Nhiều người bị giãn tĩnh mạch và sưng chân do tính chất công việc bận rộn đòi hỏi thời gian dài ngồi làm việc, thời trang không đúng cách gây cản trở việc lưu thông máu. Thống kê cho thấy giãn tĩnh mạch ảnh hưởng đến hơn 20% người trưởng thành. Trong giai đoạn đầu, có nhiều cách để giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và ngăn ngừa sự tiến triển của chứng giãn tĩnh mạch. Hầu hết các phương pháp này có thể được áp dụng tại nhà.
Nâng cao chân có thể làm giảm đáng kể các triệu chứng giãn tĩnh mạch và sưng phù chân nếu bạn bị ở giai đoạn đầu. Để điều trị nâng cao chân có hiệu quả, cần phải nâng cao chân trên mức tim. Cố gắng giữ chúng ở vị trí này trong ít nhất 20 phút từ 3 -4 lần mỗi ngày.
Mang vớ hỗ trợ co giãn trong ngày có thể hữu ích hơn bất kỳ loại điều trị tại nhà nào khác. Nếu bạn cảm thấy khó chịu ở chân, hãy thử mang vớ hỗ trợ. Những chiếc vớ co giãn giúp nén các tĩnh mạch và ngăn máu chảy ngược.
Chúng bó chặt chân hơn nhiều so với vớ thông thường giúp tĩnh mạch ở chân luân chuyển máu hiệu quả hơn. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng vớ có thể làm giảm hoặc ngăn ngừa sưng chân buổi tối. Những người thường xuyên đứng, đi lại hoặc ngồi nên mang vớ y khoa để giảm sưng và giảm sự khó chịu.
(Mang vớ y khoa giúp giảm suy giãn tĩnh mạch)
Đừng quên những thực phẩm giàu chất xơ vì chúng giúp ngăn ngừa táo bón và giảm áp lực lên tĩnh mạch.
Hoạt động thể chất thường xuyên là chìa khóa để điều trị nhiều vấn đề sức khỏe. Trong trường hợp giãn tĩnh mạch, đặc biệt là những người được chẩn đoán ở giai đoạn đầu, hoạt động thể chất là một biện pháp phòng ngừa tốt. Tuy nhiên, đừng chọn một bài tập gây quá nhiều áp lực cho đôi chân. Chạy bộ thường không được khuyến khích vì nó có thể làm nặng thêm tình trạng giãn tĩnh mạch.
Bạn càng di chuyển, máu lưu thông càng nhanh. Các bài tập thể chất giúp tăng cường lưu thông máu và có hiệu quả để điều trị là đi bộ hàng ngày, căng cơ, yoga hoặc xoay cổ chân.
Những thay đổi trong lối sống có thể làm giảm sự khó chịu mà chứng giãn tĩnh mạch thường gây ra. Tránh thời gian đứng hoặc ngồi lâu, đặc biệt nếu bạn làm công việc văn phòng. Thay đổi tư thế thường xuyên hơn để tránh làm tắc nghẽn dòng máu lưu thông. Cố gắng đứng dậy và làm các bài tập kéo giãn cơ ngắn nếu có thể.
Tránh mang giày cao gót trong thời gian dài. Giày cao gót thường làm nặng hơn tình trạng ứ máu ở chi dưới do tăng co bóp các cơ bắp chân và dồn máu về tĩnh mạch.
Massage giúp hỗ trợ lưu thông máu trong cơ thể của bạn, đặc biệt là ở chân (nơi xuất hiện hầu hết các tĩnh mạch giãn). Kỹ thuật chính để xoa bóp giãn tĩnh mạch là nhẹ nhàng, tránh áp lực lên các tĩnh mạch lớn, ép và vặn vẹo. Sử dụng áp lực toàn bàn tay nhẹ nhàng hoặc áp lực đầu ngón tay khi xoa bóp, di chuyển từ gót chân đến mắt cá chân. Nếu cảm thấy đau hoặc bất kỳ loại khó chịu nào, hãy ngừng massage và nâng cao chân hơn.
Mặc dù massage nhẹ nhàng như vậy có thể không làm giảm hoàn toàn triệu chứng giãn tĩnh mạch, nhưng nó có thể thay đổi đáng kể cảm giác khó chịu mà chúng gây ra bằng cách cải thiện lưu lượng máu đến các chi.
Một trong những phương pháp can thiệp y tế phổ biến nhất cho bệnh suy giãn tĩnh mạch là cắt đốt bằng laser. Phương pháp này thường được sử dụng khi không có phương pháp điều trị nào nêu trên hiệu quả và tình trạng sưng cũng như khó chịu trở nên nặng nề.
Một ống có tia laser ở đầu được luồn qua tĩnh mạch bị giãn, tia laser nóng lên và bịt kín các thành tĩnh mạch để máu không chảy qua nó nữa. Sau đó, tĩnh mạch được loại bỏ bởi một thiết bị chuyên biệt. Thủ thuật thường để lại vết thâm nhỏ trên chân và đơn giản hơn nhiều so với phẫu thuật thông thường.
Xem thêm: Suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh