✴️ Chăm sóc, giảm đau cho người bị bong gân, căng cơ, bầm tím

Bong gân là chấn thương dây chằng (mô nối hai hay nhiều xương tại một khớp). Khi bị bong gân, một hoặc hay dây chằng bị giãn hoặc bị rách. Trong khi đó căng cơ là tình trạng các thớ cơ căng giãn hơn bình thường, vượt quá  giới hạn chịu đựng của cơ. Bầm tím cũng là một loại chấn thương thường gặp. Cùng tìm hiểu về các biện pháp chăm sóc, giảm đau cho 3 tình trạng nêu trên.

 

Làm gì khi bị bong gân, căng cơ?

Nghỉ ngơi

Nghỉ ngơi là một trong những biện pháp đơn giản giúp chữa lành bong gân và căng cơ

 

Nghỉ ngơi là một trong những biện pháp đơn giản giúp chữa lành bong gân và căng cơ. Tùy thuộc vào vị trí chấn thương, người bệnh cần nghỉ ngơi từ 1 – 2 ngày. Nếu cần thiết, có thể sử dụng gậy hoặc nạng để tiện đi lại, sinh hoạt. Trong trường hợp bong gân hoặc căng cơ quá nghiêm trọng, cần nhanh chóng tới bệnh viện để kiểm tra và điều trị y tế. Bác sĩ sẽ đánh giá mức độ tổn thương và tư vấn kế hoạch điều trị phù hợp nhất. Cho dù là trường hợp nào cũng cần ghi nhớ nên giảm bớt các hoạt động và dành thời gian nghỉ ngơi.

Chườm đá

Chườm đá giúp giảm sưng và đau do bong gân hoặc căng cơ. Vì vậy, trong 24 giờ đầu tiên sau chấn thương, chườm lạnh khoảng 20 – 30 phút. Có thể đặt đá lạnh trong túi nhựa, sau đó dùng khăn bọc túi lại (để tránh bị tê cóng). Không chườm nóng trong vòng 24 giờ sau khi bị bong gân hoặc căng cơ. Vì điều này có thể khiến tình trạng sưng trở nên tồi tệ hơn.

Băng bó

Băng bó sau khi bị bong gân hoặc căng cơ giúp giảm bớt sưng. Trong một hoặc hai ngày đầu, quấn băng nén ở vị trí bị chấn thương. Có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để biết nên sử dụng loại băng nén nào và cách băng bó ra sao.

Kê vị trí bị bong gân hoặc căng cơ lên cao

Đặt vùng chấn thương lên cao sẽ giúp giảm sưng, do đó nên cố gắng giữ cho vùng bị thương cao hơn tim nếu có thể. Trọng lực sẽ hạn chế bớt sưng tấy.

Nếu đã thực hiện hết tất cả các biện pháp nêu trên nhưng vẫn bị sưng, người bệnh nên nhanh chóng tới bệnh viện để thăm khám. Trường hợp bong gân hoặc căng cơ gây đau nghiêm trọng hoặc có cảm giác tê, yếu hay khớp không ổn định, cũng cần tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay.

Các phương pháp điều trị bong gân hoặc căng cơ khác

Một số người khi bị bong gân hoặc căng cơ có thể sẽ phải nẹp hoặc bó bột. Bác sĩ sẽ giám sát việc sử dụng các công cụ hỗ trợ này vì sử dụng kéo dài có thể dẫn tới cứng khớp và giảm khả năng cử động. Để phục hồi sau bong gân hoặc căng cơ, người bệnh cũng cần tự tập luyện tại nhà hoặc tham gia các buổi vật lý trị liệu với chuyên gia. Trong một số trường hợp, người bệnh sẽ phải phẫu thuật để xử lý các chấn thương.

 

Làm gì khi bị bầm tím?

Với vết bầm tím ở mắt, chườm gạc lạnh hoặc túi nước đá bọc trong khăn cứ 20 phút/lần khi đang thức

 

Vết bầm tím là một chấn thương da phổ biến, xảy ra khi có tác động phá vỡ các mạch máu nhỏ dưới da và máu thấm vào các mô. Để làm giảm bầm tím, có thể chườm lạnh và cố gắng giữ vị trí bị bầm tím cao hơn trái tim nếu có thể. Vết bầm tím thường kéo dài khoảng 2 tuần và thay đổi màu sắc từ màu đỏ/tím sang vàng khi phục hồi. Nếu bị bầm tím nặng và vùng bị bầm tím sưng phồng đau đớn, cần tới bệnh viện ngay.

Với vết bầm tím ở mắt, chườm gạc lạnh hoặc túi nước đá bọc trong khăn cứ 20 phút/lần khi đang thức. Nên đi kiểm tra để chắc chắn không có chấn thương nghiêm trọng hơn.

Với các va chạm gây sưng ở đầu, để giảm sưng và đau nên chườm lạnh. Cần tìm kiếm sự trợ giúp  y tế ngay lập tức nếu bị chảy máu từ vùng đầu hoặc mặt, nhức đầu hoặc nôn, bất tỉnh, nói lắp, có vấn đề về thị lực, khó thở, co giật.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top