Quy trình thực hiện nghiên cứu khoa học

Các bước thực hiện một nghiên cứu khoa học đã được nhắc đến nhiều trong các tài liệu cũng như các bài giảng về môn nghiên cứu khoa học. Bài viết này được phát triển dựa trên nội dung tài liệu về thực hành nghiên cứu lâm sàng tốt – Đạo đức trong nghiên cứu y sinh hoạc của Bộ Y tế thành một chu trình tương đối đơn giản nhằm giúp những người mới tìm hiểu về nghiên cứu khoa học có thể hình dung được quá trình thực hiện một nghiên cứu như thế nào. Chu trình này gồm 6 bước như sau:

 

   1. Phát triển đề cương và các tài liệu liên quan

Tìm tài liệu là bước đầu tiên và cũng là bước quan trọng giúp người nghiên cứu có cái nhìn tổng quan cả về chiều rộng và chiều sâu của vấn đề mình muốn nghiên cứu. Ở bước này, chúng ta cần tìm đọc tài liệu và tham khảo các nghiên cứu trước đó để hiểu rõ và đưa ra các khái niệm, thuật ngữ, tiêu chuẩn, tiêu chí, bộ công cụ, cách đo lường kết cục... Việc hiểu rõ và nắm vững vấn đề nghiên cứu sẽ giúp nghiên cứu viên định hướng và phát triển được đề cương nghiên cứu.

 

   2. Xin phê duyệt của Hội đồng đạo đức (HĐĐĐ)

Sau khi có được đề cương nghiên cứu hoàn chỉnh, nghiên cứu cần được phê duyệt của Hội đồng đạo đức nhằm đảm bảo nghiên cứu được tiến hành đúng phương pháp và không vi phạm y đức.

Tùy theo nghiên cứu cấp nào mà đề cương nghiên cứu cần được trình nộp cho Hội đồng đạo đức cấp tương ứng. VD: Nghiên cứu cấp cơ sở cần phê duyệt bởi Hội đồng đạo đức bệnh viện, nghiên cứu cấp Bộ cần được phê duyệt bởi HĐĐĐ Bộ Y tế. Người nghiên cứu cần tìm hiểu rõ quy trình phê duyệt của Hội đồng để dự trù thời gian chờ phê duyệt và chuẩn bị hồ sơ đầy đủ.

    

   3. Thu thập dữ liệu

Sau khi đã được chấp thuận, người nghiên cứu có thể tiến hành thu thập dữ liệu theo cách thức đã nêu trong đề cương.

Nghiên cứu viên cần đảm bảo dữ liệu được thu thập theo đúng phương pháp trong đề cương đã được phê duyệt nếu không kết quả nghiên cứu có thể sẽ sai lệch và không được chấp thuận bởi Hội đồng nghiệm thu.

 

   4. Nhập và làm sạch dữ liệu

Nhập liệu và làm sạch dữ liệu cũng là một bước quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả nghiên cứu. Do đó người nghiên cứu nên sử dụng các phần mềm nhập liệu chất lượng cũng như đảm bảo tính chính xác của dữ liệu. VD: phần mềm SPSS, R, Sata…

 

   5. Phân tích thống kê

Người nghiên cứu cần mô tả chi tiết phương pháp phân tích dữ liệu trong đề cương nghiên cứu được xem xét bởi Hội đồng phê duyệt. Điều này nhằm đảm bảo phương pháp mà nhà nghiên cứu chọn là chính xác và phù hợp để phân tích dữ liệu. Đây có thể xem là bước quan trọng nhất vì phương pháp thống kê sai có thể dẫn đến sai lệch kết quả nghiên cứu và khi đó kết luận của nghiên cứu cũng không còn giá trị.

 

   6. Báo cáo kết quả nghiên cứu

Tùy theo mục đích của người nghiên cứu mà kết quả nghiên cứu có thể được trình bày dưới dạng luận văn, bài báo cáo tóm tắt hoặc bài báo đăng trên tạp chí. Mỗi dạng báo cáo sẽ có hình thức và quy trình báo cáo khác nhau do đó người nghiên cứu cần tìm hiểu để tránh bỏ sót bước nào trong quy trình nhằm đảm bảo kết quả nghiên cứu được công nhận.

 

Trên đây là 6 bước cần thiết để tiến hành một nghiên cứu khoa học nói chung. Tùy theo từng loại nghiên cứu mà nghiên cứu có thể khác nhau ở bước nào đó trong quy trình này. VD: nghiên cứu can thiệp cần thu thập số liệu 2 lần trước và sau khi can thiệp để đánh giá hiệu quả can thiệp.

Người nghiên cứu có thể tìm hiểu thêm nội dung trong các tài liệu về nghiên cứu khoa học hoặc tham gia các lớp về phương pháp nghiên cứu khoa học tại bệnh viện để có thể thực hành viết đề cương nghiên cứu hoàn chỉnh và phân tích số liệu. Ngoài ra trong các bài viết sau sẽ đề cập chi tiết hơn các việc cần làm trong từng bước của quy trình này và các vấn đề cần lưu ý.

 

 

return to top