyến 2 là tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau đây:
+ Bệnh viện xếp hạng II trở xuống trực thuộc Bộ Y tế;
+ Bệnh viện hạng I, hạng II trực thuộc Sở Y tế hoặc thuộc các Bộ, ngành khác, trừ các bệnh viện đã được xếp vào tuyến I ở trên.
- Tuyến 3 là tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh bao gồm các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau đây:
+ Bệnh viện hạng III, hạng IV, bệnh viện chựa xếp hạng, trung tâm y tế huyện có chức năng khám bệnh, chữa bệnh ở những địa phương chưa có bệnh viện huyện, bệnh xá công an tỉnh;
+ Phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, nhà hộ sinh.
- Tuyến 4 là tuyến xã, phường, thị trấn bao gồm các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau đây:
+ Trạm y tế xã, phường, thị trấn;
+ Trạm xá, trạm y tế của cơ quan, đơn vị, tổ chức;
+ Phòng khám bác sĩ gia đình
Mục đích, ý nghĩa
Hệ thống y tế Việt Nam được xây dựng theo mô hình phân tuyến nên công tác chỉ đạo tuyến là một nhiệm vụ quan trọng của Ngành. Việc triển khai công tác chỉ đạo tuyến nhằm góp phần nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, đưa những dịch vụ kỹ thuật y tế đến gần dân, đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận dịch vụ y tế và đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân, giảm tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến Trung ương.
Quy chế bệnh viện năm 1997 đã quy định Chỉ đạo tuyến về khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh, nghiên cứu khoa học và đào tạo là trách nhiệm của bệnh viện. Luật Khám bệnh, chữa bệnh ban hành năm 2009 cũng quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của tuyến trên có trách nhiệm chỉ đạo, hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của tuyến dưới.
Nhìn chung, công tác chỉ đạo tuyến có ý nghĩa với cả các bệnh viện tuyến trên, bệnh viện tuyến dưới và người sử dụng dịch vụ y tế. Các bệnh viện tuyến dưới không chỉ được nâng cao về tổ chức quản lý, chuyên môn kỹ thuật, khai thác được hết công suất sử dụng trang thiết bị, mà sâu xa hơn là được tăng cường uy tín trong cộng đồng do chữa được nhiều bệnh với chất lượng kỹ thuật tốt hơn. Các bệnh viện tuyến trên có thể giảm được sự quá tải, tăng cường chất lượng dịch vụ, tập trung nguồn lực để cải tiến, khai thác những kỹ thuật chuyên sâu mới phục vụ người bệnh. Cán bộ y tế tuyến trên thông qua hoạt động chỉ đạo tuyến sẽ được hoàn thiện và nâng cao về năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm, hiểu biết thêm về kiến thức xã hội, môi trường làm việc của đồng nghiệp tuyến dưới, văn hóa địa phương, phong tục tập quán, hoàn cảnh sống của người dân. Mối quan hệ đồng nghiệp, thầy trò giữa cán bộ bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới theo đó cũng được tăng cường, gắn kết, đồng cảm. Bên cạnh đó, những người dân với nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh ngày càng cao có thể tìm và sử dụng những dịch vụ y tể có chất lượng ngay tại địa phương mà không cần phải di chuyển lên các bệnh viện tuyến trên