✴️ Cảnh giác với căn bệnh viêm khớp cùng chậu

Viêm khớp cùng chậu chính là một phần trong các bệnh viêm cột sống dính khớp. Đây là bệnh lý mạn tính, tiến triển một cách từ từ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sinh hoạt và làm việc của người mắc phải. Bệnh thường dễ gặp hơn ở nữ giới, nhất là trong giai đoạn mang thai và sinh con.

 

1. Nguyên nhân gây nên bệnh viêm khớp cùng chậu

Viêm khớp cùng chậu là tình trạng viêm chỉ một khớp hoặc viêm nhiều khớp giữa xương chậu và xương cột sống. Các khớp này ở phần dưới cột sống, là nơi nối phần xương chậu và gần hông. Do đó, viêm khớp ở vị trí này có thể tác động lớn đến các bộ phận như: chân, bàn chân, lưng dưới, mông, hông,… Dưới đây là một số nguyên nhân gây nên căn bệnh này:

Do bị nhiễm khuẩn

Bệnh do nhiễm khuẩn thường gặp nhiều hơn ở phụ nữ. Những người bị bệnh viêm đại tràng, viêm vùng kín, hoặc đang trong kỳ kinh nguyệt nếu không giữ vệ sinh sạch sẽ khiến tình trạng nhiễm khuẩn lan sang vùng xương chậu dẫn tới bệnh. Phụ nữ khi chuyển dạ thai lọt xuống vùng tiểu khung sẽ gây ứ nước, phù nề dây chằng quanh vùng khớp cùng chậu.

Đối với nam giới thì hay gặp phải căn bệnh này khi mắc một số bệnh lý liên quan đến cột sống.

Do tổn thương sau khi gặp chấn thương

Những tình huống như tai nạn xe cộ, ngã hoặc các tác động từ bên ngoài tác động một cách đột ngột với cường độ mạnh có thể gây tổn thương các khớp cùng chậu gây tình trạng viêm khớp.

Do tiền sử bị bệnh viêm khớp

Bệnh viêm khớp mạn tính có thể xảy ra cả ở vùng khớp cùng chậu, đôi khi có thể là bệnh viêm cột sống dính khớp.

Do quá trình mang thai

Trong quá trình mang thai và sinh con, các khớp cùng chậu của nữ giới phải nở rộng và kéo dài sao cho chúng có thể thích ứng cho việc sinh nở. Lúc này, trọng lượng cơ thể của người phụ nữ bị gia tăng rất đáng kể, dáng đi thay đổi gây áp lực lên các khớp dẫn đến những tổn thương.

Ngoài ra, bệnh còn có thể xảy ra do một số yếu tố khác như: sự di truyền hoặc cơ địa,…

Viêm khớp ở vị trí này có thể tác động lớn đến các bộ phận

 

2. Những triệu chứng thường gặp khi bệnh bạn cần biết

– Người bệnh cảm thấy đau bụng âm ỉ, bị buồn nôn, sốt cao, đi tiểu buốt, đi đại tiểu tiện có ra máu bất thường làm ảnh hưởng đến dây thần kinh tọa và có thể dẫn đến teo cơ vùng mông, đùi.

– Hầu hết bệnh nhân đều cảm thấy đau ở vùng cột sống thắt lưng, vùng giữa hai mông và  vùng chậu hông. Các cơn đau thường sẽ có tính chất âm ỉ và kéo dài dai dẳng.

– Cơn đau thường xuất hiện khi bạn ngồi lâu, đôi khi có cảm giác cứng và tê xuống hai chân giống như bị đau dây thần kinh tọa.

– Bệnh nhân bị hạn chế vận động, không thể tiến hành gập hay co, duỗi, khoanh chân như người bình thường, dáng đi cũng có sự thay đổi.

– Cảm thấy bỏng rát vùng khớp viêm nhiễm. Cụ thể, phần da bên ngoài khớp cùng chậu bị ửng đỏ, bỏng rát, khó chịu.

– Đối với những phụ nữ mang thai sẽ thấy đau rất dữ dội dù đang ở tư thế ngồi hoặc nằm, nhất là khi cử động dù rất nhẹ. Bệnh có thể xuất hiện sau vài tháng mang thai và kéo dài đến khi họ đẻ xong.

– Trong một số trường hợp, phụ nữ còn có thể có các dấu hiệu viêm ở vùng tiểu khung đi kèm triệu chứng như: đau bụng âm ỉ, đau khi đi đại tiểu tiện, đau vùng bụng dưới, hoặc chảy máu âm đạo bất thường.

Bạn cần chú ý đến các dấu hiệu của bệnh lý này để thăm khám kịp thời

 

3. Một số phương pháp phổ biến giúp điều trị bệnh

3.1. Phương pháp dùng thuốc

Người bệnh cần đi thăm khám chuyên khoa cơ xương khớp để được bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng bệnh của mình. Căn cứ vào đó, bác sĩ sẽ tư vấn và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp cho từng trường hợp.

Lưu ý: Việc dùng thuốc cần được tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ đưa ra.

3.2. Phẫu thuật giúp điều trị viêm khớp cùng chậu

Trong trường hợp nếu bệnh nhân dùng thuốc Tây không còn tác dụng và tình trạng viêm nhiễm đã diễn ra nghiêm trọng thì họ sẽ được bác sĩ chỉ định phẫu thuật nhằm giúp loại bỏ sự viêm nhiễm, tái cấu trúc khớp cùng chậu.

3.3. Phương pháp tập luyện kết hợp

Ấp dụng vật lý trị liệu hỗ trợ và duy trì chức năng của phần khớp

– Bệnh nhân được yêu cầu cần nghỉ ngơi nhiều. Đối với các trường hợp bị đau cấp, đau nhiều thì cần phải nghỉ ngơi tuyệt đối.

– Sau khi những cơn đau có sự thuyên giảm, bệnh nhân sẽ được thực hiện bài tập thể dục để khung chậu có thể co giãn linh hoạt, duy trì chức năng vận động của phần cột sống, tránh xảy ra tình trạng co cơ.

– Tiến hành chiếu tia hồng ngoại và sóng ngắn cho vùng khớp cùng chậu kết hợp với việc massage, chườm ấm hoặc chườm lạnh theo chỉ định của bác sĩ 2 lần/ngày.

Luyện tập thể dục bằng những bài tập nhẹ nhàng thường xuyên

– Bài tập căng cơ khép háng.

– Bài tập cơ mông.

– Bài tập duỗi háng có đối kháng.

– Bài tập xoay nửa dưới chân mình.

3.4. Cải thiện chế độ ăn giúp hỗ trợ điều trị viêm khớp cùng chậu

Người bệnh cần ăn uống đầy đủ và khoa học. Hãy bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là các loại thực phẩm có chứa nhiều chất béo omega 3, vitamin D, B12, canxi, kali,… Bệnh nhân cần tránh uống bia rượu, hút thuốc lá, hoặc sử dụng đồ uống có cồn…

Có thể thấy, đây là một bệnh lý xương khớp thường có tiến triển mạn tính, kéo dài. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp phải nhiều hậu quả đáng tiếc. Do vậy, chúng ta cần phải chú ý và nắm rõ về căn bệnh này để có thể chủ động phát hiện và đến khám bệnh kịp thời ở các cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa cơ xương khớp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top