✴️ Cần lưu ý gì trước và sau khi thay khớp gối bán phần?

Nội dung

1. Thay khớp gối bán phần là gì? Khi nào nên thực hiện?

1.1. Thế nào là thay khớp gối bán phần?

Thay khớp gối bán phần (hoặc thay khớp gối không hoàn toàn) là phương pháp phẫu thuật nhằm giúp loại bỏ một phần khớp gối bị tổn thương của người bệnh. Khớp gối của bệnh nhân thường được thay thế bởi một vật liệu nhân tạo còn gọi là bộ phận giả. Bộ phận giả này có thể giúp thay thế được cả phần bên trong và ngoài hoặc một phần của xương bánh chè bị tổn thương. Bên cạnh đó, các sụn và xương khỏe mạnh vẫn sẽ được giữ lại.

Nguyên nhân chính mà người bệnh cần tiến hành phẫu thuật thay khớp gối là do bị bệnh viêm khớp. Viêm khớp là tình trạng một hoặc nhiều khớp của bệnh nhân bị tổn thương. Viêm khớp sẽ khiến bào mòn dần dần sụn khớp bình thường bao bọc ở bề mặt khớp dẫn tới vùng xương bên dưới sụn chịu tổn thương. Điều này sẽ gây nên tình trạng bị đau và cứng khớp.

Do đó, phương pháp phẫu thuật này sẽ giúp bệnh nhân giảm đau và đi lại dễ dàng hơn, thông quá đó có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của họ.

Đây là phương pháp phẫu thuật nhằm giúp loại bỏ một phần khớp gối bị tổn thương của người bệnh

 

1.2. Khi nào nên thực hiện thay khớp gối bán phần?

Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân, bác sĩ sẽ cân nhắc giữa hai phương pháp đó là thay khớp gối toàn phần và thay khớp gối không hoàn toàn. Thông thường, bác sĩ có thể lựa chọn thay khớp gối không hoàn toàn thay vì thay khớp gối toàn phần vì các lý do sau đây:

– Người bệnh đã cao tuổi, thể trạng gầy và ít vận động

– Phần bên kia đầu gối hoặc phần dưới xương bánh chè của người bệnh không bị tình trạng viêm quá nặng

– Đầu gối của người bệnh không bị biến dạng nhiều

– Đầu gối của người bệnh vẫn có phạm vi chuyển động tốt

– Các dây chằng ở đầu gối của người bệnh vẫn ổn định.

Bệnh nhân nên tiến hành thảo luận với bác sĩ để có thể lựa chọn được phương pháp điều trị tốt nhất cho tình trạng sức khỏe của mình.

 

2. Một số nguy hiểm có thể xảy ra sau khi phẫu thuật

Cũng tương tự như bất cứ cuộc phẫu thuật nào khác, phương pháp thay khớp gối không hoàn toàn hoặc thay khớp gối toàn phần cũng đều tiềm ẩn một số rủi ro nhất định. Bác sĩ tiến hành phẫu thuật sẽ thảo luận về từng biến chứng với bệnh nhân và các biện pháp giúp phòng tránh biến chứng có thể gặp.

Mặc dù hiếm khi xảy ra, tuy nhiên một số biến chứng có thể xuất hiện khi phẫu thuật thay khớp gối nói chung là:

– Tình trạng tạo cục máu đông tại khớp gối của bệnh nhân

– Bị nhiễm trùng

– Bị tổn thương thần kinh hoặc tổn thương mạch máu

– Cơn đau kéo dài

– Các biến chứng gây ra bởi sử dụng thuốc gây mê

Ngoài ra, riêng với thay khớp gối không hoàn toàn, bệnh nhân còn có thể gặp biến chứng như:

– Bị tổn thương thần kinh

– Bị tổn thương mạch máu

– Bị trật khớp

– Gặp phải hiện tượng nhiễm trùng ở khớp gối

– Bị lỏng khớp

– Cảm thấy đau nghiêm trọng, cứng khớp và mất đi khả năng sử dụng khớp gối (còn được gọi là hội chứng đau cục bộ phức tạp)

Bệnh nhân có thể giảm nguy cơ mắc phải biến chứng trên bằng cách cẩn thận làm theo hướng dẫn chi tiết của bác sĩ để chuẩn bị cho ca phẫu thuật, chẳng hạn như việc nhịn đói và ngưng sử dụng một số loại thuốc.

Bệnh nhân có thể giảm nguy cơ mắc biến chứng bằng cách cẩn thận làm theo hướng dẫn của bác sĩ

 

3. Nên chuẩn bị gì trước và khi phẫu thuật?

3.1. Trước khi phẫu thuật

Bệnh nhân cần nói cho bác sĩ biết loại thuốc đang dùng, bao gồm cả các loại thảo dược, loại thực phẩm chức năng hoặc thuốc mua không cần toa.

Trong 2 tuần trước khi thực hiện ca phẫu thuật, bệnh nhân cần:

– Sắp xếp lại nhà ở, điều này giúp bệnh nhân sinh hoạt thuận tiện hơn trong những tuần tiếp theo

– Hỏi bác sĩ về những loại thuốc nào bệnh nhân vẫn có thể sử dụng trong giai đoạn phẫu thuật

– Bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân tạm ngưng sử dụng các loại thuốc làm máu khó đông

– Bệnh nhân có thể cần ngưng dùng tất cả các loại thuốc khiến cho hệ miễn dịch bị yếu đi

 

3.2. Vào ngày diễn ra phẫu thuật

– Bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân không ăn uống gì trong vòng khoảng 6-12 tiếng trước khi tiến hành mổ

– Bệnh nhân cần uống các loại thuốc mà bác sĩ chỉ định

– Bác sĩ sẽ cho bệnh nhân biết hôm đó phải đến bệnh viện vào lúc nào

– Hãy thảo luận với bác sĩ phẫu thuật nếu còn bất kỳ câu hỏi gì liên quan đến ca phẫu thuật

 

3.2. Sau khi phẫu thuật

– Thông thường, bệnh nhân sẽ được về nhà sau phẫu thuật khoảng 1-4 ngày và sẽ cần sử dụng ba toong hoặc chống gậy để giúp hỗ trợ đi lại trong vài tuần.

–  Chú ý tập luyện đều đặn sẽ giúp bệnh nhân quay trở lại với các hoạt động bình thường sớm nhất có thể. Tuy nhiên trước khi bắt đầu luyện tập, bạn hãy hỏi trước ý kiến của bác sĩ.

– Hầu hết bệnh nhân sau khi phẫu thuật sẽ hồi phục hoàn toàn, cảm giác ít đau hơn và có thể di chuyển tốt hơn. Dù vậy, khớp gối nhân tạo sẽ không mang lại cho bạn cảm giác hoàn toàn giống như với khớp gối bình thường.

– Hãy thảo luận với phẫu thuật viên để có thể được chăm sóc hậu phẫu phù hợp. Đặc biệt, bệnh nhân cần thực hiện theo đúng những hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo có thể hồi phục hoàn toàn.

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về phương pháp thay khớp gối không hoàn toàn. Hãy chú ý theo dõi sức khỏe, thăm khám định kỳ để có thể kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường của cơ thể và điều trị ngay từ sớm để tránh biến chứng nguy hiểm.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top