Nội soi khớp vai được thực hiện để điều trị các cơ ống xoay, rách sụn viền, và viêm bao hoạt dịch vai. Thủ thuật nội soi cũng đôi khi được sử dụng để điều trị viêm khớp vai giai đoạn đầu.
Dù phẫu thuật nội soi khớp vai được coi là thủ thuật rất an toàn, những biến chứng có liên quan đến quá trình này vẫn cần được quan tâm.
Nhiễm trùng là một tình trạng nghiêm trọng cần được quan tâm bất cứ khi nào có phẫu thuật, cho dù chỉ là một thủ thuật nhỏ hay một ca phẫu thuật lớn. Vi khuẩn có mặt trên da của chúng ta và trong môi trường, và dù cho có việc kiểm soát nhiễm khuẩn có được thực hiện tốt đến như thế nào, bất cứ khi nào phẫu thuật bạn đều có nguy cơ nhiễm trùng.
Các phẫu thuật và thủ thuật ở vai có xu hướng phát triển các bệnh nhiễm trùng da thông thường liên quan đến tụ cầu và liên cầu - các loại bệnh nhiễm trùng thông thường nhất. Ngoài ra, một loại vi khuẩn ít phổ biến hơn được gọi là Propionibacterium acnes thường có liên quan đến nhiễm trùng vai. P. acnes có mặt trên da xung quanh vai, và có thể khó phát hiện bằng các xét nghiệm tiêu chuẩn cho nhiễm khuẩn.
Điều trị các bệnh nhiễm trùng do phẫu thuật có thể cần các phẫu thuật bổ sung khác và kháng sinh lâu dài, vì vậy bệnh nhân và cán bộ y tế cần thận trọng trong điều trị và chăm sóc hồi phục để giúp ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng.
Tổn thương thần kinh dù không phổ biến, nhưng với số lượng nhiều dây thần kinh quan trọng bao quanh khớp vai, đây là một biến chứng có thể xảy ra trong phẫu thuật. Việc phẫu thuật có thể gây nên những thương tổn đối với các dây thần kinh ở khu vực này. Dây thần kinh có thể bị thương bởi dụng cụ phẫu thuật trong quá trình phẫu thuật.
Một trong những vấn đề phổ biến nhất sau khi phẫu thuật vai là cứng khớp vai. Đối với một số trường hợp phẫu thuật, bệnh nhân sẽ cần một khoảng thời gian giữ vai cố định để có thể hồi phục. Tuy nhiên, việc giữ vai cố định cũng có thể gây ra một tình trạng gọi là cứng khớp vai.
Những bệnh nhân cứng khớp vai thường xuất hiện tình trạng tăng mô sẹo quá mức trong túi khớp vai, mô bao quanh khớp vai và khớp vai. Cứng khớp vai thường được điều trị bằng phương pháp trị liệu tích cực và trong một vài trường hợp sẽ được tiêm cortisone. Nhiều trường hợp cứng khớp vai mất vài tháng hoặc lâu hơn để giải quyết.
Sự phá hủy sụn là một biến chứng hiếm nhưng rất nghiêm trọng của phẫu thuật nội soi khớp vai. Sự phá hủy sụn gây tổn thương cho sụn khớp của bề mặt khớp và có thể dẫn tới sự tiến triển sớm của viêm khớp. Điều này cần được đặc biệt quan tâm đối với những bệnh nhân trẻ mắc chứng này sau khi điều trị thương tích thể thao. Thông thường, những bệnh nhân này thường mong đợi có thể khôi phục lại toàn bộ chức năng bình thường của vai, và phá hủy sụn có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe mạn tính với khớp vai nếu sụn bị hư hỏng nặng.
May mắn thay, phá hủy sụn là một biến chứng hiếm gặp, và các bác sĩ phẫu thuật có đầy đủ các biện pháp phòng ngừa để giúp ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng này.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh