Thiếu ngủ hiện nay là một vấn để mà nhiều người gặp phải. Thiếu ngủ có thể do những áp lực trong cuộc sống và công việc gây nên hoặc do chúng ta chủ ý ngủ ít đi, khi chúng ta xem một bộ phim quá hay mà quên mất giờ đi ngủ hoặc thức khuya xem một trận đá bóng của đội bóng mình yêu thích.
Thiếu ngủ không chỉ gây ảnh hưởng đối với sức khỏe về mặt thể chất mà còn làm suy giảm cả về sức khỏe tinh thần.
Rất nhiều thống kê đã chỉ ra rằng, thiếu ngủ là nguyên nhân gây ra rất nhiều các vụ tai nạn giao thông và tai nạn trong công việc. Thiếu ngủ không chỉ khiến bạn gặp các vấn đề về sức khỏe mà còn gây ảnh hưởng đến hành vi.
Khi cơ thể bị mệt mỏi vì thiếu ngủ, não bộ sẽ phản ứng chậm hơn. Khi lái xe hoặc làm việc trong tình trạng như vậy cũng sẽ cảm thấy uể oải, lơ mơ, ngủ gật gây ra tai nạn.
Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng đối với quá trình tư duy và học hỏi. Thiếu ngủ có thể gây ảnh hưởng đến khả năng xử lý thông tin theo nhiều cách. Đầu tiên, thiếu ngủ gây giảm khả năng tập trung, sự tỉnh táo, khả năng lập luận và kỹ năng giải quyết vấn đề. Thêm vào đó, khi vào ban đêm, giấc ngủ còn giúp tăng cường khả năng ghi nhớ thông tin. Khi thiếu ngủ, não bộ sẽ không thể ghi nhớ những thông tin quan trọng.
Theo các nghiên cứu, 90% người bị chứng mất ngủ hoặc các rối loạn về giấc ngủ có tỷ lệ mắc các bệnh như đột quỵ, rối loạn nhịp tim, suy tim, tăng huyết áp và đái tháo đường.
Theo nghiên cứu của tạp chí Nội tiết lâm sàng và Chuyển hóa, nam giới bị thiếu ngủ được chứng minh là bị suy giảm nồng độ testosterone. Ngoài ra, tình trạng này cũng làm giảm ham muốn tình dục do sự thiếu hụt năng lượng, buồn ngủ và căng thẳng kéo dài.
Thiếu ngủ và các rối loạn giấc ngủ kéo dài có thể góp phần gây ra triệu chứng trầm cảm. Trong một nghiên cứu về giấc ngủ ở mỹ năm 2005, những người được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm hoặc rối loạn lo âu thường ngủ ít hơn sáu tiếng vào ban đêm.
Đa số chúng ta đều trải qua tình trạng da nhợt nhạt, mắt sưng sau một vài đêm mất ngủ. Nhưng không chỉ như thế, mất ngủ kéo dài còn làm cho làn da thiếu sức sống, xuất hiện nhiều nếp nhăn và quầng thâm dưới mắt.
Khi bị thiếu ngủ, cơ thể sẽ tiết ra nhiều hormone cortisol gây căng thẳng. Khi cortisol tích tụ quá nhiều sẽ làm phá vỡ lớp collagen của da, khiến cho da mất đi sự đàn hồi và mịn màng.
Vào năm 2009, các nhà nghiên cứu đã xác nhận rằng các thông tin trong não được gọi là sóng “sharp wave ripples”, có trách nhiệm củng cố lại bộ nhớ. Các sóng này cũng chuyển thông tin học được từ vùng đồi hải mã tới vùng vỏ não, nơi lưu giữ các ký ức dài hạn. Điều đặc biệt là sóng này chỉ xảy ra khi ở trong giấc ngủ sâu.
Các nhà khoa học đã chứng minh thiếu ngủ có liên quan đến làm tăng cảm giác đói và thèm ăn. Theo một nghiên cứu năm 2004, những người ngủ ít hơn 6 giờ một ngày thì có đến 30% nguy cơ trở nên béo phì hơn so với những ngủ từ 7-9 giờ mỗi ngày.
Theo nghiên cứu Whitehall II, các nhà nghiên cứu Anh đã xem xét làm thế nào giấc ngủ ảnh hưởng khả năng tử vong của hơn 10.000 công chức Anh trong hơn hai thập kỷ qua. Kết quả được công bố năm 2007 cho thấy những người đã giảm thời gian ngủ từ 7 giờ xuống 5 giờ hoặc ít hơn mỗi đêm đã tăng gấp đôi nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân. Đặc biệt, thiếu ngủ tăng gấp đôi nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch.
Thiếu ngủ đã được khẳng định là làm ảnh hưởng đến quá trình suy luận và phán đoán các sự kiện đang diễn ra. Tuy nhiên, những người bị thiếu ngủ thường đánh giá thấp hậu quả của việc thiếu ngủ đang gây ra cho họ thế nào. Nếu bạn đang nghĩ rằng bạn sẽ làm việc tốt khi ngủ ít hơn thì đó là sai lầm. Đặc biệt nếu bạn làm việc trong một ngành nghề cần có khả năng đánh giá, phán đoán thì thiếu ngủ là một vấn đề lớn.
Vì vậy để cơ thể luôn khỏe mạnh về cả thể chất và tinh thần, chúng ta nên ngủ 6 đến 8 tiếng mỗi ngày. Không nên ngủ ít hơn vì ngủ ít có thể gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng ghi nhớ, cân nặng và đời sống tình dục.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh